Đăng ký

Phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ bếp lửa - Ngữ văn 9

4,061 từ Phân tích

Hình ảnh người bà trong bài thơ bếp lửa - Ngữ văn 9

      Bằng Việt đã khắc hoạ thành công tình cảm bà cháu sâu đậm của mình qua hình ảnh chiếc bếp lửa ngập tràn yêu thương. Qua đó, tác giả còn khéo léo lột tả chân thật hình ảnh người bà trong những năm tháng đầy gian khổ và khó nhọc. Để biết rõ hơn về nhân vật này, mời các bạn cùng đọc bài phân tích sau.

Phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ bếp lửa- CungHocVui

Hình ảnh người bà trong bài thơ bếp lửa

Mở bài phân tích hình ảnh người bà trong bếp lửa

      Bằng Việt là nhà nhà thơ tài hoa của nền văn học Việt Nam ta. Điều đó đã được thể hiện vô cùng rõ nét qua những thông điệp mà ông truyền tải trong Bếp lửa. Tác phẩm gợi lên những kỉ niệm tuổi thơ của ông và cả người bà yêu thương ông hết mực. Chỉ bằng những câu thơ ngắn ngủi, Bằng Việt đã gói trọn những nét phẩm chất cao quý của bà và miêu tả nó một cách chân thật và gần gũi, chan chứa yêu thương.

Thân bài phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ bếp lửa

      Cảm nhận hình ảnh người bà trong bài thơ bếp lửa là chuỗi ngày tuổi thơ an nhiên sống bên bà, là những kỉ niệm tươi vui hạnh phúc nhất đời của tác giả. Nó chứa đựng bao nhiêu hy sinh, bao nhiêu tình cảm thiết tha thiêng liêng của cả hai bà cháu. Hiểu được điều đó ta mới thấy được bà cao thượng đến nhường nào, đáng kính ra sao.

      Ba câu thơ đầu khơi dậy hình dáng người bà thân thuộc:

                        Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

                        Một bếp lửa ấp iu nồng đượm 

                        Cháu thương bà biết mấy nắng mưa

      Bếp lửa quen thuộc hiện lên với sự lung linh, ấm áp vào sáng sớm làm cho người ta có  cảm giác gì đó thật là thoải mái, gần gũi và dễ chịu. Bếp lửa chờn vờn sương sớm, đây là hình ảnh đậm chất tả thực. Ngọn lửa đó không tự nhiên mà cháy, nó được ấp ủ bởi tình yêu to lớn của bà, bởi đôi bàn tay tảo tần gian khó.

      Hai từ ấp iu đă phần nào nói lên sự tỉ mỉ, khéo léo của bà trong việc nhóm lửa. Đó đồng thời cũng là những tình cảm thiêng liêng, sự nhân hậu, bao dung của bà dành cho đứa cháu của mình. Chính bếp lửa “chờn vờn”, ấm cúng ấy đã gợi lên những cảm xúc thiết tha, những tình cảm chan chứa, không nguôi của tác giả về người bà yêu quý.

      Qua hình ảnh bếp lửa, tác giả không kìm nén được cảm xúc của mình mà phải thốt lên: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Câu thơ chất chứa những cảm xúc từ tận sâu trái tim của Bằng Việt. Ông thấm thía được những nỗi cực nhọc, gian khó, nhọc nhằn mà bà đã phải chịu đựng qua phép ẩn dụ “nắng mưa”. Cụm từ “biết mấy nắng mưa” đã tái hiện một vòng tuần hoàn của thời gian, đây là hình ảnh ẩn dụ ám chỉ những nhọc nhằn, gian khó, những lo toan, hy sinh mà bà đã trải qua. 

      Đây cũng là điều khiến ông trăn trở, day dứt không yên. Trải qua bao nắng mưa, cực nhọc, người phụ nữ ấy vẫn tần tảo, vẫn dốc lòng tận tâm, tận lực hi sinh cho đứa cháu yêu thương.

      Tuy các câu thơ không trực tiếp miêu tả về bà, nhưng với ngòi bút của Bằng Việt ta có thể dễ dàng cảm nhận được rõ nét hình ảnh một người bà nhân hậu, bao dung.

Phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ bếp lửa- CungHocVui

Hình ảnh người bà trong bài thơ bếp lửa 

      Tiếp nối dòng cảm xúc của tác giả ở 3 câu đầu, những câu thơ tiếp theo hình ảnh người bà hiện lên một cách chân thật và sắc sảo:

                        Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

                        Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

                        Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy

                        Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

                        Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay

      Trong những năm tháng cực khổ, đói mòn đói mỏi. Đó là những năm tháng cực nhọc, khó khăn nhất của cuộc đời. Nhưng những gì mà cháu ghi nhớ không phải là những cơn đói khủng khiếp hay những bữa cơm no mà là làn khói bếp, là hình ảnh về người bà thân thương. Thời gian đó tuy có cơ cực, không có bố mẹ bên cạnh nhưng cháu không cô đơn bởi cháu còn có bà. 

      Bà như một chỗ dựa tinh thần vững chắc, vững chãi và đáng tin cậy. Bà che chở cháu bằng tình yêu, bằng sự hy sinh của mình để cháu khôn lớn từng ngày và trưởng thành trong suốt những tháng năm ròng rã kháng chiến. Những điều đó đã trở thành một kỉ niệm mà khi nhớ lại nó khiến cho “sống mũi còn cay”.

