Phân tích hình tượng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ (Hồi XIV - Hoàng Lê nhất thống chí)
Phân tích hình tượng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ (Hồi XIV - Hoàng Lê nhất thống chí)
Trong cuộc đời oanh liệt của mình, Nguyễn Huệ đã ra Bắc tất cả ba lần. Nếu như ở hai lần đầu, người anh hùng ra Bắc để dẹp yên những mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp phong kiến thì với lần thứ ba này, Nguyễn Huệ phải đảm đương một nhiệm vụ lịch sử lớn lao: đánh đuổi quân xâm lược và bè lũ tay sai Lê Chiêu Thông. Hình ảnh một Nguyễn Huệ oai hùng, áo bào sạm đen khói súng đã được các tác giả Ngô Gia Văn Phái miêu tả một cách khá chân thực trong hồi thứ XIV của bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Hoàng Lê nhất thống chí.
Họa giặc Thanh bắt đầu từ hành dộng “cõng rắn cắn gà nhà” của vua tôi Lê Chiêu Thống. Mượn cớ sang giúp nhà Lê nắm giữ quyền hành, kì thực nhà Thanh rắp tâm biến nước ta thành quận huyện. Con đường đến kinh thành Thăng Long của Tôn Sĩ Nghị quả là quá dễ dàng “không mất một mũi tên, như vào chỗ không người”. Chính vì thế mà Tôn Sĩ Nghị tỏ ra hết sức kiêu căng, buông tuồng. Tướng thì ngày đêm “chơi bời tiệc tùng, không hề để ý gì đến việc quân”, lính thì “tự tiện bỏ cả đội ngũ, đi lại lang thang, không còn kỉ luật gì”, cốt để “kiếm củi đun”, “buôn bán”... thật là một đội quân ô hợp. Ấy vậy mà khi có người hỏi đến, chúng vẫn khoác lác như thường: “Chúng nó như cá chậu chim lồng, còn chút hơi thừa thoi thóp không đáng nói đến (...) Bọn giặc ấy nhất định sẽ lần lượt bị bất sống, không một tên nào lọt lưới. Người Nam Hà sẽ đến mà xem”.
Bên cạnh đội quân của “thiên triều”, hình ảnh vua quan nhà Lê thật thảm hại. Tác giả đặc biệt dành quyền “ưu tiên” cho hình ảnh bất tài vô dụng của Lê Quýnh, cận thẩn của Lê Chiêu Thống. Trong đời mình, Quýnh chỉ biết có hai việc “uống rượu” và “đánh bạc”, còn “việc chinh chiến được hay thua, nhà nước còn hay mất. Quýnh chẳng biết đến làm gì”, cầu cứu quân Thanh, Quýnh chỉ lo nói dối sao cho trót lọt. Với một kẻ hàn mạt như thế, vua Lê lại trao quyền trông coi việc “quốc gia đại sự”, đúng là một trò hề khó tin.
Trong số những kẻ bất tài này, duy nhất chỉ một người, tỉnh táo. Đó là người cung nhân cũng từ phủ Trường Yên tới. Lời nói, cách phân tích tình hình của người cung nhân cho thấy đây là bộ óc thông minh nhất trong số vua quan nhà Lê. Chính người đàn bà này đã nhận ra dã tâm của quân Thanh và đoán trước được ngày tàn của chúng. Có thể nói, trong một đoạn văn không phải là dài, bằng những chi tiết được chọn lọc kĩ càng, kết hợp với giọng điệu mỉa mai, châm biếm tác giả đã khắc họa một cách sống động, chân dung bọn cướp nước và bán nước. Hình ảnh này, một khi được đặt sóng đôi với hình ảnh dũng mãnh của quân Tây Sơn bộc lộ hết tính chất bi - hài của nó.
Trước khi miêu tả trực diện hình ảnh Nguyễn Huệ, tác giả đã gián tiếp nói về người anh hùng qua lời người cung nữ. Trong khi tướng tá nhà Thanh chủ quan, khinh địch, thì vượt lên khỏi những đầu óc tăm tối và thiển cận, người cung nhân đã đánh giá rất cao tài năng Nguyễn Huệ. Đó là một “anh hùng lão luyện dũng mãnh và có tài cầm quân”, “ẩn hiện như quỷ thần”, “bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn”, “chỉ tay đưa mắt là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sợ sấm sét”. Những nhận xét này của người cung nữ có vai trò như những lời đồn khi nói về sự tích và tài năng của người anh hùng vẫn thường có trong văn học cổ, chỉ có điều, lời đồn này hoàn toàn chính xác.
