Soạn bài: Người kể trong văn bản tự sự
I. Kiến thức cơ bản
Câu 1:
Chuyện kể về người hoạ sĩ già, cô gái và anh thanh niên trong giây phút chia tay sau cuộc gặp gỡ tình cờ.
Câu 2:
Người kể không phải là một trong ba nhân vât. Chuyện được kể bằng ngôi thứ ba (anh thanh niên - anh; cô kĩ sư - cô gái - cô; nhà hoạ sĩ - người hoạ sĩ già); nếu người kể là một trong ba nhân vật thì nhân xưng phải là tên một trong ba người này hoặc là xưng "tôi".
Các nhân vật là những đối tượng được kể lại từ một người khác, không xuất hiện trực tiếp trong câu chuyện nhưng biết tất cả, chứng kiến tất cả. Cần phân biệt giữa người kể chuyện và tác giả, ngay cả khi chuyện được kể theo ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng "tôi".
Câu 3:
Những câu "Những giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ" ; "Những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp lại được nữa, hay nhìn ta như vậy" là nhận xét của người kể chuyện về anh thanh niên và suy nghĩ của anh. Nhận xét thứ hai, người kể chuyện như nhập vào anh thanh niên để nói hộ suy nghĩ và tinh cảm của anh nhưng vẫn là câu trần thuật của người kể chuyện. Câu nói đó không chi nói hộ anh thanh niên mà còn là tiếng lòng của nhiều người trong hoàn cảnh, tình huống của anh thanh niên. Nếu là tiếng nói trực tiếp của anh thanh niên thì tính khái quát sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Câu 4:
Người kể chuyện ở đây dường như thấy hết và biết tất cả mọi việc, mọi người, mọi hoạt động, mọi tâm tư tình cảm của nhân vật. Ta thấy điều này vì người kể chuyện vừa kể, vừa tả, vừa nói hộ các suy nghĩ, cảm xúc của các nhân vật.
II. Luyện tập
Câu 1:
Trong đoạn trích này, người kể chuyện trực tiếp xuất hiện, xưng "tôi" đồng thời là nhân vật - cậu bé. Như vậy, câu chuyện là do nhân vật này chứng kiến, trải nghiệm và kể lại.
Cho nên, "tôi" chỉ kể những gì "tôi" chứng kiến, "tôi" biết; không giống kể theo ngôi thứ ba, người kể có mặt khắp nơi, chứng kiến mọi chuyện, biết tất cả, thâm nhập cả vào nội tâm nhân vật để kể lại.
Kể theo ngôi thứ nhất - "tôi":
- Ưu điểm: người kể có điều kiện tự giãi bày sâu sắc hơn nhưng lại hạn chế hơn kể theo ngôi thứ ba trong việc kể lại các đối tượng khác.
- Hạn chế: Giọng kể chủ yếu là của "tôi" cho nên dễ rơi vào đơn điệu, không tạo ra được sự linh hoạt, đa dạng trong giọng kể như truyện kể theo ngôi thứ ba.
Câu 2:
Có thể lựa chọn một trong ba nhân vật (người hoạ sĩ già, cô gái hoặc anh thanh niên) để làm người kể chuyện. Lưu ý: việc chọn ai là người kể chuyện có ảnh hưởng đến cách nhìn, quan sát và sự thể hiện tình cảm, thái độ trong lời kể. Chẳng hạn, nếu chọn kể theo điểm nhìn của cô gái thì những lời như: "Anh thanh niên vừa vào, kêu lên. Để người con gái khỏi trở lại bàn, anh lấy chiếc khăn tay còn vo tròn cặp giữa cuốn sách tới trả cho cô gái. Cô kĩ sư nhếch mép, mặt đỏ ửng, nhận lại chiếc khăn và quay vội đi." sẽ phải thay đổi. Có thể viết: Anh thanh niên vừa vào, kêu lên. Để tôi khỏi trở lại bàn, anh lấy chiếc khăn tay còn vo tròn cặp giữa cuốn sách tới trả cho tôi. Nhưng không thể viết: "Tôi nhếch mép, mặt đỏ ửng, nhận lại chiếc khăn và quay vội đi.", vì "tôi" chỉ có thể cảm thấy mặt mình đỏ ửng chứ không thể nhìn thấy mặt "tôi" đỏ ửng để miêu tả như nhìn từ bên ngoài vào như thế.