Phân tích nhân vật Hồng trong truyện ngắn Trong lòng mẹ
Đề bài
Đề bài: Phân tích nhân vật Hồng trong truyện ngắn Trong lòng mẹ
Hướng dẫn giải
Trong lòng mẹ được trích trong cuốn Những ngày thơ ấu là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyên Hồng. Tác phẩm không chỉ cho thấy số phận cơ cực bất hạnh của chú bé Hồng mà trên hết còn cho thấy tình thương sâu sắc cậu dành cho mẹ. Trong lòng mẹ là trích đoạn phản ánh đầy đủ những nội dung, tình cảm ấy.
Trước hết Hồng là một đứa trẻ có tuổi thơ bất hạnh. Hoàn cảnh của Hồng hết sức đáng thương: cha mất, mẹ bỏ đi tha hương cầu thực. Đến gần ngày giỗ đầu của cha vẫn chưa thấy mẹ về. Cậu phải sống cùng họ hàng trong sự kinh ghét, ghẻ lạnh của mọi người. Hồng luôn sống trong sự thiếu thốn tình yêu thương. Đáng thương hơn nữa, sống trong hoàn cảnh như vậy, Hồng còn nhiều lần bị bà cô dùng những lời lẽ độc địa để đay nghiến, hạ nhục mẹ của cậu. Quả thực, số phận của Hồng hết sức bất hạnh, thương cảm.
Nhưng cậu là người có tình yêu thương mẹ mãnh liệt. Đầu tiên được thể hiện trong cuộc đối thoại với bà cô. Cuộc đối thoại này chẳng khác gì cuộc chiến tranh không cân sức: bà cô dùng những lời lẽ, hành động (vỗ vai, kéo dài tiếng em bé, đôi mắt sắc lạnh) liên tiếp tấn công bé Hồng. Bé Hồng yếu ớt, tội nghiệp chống trả lại những lời của bà cô. Những lời đó như con dao khứa vào tầm hồn non nớt, đáng thương của bé Hồng. Tình yêu thương mãnh liệt đối với mẹ được thể hiện qua suy nghĩ, cảm xúc của Hồng khi trả lời người cô. Trước những lời nói rất “kịch” bé Hồng nhận ra ngay sự giả dối trong suy nghĩ, hành động của bà cô. Điều này được thể hiện rõ trong các chi tiết: “nhận ra những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch” của người cô, cậu bé hiểu rằng “nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi”,… Nhưng tất cả những lời mỉa mai, cay độc đó cũng không thể làm xấu đi hình ảnh người mẹ trong lòng bé Hồng. Ngược lại càng làm tình yêu đó bùng cháy, mãnh liệt hơn “đời nào tình yêu thương và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến”. Mặc dù kiên quyết bảo vệ mẹ trước những lời lẽ thâm hiểm của bà cô, nhưng cậu bé vẫn giận mẹ, bởi “căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách giấu giếm”. Và tình yêu đó được đẩy lên một mức cao hơn nữa qua hình ảnh so sánh đặc sắc: “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Chỉ với câu văn ngắn tác giả tách làm nhiều vế, sử dụng các động từ mạnh theo hình thức tăng tiến: cắn, nhai, nghiến những hủ tục phong kiến, qua đó đã cho thấy tình yêu thương mẹ mãnh liệt của bé Hồng.
Tình yêu thương đó dâng trào hơn nữa khi cậu bất ngờ gặp lại mẹ. Bóng dáng mẹ sao cậu có thể quên, vậy mà trong vô thức ám ảnh cậu vẫn nghi ngờ đó không phải là mẹ. Nhưng cậu vẫn chạy đuổi theo, và nghĩ: “Nếu người quay lại ấy là người khác thì thật là một trò đùa tức cười cho lũ bạn. Và cái lầm đó không những làm tôi thẹn mà còn tủi cực nữa, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc”. Và niềm tin, sự khao khát gặp lại mẹ của cậu đã được đền đáp, người đàn bà trên xe ấy chính là mẹ của cậu. Cậu lập cập, bối rối, vội vã thở hồng hộc, chạy theo xe mẹ, và khi mẹ kéo tay, xoa đầu hỏi thì “tôi òa lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Đây là giọt nước mắt của niềm vui, sự hạnh phúc, khi được nằm trong lòng mẹ, đùi áp vào đùi mẹ, được cảm nhận hơi thở thân thương phả ra từ khuôn miệng xinh xắn của mẹ. Những lời lẽ của bà cô về mẹ xơ xác, còm cõi cậu không thấy mà vẫn thấy mẹ như xưa, gương mặt tươi sáng, đôi mắt trong, hơi thở thơm tho lạ thường,… và từ giấy phút ấy Hồng lâng lâng trong cảm giác được gặp lại mẹ, bao lời nói, ý nghĩ cay độc bà cô cố công tiêm nhiễm vào đầu giờ đã tan biết hết cả, chỉ còn lại tình mẫu tử thiêng liêng.
Tác phẩm không chỉ xuất sắc về mặt nội dung mà có hấp dẫn ở nghệ thuật. Tác giả sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, liệt kê, tăng tiến,.. cho thấy tình yêu thương mẹ mãnh liệt, tha thiết của bé Hồng. Không chỉ vậy, nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật cũng rất đặc sắc, mỗi nhân vật thể hiện tính cách riêng qua suy nghĩ, hành động. Đây là tác phẩm thấm đẫm chất trữ tình: tình huống truyện chứa đầy cảm xúc: bé Hồng gặp lại mẹ sau bao lâu xa cách; nội dung câu chuyện cũng đậm chất trữ tình: cảnh ngộ đáng thương, éo le của mẹ và bé Hồng đã gieo vào lòng người đọc những cảm xúc mạnh mẽ; ngôn ngữ kể chuyện giàu cảm xúc kết hợp hài hòa giữa kể và bộc lộ cảm xúc.
Bằng ngôn ngữ trần thuật tha thiết, giàu tình cảm, tác phẩm đã cho thấy tình yêu thương mãnh liệt của bé Hồng dành cho mẹ trong hoàn cảnh éo le của cuộc sống. Tình mẫu tử là mạch nguồn sâu thẳm trong mỗi con người, không có yếu tố, tác nhân nào có thể giết chết tình cảm thiêng liêng ấy.