Vua Quang Trung hiện ra trong Hoàng Lê nhất thống chí như là kết tinh của chính nghĩa và là biểu tượng đẹp đẽ của truyền thống chống giặc ngoại xâm. Chính vị minh quân này, trước khi ra Bắc đại phá quân Thanh đã chỉ rõ: “Quân Thanh sang xâm lấn nước ta. Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác”. Tầm vóc của Nguyễn Huệ được thể hiện trước hết ở mưu lược tài tình. Chính Nguyễn Huệ là người không quở mắng các tướng, mà ngược lại, ông an ủi và khen họ đã biết lo xa, biết làm cho kẻ địch quen thói chủ quan kiêu ngạo. Bởi thế, chỉ trong mấy ngày, quân Tây Sơn đã đông thêm hàng vạn, tướng sĩ một lòng đoàn kết chiến đấu cho Tổ quốc. Nguyễn Huệ cũng là người trù tính kế hoạch một cách kĩ lưỡng: “Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn, chẳng qua mươi ngày, có thể đuổi được người Thanh”. Có lẽ trong lịch sử quân sự từ xưa tới nay, ít ai lại dám định trước ngày chiến thắng như Quang Trung Nguyễn Huệ. Mà lại là chiến thắng trước một đội quân đông hơn mình hàng chục lần. Phải là một người rất tự tin - tin ở chính nghĩa, tin ở tướng sĩ, tin ở chính bản thân mình thì mới dám quả quyết một cách chắc chắn như vậy. Đánh giặc và chiến thắng chúng, đó là mục đích của lần xuất quân này. Nhưng sau đó sẽ ra sao, Nguyễn Huệ đã tự thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng khi nhìn quân về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều khiến người anh hùng lo lắng nhất chính là “việc binh đao không dứt”, dân phải sống khổ cực. Cách suy nghĩ, cách tính toán cũng như cái tâm sáng, chí cao của Nguyễn Huệ cho thấy người anh hùng áo vải Tây Sơn hoàn toàn không phải là loại anh hùng thảo dã, Nguyễn Huệ thực sự là một thiên tài khổng lồ.
Tài năng quân sự Nguyễn Huệ được thể hiện qua những trang văn hào hùng, mang tính sử thi. Bí quyết trong nghệ thuật cầm quân của Nguyễn Huệ được thể hiện rõ nét nhất trên hai phương diện: thần tốc và bất ngờ.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa hết ngạc nhiên vì sao Nguyễn Huệ lại có thể vượt quãng đường từ Phú Xuân đến Thăng Long một cách chóng vánh đến vậy. Đi đến đâu là diệt gọn quân địch đến đấy, không cho tên nào trốn hết! Chính vì thần tốc, mau lẹ, táo bạo mà Quang Trung đã giữ được thế bất ngờ, chủ động. Bất ngờ đến mức khi Nguyễn Huệ kéo quân vào thành, Tôn Sĩ Nghị và vua Lê “tuyệt nhiên không nghe tin cấp báo gì cả”, “chỉ chăm chú vào việc yến tiệc vui mừng, không hề lo chi đến chuyện bất trắc” nên khi nhìn thấy quân Tây Sơn thì kinh ngạc “tướng ở trên trời xuống, quân ở dưới đất chui lên”. Trong chiến tranh, nắm được thế bất ngờ đã là cầm chắc một nửa chiến thắng. Vậy thì quan quân họ Tôn, vốn kiêu căng hợm hĩnh, không lo binh lược, làm sao có thể chọi được với đội quân tinh nhuệ Tây Sơn? Để đến nỗi, giờ đây phải chuốc lấy sự thất bại thảm hại: “Quân sĩ các doanh nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa”. Giọng văn miêu tả thật hả hê, sảng khoái: Chiến thắng của Quang Trung làm ta nhớ lại khi xưa Lê Lợi đại phá quân Minh: “Suối Lãnh Câu nước chảy trôi chày nước sông nghẹn ngào tiếng khóc - thành Đan Xá thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen”. Với Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn đã trở thành một đội quân bất khả chiến bại.
Rõ ràng, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí, trong khi xây dựng nên một tượng đài bất hủ về người anh hùng Nguyễn Huệ đã ít nhiều rời bỏ thiên kiến trước đây của họ. Song họ không còn sự lựa chọn nào khác vì Nguyễn Huệ thực sự là một anh hùng dân tộc. Ngẫm ra, lập trường dân tộc và tinh thần yêu nước trong ngòi bút tác giả đã là nguyên nhân để cho lịch sử văn học ta có được sừng sững chân dung một vị anh hùng đã từng “giúp dân xây dựng xiết bao công trình”.