Phân tích nhân vật Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương
Phân tích nhân vật Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương
Chuyện người con gái Nam Xương thuộc tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Câu chuyện không chỉ xây dựng nên hình ảnh một người phụ nữ mang phẩm chất tốt đẹp nhưng phải hứng chịu nhiều chi bịch cuộc đời - Vũ Nương, mà nó còn giúp ta hiểu thêm về Trương Sinh - chồng của Vũ Nương và cũng chính là nhân vật đại diện cho xã hội trọng nam khinh nữ lúc bấy giờ.
Phân tích nhân vật Trương Sinh trong chuyện người con gái Nam Xương
Mở bài phân tích nhân vật Trương Sinh
“Chuyện người con gái Nam Xương” là câu chuyện được trích từ “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ. Tác phẩm được xem là “thiên cổ kỳ văn” xưa nay hiếm có, là một trong những thiên truyện xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVI - XVII. Trong truyện, Trương Sinh - chồng của Vũ Nương - là nhân vật không được tác giả kỳ công trau chuốt, nhưng chỉ qua một vài nét phác thảo đơn giản đã đủ khiến cho người đọc có nhiều cảm nhận cùng ấn tượng sâu sắc về nhân vật này.
Xem thêm:
Phân tích chuyện người con gái Nam Xương qua phẩm chất Vũ Nương và Trương Sinh
Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua chuyện người con gái Nam Xương và Truyện Kiều
Thân bài phân tích nhân vật Trương Sinh
Trong truyện, Trương Sinh đóng vai trò là người tạo nên thảm kịch đối với cuộc đời người vợ Vũ Nương bởi tình huống ngộ nhận sự việc một cách mù quáng. Chỉ với một lời nói hồn nhiên từ đứa con trai, Trương Sinh đã lập tức tự hình dung nên tội trạng của Vũ Nương, rằng nàng đã không giữ gìn khí tiết, gian díu với người ngoài trong thời gian chồng vắng nhà đi lính. Chính suy nghĩ mù quáng, sai lầm ấy của Trương Sinh đã dẫn đến những hành động vô tâm, tàn bạo của chàng đối với Vũ Nương, bức nàng uất ức tìm đến cái chết.
Trong xã hội phong kiến với đầy hủ tục thối nát và lạc hậu, vị trí của người đàn ông luôn được đề cao hơn cả. Cùng với đó, trách nhiệm của họ với bản thân, với gia đình và với đất nước cũng vô cùng lớn lao. Đó là lý do mà người làm trai trong xã hội xưa luôn có khát vọng tìm kiếm công danh, luôn khát khao được làm những điều lớn lao để lưu danh sử sách muôn đời. Đó chính là lý tưởng sáng ngời mà một đấng nam nhi phải theo đuổi suốt đời. Đó cũng chính là chuẩn mực mà xã hội xưa đánh giá về một người đàn ông.
Để tìm kiếm công danh, người ta sẽ đạt được bằng hai con đường. Một là chăm chỉ đèn sách đợi ngày đạt lấy danh hiệu vinh quang làm rạng rỡ danh gia vọng tộc. Hai là làm lính xông pha nơi trận mạc, lập công hiển hách để được phong hầu phong tước.
Ở nhân vật Trương Sinh, chàng ta lại chẳng hề có chút khát vọng nào với công danh sự nghiệp. Chàng dễ dàng chấp nhận sống một cuộc sống bình thường. Chàng sinh ra trong một gia đình hào phú, chàng có điều kiện để học hành hơn người. Nhưng vì ham chơi và thích cuộc sống an nhàn nên cuộc sống chẳng có gì vẻ vang. Đó chính là nỗi buồn của mẹ chàng dù bà không nỡ nói ra. Có lẽ vì thế mà hình ảnh nhân vật này luôn bị lẩn khuất trong hệ thống các nhân vật nam trong văn học, chẳng hề có tiếng tăm gì.