      Bà như người cha, người mẹ bảo ban, chăm sóc và hết lòng dạy dỗ đứa cháu nhỏ bé của mình:

                        Mẹ cùng cha công tác bận không về

                        Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

                        Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học

                        Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,

                        Tu hú ơi! chẳng đến ở cùng bà…

      Những tưởng năm tháng tuổi thơ cực đói khổ của chiến tranh cháu phải sống trong sự lạc lõng khi không có bố mẹ bên cạnh. Nhưng không cháu thật may mắn khi vẫn luôn có bà bên cạnh. Bà yêu thương cháu hết mực, bù đắp tình cảm mà cháu thiếu hụt. Bà chăm lo cho cháu từng li, từng tí từ miếng ăn, giấc ngủ và còn dạy dỗ cháu nên người. 

      Bà không chỉ là người cha, người mẹ mà còn là người thầy đầy mẫu mực và đáng kính. Vì thế tình bà cháu càng thiêng liêng, đáng quý và khắc sâu trong tim của tác giả. Ôi hình ảnh người bà thật giản dị mà chân chất làm sao!

      Bà là một chỗ dựa, là niềm tin vững chắc cho đứa cháu thơ ngây. Để đến giờ khi nghĩ về bà, nhà thơ lại chua xót. Ông cảm thấy thương bà hơn rồi bà sẽ ở với ai, ai sẽ chăm sóc cho bà, bà sẽ cùng ai nhóm ngọn lửa quen thuộc hay ai sẽ là người cùng bà chia sẻ những câu chuyện ở Huế?

                        Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

                        Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

                        Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

                        Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh

                        Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,

                        Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,

                        Cứ bảo nhà vẫn được bình yên

      Bà quả thật vô cùng kiên cường và cứng rắn. Năm tháng chiến tranh đã đè nặng lên đôi vai của bà bao nhiêu gánh nặng, bao nhiêu nỗi lo âu. Dù cho ngôi nhà, chốn ở của mình có bị giặc phá hoại bà vẫn không hề khuất phục, bà vẫn kiên quyết chống đỡ cho con cháu.

      Hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa thật vĩ đại. Cả đời bà chỉ để chăm lo cho con, cho cháu. Dẫu cho có khó khăn, vất vả bà vẫn không hề than thở. Bà nghĩ cho con mình, sợ sẽ làm con trai lo nên bà mới dặn cháu đừng kể cho bố nghe. Đó là những lời dặn dò chất chứa bộn bề yêu thương, quan tâm. Bà dằn lại nỗi nhớ con sâu sắc của mình, cố gắng bươn chải làm trụ cột cho gia đình để con trai có thể an tâm công tác. Bà quả thật là người bà, người mẹ đáng kính trọng.

                        Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

                        Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

                        Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

      Từ một bếp lửa yêu thương, tình thương của bà dành cho cháu bây giờ hiện lên, lan tỏa và tràn ngập khắp tâm trí của Bằng Việt như 1 ngọn lửa lớn, ngọn lửa của tình yêu, của niềm tin, của ước mơ, của những khát vọng cháy bỏng trong tương lai.

                        Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

                        Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

                        Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

                        Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

                        Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

                        Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

                        Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

                        Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

      Những câu thơ trên càng tô đậm lên nét đẹp và tấm lòng của bà. Bà nhóm những gì thiêng liêng và cao quý nhất. Bà không chỉ đơn thuần là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn truyền ngọn lửa cháy bỏng cho đứa cháu của mình, thắp sáng những ước mơ hoài bão trong nó. Bếp lửa và bà như hóa thân vào làm một, luôn rực cháy, bất tử thiêng liêng.

                        Giờ cháu đã đi xa

                        Có ngọn khói trăm tàu

                        Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

                        Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

                        Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

      Giờ đây, khi đã rời xa sự ấp ủ, chở che của người bà thân thương để đến với thế giới rộng lớn ngoài kia, nơi tràn ngập những niềm vui và tiếng cười nhưng tác giả vẫn không thể nào quên được hình ảnh bếp lửa, hình ảnh người bà của mình cùng những kí ức sống mãi ăn sâu trong lòng Bằng Việt. Chính những tình cảm của bà đã trở thành ngọn lửa soi đường dẫn lối cho cháu. Ôi hình ảnh người bà trong bài Bếp lửa của Bằng Việt thật thiêng liêng và xúc động!

      Bằng Việt đã vô cùng tinh tế và khéo léo khi khắc hoạ vô cùng chân thật và rõ nét hình ảnh cũng như đức hi sinh của người bà. Bằng việc sử dụng biện pháp ẩn dụ hình ảnh bếp lửa, tác giả đã đem đến cho người đọc trọn vẹn những cảm xúc, tình cảm mà ông dành cho bà của mình.

Kết bài cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ bếp lửa

      Hình ảnh người bà trong bài thơ quả thật vô cùng vĩ đại. Bà hiện lên là một người phụ nữ vô cùng nhân hậu, kiên cường và giàu tình yêu thương. Hình tượng bếp lửa đã trở thành kỉ niệm và niềm tin thiêng liêng trong lòng tác giả. Từ tình cảm bà cháu, tác giả nâng lên thành tình yêu đất nước, dân tộc. 

shoppe