Đăng ký

Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

3,852 từ Phân tích

Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

      Bếp lửa là hình tượng nghệ thuật được nhiều nhà thơ, nhà văn xây dựng để gửi gắm những suy tư, nỗi niềm. Đặc biệt nhất là niềm nhớ thương về miền ký ức một thời hay đại diện cho tình cảm gia đình ấm cúng, sum họp. Nhà thơ Bằng Việt cũng giữ gìn trong ký ức một bếp lửa “ấp ôm”, “nồng đượm”. Bài viết hôm nay sẽ phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt để hiểu hơn về dòng suy tư và những cảm thức của nhà thơ về tuổi thơ được sống bên người bà kính yêu của mình.

Mở bài mẫu phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ bếp lửa

      Khi ta lớn lên, từng bước trưởng thành, từng bước tự đối diện với cuộc đời nhiều khắc nghiệt, con người ta thường tìm về quá khứ, nương tựa vào ký ức tuổi thơ. Ở đó có mẹ cha, có mái nhà êm ấm, cũng là nơi để mỗi người con xa xứ nhớ thương và làm điểm tựa tinh thần. Với Bằng Việt, tuổi thơ gắn bó với người bà và bếp lửa luôn là nguồn động lực cho nhà thơ trên chặng đường phát triển sự nghiệp, tìm đến tương lai. Đặc biệt, hình tượng “Bếp lửa” đã tạo nên mạch cảm xúc bất tận và nhiều suy tư trong bài thơ cùng tên của ông.

Thân bài phân tích về hình ảnh bếp lửa trong bếp lửa

      Bằng Việt là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ “Bếp lửa” ra đời năm 1963, khi nhà thơ đang du học tại Liên Xô. Bài thơ là nơi Bằng Việt gửi gắm nỗi nhớ thương về người bà của mình, gợi lên những kỷ niệm đầy xúc động bên bà và tình bà cháu nồng ấm. Bài thơ còn là lòng yêu quê hương, đất nước sâu sắc cùng lòng kính yêu, trân trọng và sự biết ơn vô hạn của người cháu với quê hương, gia đình, đất nước. 

      Hình tượng nghệ thuật “bếp lửa” xuất hiện qua dòng chảy ký ức của người cháu, gợi nên nhiều cảm xúc:

                                      Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

                                      Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

                                      Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

      Bếp lửa được miêu tả vừa chân thực vừa mờ ảo: “chờn vờn sương sớm”, “ấp iu” được nhen lên bởi sự cần mẫn, chắt chiu và khéo léo của bà. Chỉ cần nhớ đến bếp lửa là liền nhớ đến bà, nhớ đến mỗi sáng sớm tinh sương bà đã ngồi bên bếp lửa, bắt đầu cho một ngày mới. Trải qua bao nhiêu năm sống trên đời, gắn bó cuộc đời với bếp lửa, đôi bàn tay gầy guộc của bà đã thuần thục với việc nhóm bếp trong sớm hôm.

Xem thêm:

Dàn ý phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ bếp lửa

Nghị luận văn học: bếp lửa sưởi ấm một đời bàn luận bài thơ bếp lửa

      Bởi vậy mà cháu thương bà tha thiết, bây giờ nghĩ lại thôi cũng đã thấy thương rồi. Cụm từ “biết mấy nắng mưa” vừa miêu tả sự tảo tần, hi sinh của người bà cho sự đủ đầy cho người cháu. Bà không quản ngại mọi gian khó để lo cho cháu được sống sung túc như bao người khác.

      Không chỉ gợi nhớ về hình ảnh người bà và tình cảm mà cháu dành cho bà, mà còn dẫn nhà thơ về những kỷ niệm của hai bà cháu thời thơ ấu:

                                      Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

                                      Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy

      Đó là những tháng ngày cực khổ, nạn đói năm 1945 hằn sâu trong ký ức non nớt của cháu: “đói mòn, đói mỏi”, “khô rạc ngựa gầy”. Mới lên bốn tuổi thôi, cháu đã phải sống xa bố mẹ, thiếu thốn tình cảm gia đình. Và kỷ niệm cháu nhớ nhất là căn bếp quen thuộc với những luồng khói cay xè đôi mắt:

                                      Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

                                      Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

                                      Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay

      Cháu nhớ về mỗi sáng được cùng bà nhóm bếp lửa bập bùng, khói bếp làm cháu cay xè đôi mắt. Nhưng rồi cháu cũng “quen mùi khói”, quen với khó khăn, quen với sự thiếu thốn và quen cả với tình cảm ân cần, chăm sóc mà bà dành cho mình. Bà kể cháu nghe về chuyện ở Huế, bà dạy cháu học, chỉ cháu làm. Bà còn là chỗ dựa vững chắc cho cháu, còn cháy là nguồn sống vui cho bà. Suốt tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm bếp, cùng bà lủi thủi, côi cút nương tựa vào nhau.