Xem thêm:
Dàn ý phân tích nhân vật Trương Sinh
Cha của Trương Sinh qua đời từ sớm, chỉ có một mình chàng chăm lo phụng dưỡng cho mẹ già. Đó chính là nghĩa cử hiếu thảo. Trương Sinh cũng có ý thức lấy vợ hiền dâu thảo, sinh con nối dõi tông đường. Đó chính là người con có hiếu, có trách nhiệm với gia tộc. Nhưng chữ hiếu chưa thể trọn vẹn, chàng đã phải ra trận mạc nơi biên cương giặc dã trong những ngày mẹ già sức yếu.Chưa kịp đợi chàng trở về, thì người mẹ đã nhắm mắt xuôi tay đi về nơi chín suối.
Có lẽ, tác giả xây dựng chi tiết này để dẫn đến sự hiểu nhầm vợ của Trương Sinh. Cũng qua đó, người đọc có thể cảm nhận được sự hiếu thảo, tận tâm của Vũ Nương. Thế nhưng điều đó lại vô tình biến Trương Sinh thành một đứa con bất hiếu.
Dân gian ngày xưa cho rằng, khi cha mẹ qua đời mà không được nhìn thấy mặt con, linh hồn sẽ không được siêu thoát. Người con không trở về gặp mẹ cha lần cuối cũng mang phải tội bất hiếu. Ngày trở về, Trương Sinh biết tin mẹ đã mất thì vô cùng đau buồn. Chàng đau buồn vì mẹ già không thể đợi chàng trở về, lại càng đau buồn vì mình chưa thể làm trọn đạo hiếu với mẹ.
Trở lại ngày cưới Vũ Nương, vì yêu mến đức hạnh của nàng mà Trương Sinh đã xin mẹ trăm lạng bạc cưới nàng làm vợ. Đây là hành động đúng đắn và mang đầy trách nhiệm của một người con trai trong nhà. Những tưởng chàng ta sẽ hài lòng và yêu thương vợ hết mực. Nhưng bất ngờ là, vì Trương Sinh mang tính hay ghen nên trong cuộc sống gia đình, Vũ Nương luôn phải cẩn trọng từng chút một.
Nàng luôn cư xử có chừng mực, giữ gìn khuôn phép để vợ chồng không bất hòa. Nhưng cũng vì thế mà nàng phải sống trong trạng thái căng thẳng bởi sự đa nghi của Trương Sinh. Lại thêm chàng là người độc đoán, bảo thủ, hồ đồ và không hề tin tưởng vợ, không ít lần làm tổn thương vợ. Điều đó khiến cho áp lực vô hình ấy luôn tồn tại một cách âm ỉ, chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể gây ra bùng cháy lớn. Lúc ở nhà Trương Sinh đã luôn ghen tuông như thế, thì ngoài mặt trận, hẳn lòng ghen tuông ấy càng lớn hơn.
Phân tích Trương Sinh để hiểu về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Vũ Nương tuy xuất thân nhà nghèo khó, chưa làm nên được điều lớn lao cho nhà Trương Sinh, nhưng nàng đã sinh được một đứa con trai giúp Trương Sinh nối dõi tông đường. Lại thêm những ngày Trương Sinh đi lính, nàng một mình phụng dưỡng mẹ già, chăm lo con nhỏ vô cùng chu đáo. Mẹ Trương Sinh mất, nàng đứng ra lo ma chay tế lễ vô cùng chu toàn.
Đó là nghĩa cử cao đẹp ai ai cũng cảm phục và thầm ghen tị với Trương Sinh vì có một người vợ hiền. Công ơn ấy, Trương Sinh đáng ra phải ghi nhớ và đền đáp bằng một cuộc sống hạnh phúc cho Vũ Nương. Nhưng mà, vì ghen tuông mù quáng mà chàng ta sẵn sàng gạt đi tất cả, ruồng bỏ người vợ hiền đức ấy.