      Giờ đây, khi đang ở trời Tây, cháu nhớ về bà, nhớ về bếp lửa tha thiết, nhớ cảm giác khói hun nhèm đôi mắt. Phải chăng vì thế mà ngay lúc cháu nhớ về “sống mũi còn cay”? Cháu cay xè đôi mắt trong niềm nhớ thương về bà, về ký ức tuổi thơ lắm cơ cực nhưng vui vẻ, cháu thương bà nên sống mũi cũng cay cay.

      Bởi lẽ, bếp lửa ấy còn gắn liền với cuộc đời khốn khó, vất vả, cực nhọc của bà:

                                      Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

                                      Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ

                                      Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

                                      Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

      Bà phải thay bố mẹ nuôi nấng, dạy bảo cháu. Người bà ấy tuy thầm lặng nhưng vô cùng kiên cường và giàu đức hy sinh. Đã mấy chục năm rồi, bà đã quen với mùi khói bếp nhoèn mi, bà đã quen với dậy sớm, để lo cho cháu cuộc sống đủ đầy, không thua thiệt ai. Đời bà khó nhọc “lận đận”, “biết mấy nắng mưa” nên càng thương yêu và hy sinh cho cháu nhiều hơn. Ngày cháu lớn lên, bà sẵn sàng sớm tối một mình lủi thủi để cháu được đến một nơi xa ăn học, để có cơ hội bứt ra khỏi cuộc đời nhiều vất vả, tối tăm. 

      Mỗi ngày bà đều nhóm lửa, nhóm ngọn lửa của yêu thương mà lòng bà luôn ủ sẵn để mong sưởi ấm cho cháu trong mọi hoàn cảnh. Ngọn lửa ấy chứa niềm tin giai dẳng về một cuộc đời tươi sáng hơn, sung túc hơn. Bà nhóm ngọn lửa sưởi ấm cháu trong những lúc đói lòng, nhóm yêu thương ngọt bùi với xóm giềng, bà cũng là người nhóm dậy và thức dậy những gì tươi đẹp, hồn nhiên và trong sáng nhất của tuổi thơ.

      Đó là thứ tình cảm thiêng liêng, bất diệt nhất, soi sáng cho cháu trên mỗi bước đường tương lai. Bất kể lúc này, cháu đã đi xa, sống trong cuộc sống đủ đầy có lửa trăm nhà, có khói trăm tàu thì cũng không bằng ngọn lửa lòng bà, không ấm áp và ngọt bùi đắng cay như mùi khói hun nhèm mắt cháu. 

                                      Rồi sớm chiều lại bếp lửa bà nhen

                                      Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

                                      Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng

      Với cháu, bếp lửa của bà không chỉ còn có hơi ấm, mà nó còn cả một trời sức mạnh, cả một biển yêu thương, một điểm tựa vững chắc và thiêng liêng của tuổi thơ. Để rồi cứ thổn thức, âm vang và ám ảnh mãi hình ảnh bếp lửa và đôi bàn tay chi chút, cẩn trọng của bà. Trong mảnh ký ức thiêng liêng của cháu, bà và bếp lửa là hình ảnh không bao giờ phai mờ; bếp lửa chính là sự hiện hữu thiêng liêng và cao cả của người bà, của sức mạnh và niềm tin bất diệt mà người cháu luôn khắc cốt ghi tâm.

      Hình ảnh “bếp lửa” là hình tượng nghệ thuật đặc sắc, ẩn chứa nhiều tầng cảm xúc. Bằng Việt đã mượn hình ảnh gần gũi, bình dị quen thuộc nhưng vô cùng giàu tính thẩm mỹ, góp phần khắc họa chân dung người bà, chân dung của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, tảo tần, giàu đức hi sinh. Bếp lửa hiện lên đầy tính thẩm mĩ và giá trị hiện thực đã làm sâu sắc thêm tình cảm bà cháu thiêng liêng. Qua đó, nhà thơ gửi gắm tình yêu thương đến với quê hương, đất nước và suy tư sâu sắc về đạo lý dẫu đi muôn phương trời nhưng quê hương, đất nước, gia đình vẫn là điều thiêng liêng, cao quý nhất.

Kết bài phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ bếp lửa

      Không phải bếp lửa đượm “khói lam chiều” mờ ảo và đượm chất trữ tình, hình tượng bếp lửa trong thơ của Bằng Việt vô cùng gần gũi, quen thuộc, vừa chân thực vừa sinh động. Ở đó, trong mỗi vần thơ, người đọc như cũng cảm nhận được nỗi nhọc nhằn, vất vả của bà, gia đình dẫu thiếu thốn tình mẹ cha nhưng vẫn luôn nồng đượm, ấm áp dưới bàn tay chăm nom của bà. “Bếp lửa” còn là lời nhắc nhở cho thanh thiếu niên, đặc biệt là giới trẻ hiện nay: Khi chúng ta đang mải miết theo đuổi những giấc mơ của công danh, sự nghiệp thì ở nhà, vẫn có bếp lửa bập bùng cháy, có mẹ cha đợi ta quay về sum họp. 

      Trên đây là mẫu bài phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt. Các em tham khảo và hãy cảm nhận hình ảnh bếp lửa bằng những cảm xúc chân thành nhất. Chúc các em luôn học tập tốt và đạt điểm cao!

shoppe