Cái chết của Vũ Nương là cái chết đầy oan ức, nhưng cái chết ấy lại là điều mà Trương Sinh và xã hội phong kiến thối nát ấy mong muốn. Bởi vì, người phụ nữ trong xã hội xưa nào có danh phận hay địa vị gì. Cuộc đời họ chỉ như hạt cát, số phận họ luôn phải phụ thuộc đời đàn ông. Không chỉ thế, gian tình là một tội lỗi được người xưa kết vào trọng tội, là một sỉ nhục lớn nhất của một đời người phụ nữ. Vì thế, Trương Sinh không chấp nhận Vũ Nương sống trong gia đình. Và cái chết giống như một điều tất yếu đối với Vũ Nương.
Lúc Vũ Nương vì oan khuất gieo mình tự vẫn, Trương Sinh dẫu có đi tìm vớt xác nàng nhưng lại chẳng hề thương khóc hay hối hận. Vũ Nương chết trong oan khuất, chàng cũng không cầu siêu cho linh hồn nàng yên nghỉ. Biết nàng bị oan, chàng cũng chẳng hối lỗi, chẳng truy niệm công đức cho nàng nhẹ lòng nơi chín suối.
Nghe Phan Lang kể về việc gặp Vũ Nương dưới cung nước, chàng ta hoài nghi không tin và cho rằng Phan Lang đang bịa chuyện. Thử hỏi nếu có lòng thương nhớ Vũ Nương, tại sao chàng ta không hồ hởi hỏi han. Có lẽ bản ngã đàn ông quá lớn đã khiến Trương Sinh dần vô cảm, đến mức không còn tình người.
Xem thêm:
Dàn ý phân tích chuyện người con gái Nam Xương
Kể lại chuyện người con gái Nam Xương
Ngày Vũ Nương trở về giữa dòng sông trên chiếc thuyền hoa mờ ảo để nói lời ly biệt, Trương Sinh nào có tha thiết mong nàng tha thứ và trở về, để chàng có cơ hội bù đắp cho những thiệt thòi mà nàng đã gánh chịu, để chàng có thể sửa chữa lỗi lầm của mình, để con chàng có mẹ, để gia đình hạnh phúc? Có lẽ, cái sĩ diện đàn ông đã khiến Trương Sinh thêm cố chấp, hững hờ. Chàng ta chỉ van gọi mà chẳng hề thành khẩn, thiết tha.
Vũ Nương đã chọn không trở về. Vì hơn ai hết, nàng hiểu rằng xã hội phong kiến đã không còn chốn cho nàng dung thân. Đó cũng chính là lời tố cáo Trương Sinh - một kẻ ích kỷ, nông cạn, bạc tình bạc nghĩa.
Hậu thuẫn cho Trương Sinh là cả một xã hội phong kiến nam quyền tàn bạo, bất nhân. Xã hội ấy đã chà đạp lên nhân cách, phẩm chất và tước đi quyền được sống, quyền được hạnh phúc của người phụ nữ. Để rồi, nó đẩy người phụ nữ phẩm hạnh xuống tận cùng của đau thương. Những hành động của Trương Sinh đều được cho là hợp theo lễ giáo phong kiến, mặc cho nó mang đến bi kịch cuộc đời cho người khác. Vì thế, Trương Sinh chẳng hề có sự ăn năn, hối lỗi hay đau thương, vì đó là quyền mà xã hội ban cho chàng ta.
Kết bài phân tích nhân vật Trương Sinh
Xã hội phong kiến mục nát mang những quy định khắt khe đã đẩy biết bao người phụ nữ như Vũ Nương đi vào thảm kịch cuộc đời. Nó chính là một sợi dây vô cùng quyết định vận mệnh của người phụ nữ vô tội. Và Trương Sinh chính là nhân vật tượng trưng cho xã hội ấy, đầy hung tàn và bất công.
Xem thêm:
Đó là bài văn mẫu phân tích nhân vật Trương Sinh được CungHocVui tổng hợp và biên soạn mà bạn có thể tham khảo. Đón đọc thêm các bài văn mẫu khác tại đây!