Phân tích “Bài ca chúc Tết thanh niên” của Phan Bội Châu
Phân tích “Bài ca chúc Tết thanh niên” của Phan Bội Châu
Bấy giờ Phan Bội Châu về ở Huế mới hơn được một năm. Thực dân Pháp chưa siết chặt ngay việc giám sát ông. Ông hãy còn có những hoạt động gắn với quần chúng cách mạng, nhất là thanh niên học sinh, ông viết Văn tế Phan Chu Trinh, ông nói chuyện với học sinh nữ học Đồng Khánh... Trước Tết năm ấy, ngày 29 tháng 1 năm 1927, học sinh ở các trường trung học Huế nhờ ông Võ Liêm Sơn, một thân sĩ yêu nước, giáo viên trường Quốc Học, làm một bài ca trù đến mừng thọ ông. Nhân đó, ông đáp lại bằng bài này.
Vậy, nếu trong đời sáng tác của Phan Bội Châu có hai giai đoạn, giai đoạn ở nước ngoài, từ 1905 đến 1925, trong đó có những năm ông tự cho là đắc ý nhất là những năm 1905 - 1908 và giai đoạn bị giam lỏng ở Huế từ 1926 cho đến chết, thì bài này làm vào đầu giai đoạn sau, lúc ông đánh giá đời mình là:
Trời đất may còn thân sống sót
Tháng ngày khuây khỏa, lũ đầu xanh.
Nghĩa là còn sống đó, nhưng chẳng làm được gì to lớn cho đất nước như ý ông mong muốn.
Bấy giờ, thực dân đang đẩy mạnh việc khai thác nước ta, cơ nghiệp của chúng ngày càng mở rộng, đô thị phát triển, quá trình tư sản hóa trong xã hội được khuyến khích, những hình thức sinh hoạt phương Tây dần dần xâm nhập, làn sóng ăn chơi đua đòi lan tràn, lôi cuốn không ít thanh niên, kể cả một số thanh niên học sinh. Trên văn đàn công khai lại đang có những điệu buồn rũ rượi của thứ thơ văn kiểu Giọt lệ thu, Một tấm lòng, Tuyết Hồng lệ sử. Tất cả đang làm cho thanh niên quên đứt thân phận nô lệ và chẳng còn nghĩ gì đến nhiệm vụ đối với nước nhà.
Được viết ra trong hoàn cảnh đó cho học sinh là thành phần tri thức của thanh niên, bài ca còn nhằm mục đích nào khác là nhân năm mới đánh thức họ dậy khỏi cơn mê của thường tình xã hội, mê ăn mê chơi, và thúc giục họ hãy lập chí, hãy rèn luyện để bước lên con đường mới mẻ là con đường lí tưởng hy sinh phấn đấu cứu nước cứu nòi.
Bài học lí tưởng đó là bài học lớn nhất của bài ca. Đi liền với mục đích giáo dục ấy, đồng thời là hi vọng lớn lao đối với thanh niên, người viết, nhân xuân đến, lấy xuân mở đầu câu tâm sự: 3 câu đầu: là cảnh xuân của đất trời rộn rã; tiếp theo 5 câu: là tóm tắt một đời chiến đấu, nhiệm vụ không thành, nhìn lại chỉ buồn cùng tủi với non sông; sau đó mười mấy câu: là sự kì vọng ở thanh niên với lí tưởng cứu nước cao đẹp bỏ xa mọi thứ tầm thường thấp thỏi. Đó mới thật sự là cái mới xứng đáng với năm mới.
Nội dung như vậy khá phong phú. Cảnh và tình, câu tâm sự là lời khuyên răn, có nhận định tình hình trước mắt, có mong ước biến chuyển ở tương lai. Lại là lời xuân, lời chúc. Phải tươi vui, hào hứng, hòa được máu nóng với nhựa xuân, xuân tuổi trẻ. Cho nên lời thơ mượn cái rộng rãi, tự do, không hạn định chữ, hạn định câu, không đòi hỏi đối ngẫu, không gắt gao niêm luật, mà lại dồi dào êm điệu tự tình của thể ca trù, để được bộc lộ tương đối thoải mái. Nói tương đối vì, dù sao, đây cũng là lời nói trong hoàn cảnh có thực dân theo dõi, không phải hoàn toàn tự do như thời ở nước ngoài, “bút mặc” đang còn “tung hoành”.
Ba câu mở đầu:
Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy,
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng.
Cảnh bình minh một ngày: Gà gáy đánh thức, chim chóc họa theo, ca mừng ngày mới. Nhưng cũng là cảnh Tết, cảnh xuân, bắt đầu một năm mới. Trong thiên nhiên, mọi vật hòa nhau trong một nỗi mừng mới, vui tươi rộn rã: tiếng gà vừa gáy, ngỏ ý chào mừng. Con người trước cảnh xuân mới cũng vậy: bỏ cái gì cũ, đón cái gì mới, tống cựu nghênh tân, hi vọng tốt lành ở năm mới.
Nhưng tại sao lại bắt đầu bằng một lời đánh thức, mà lại gấp gáp, hối hả? Dậy! Dậy! Dậy! Như có ai đang ngủ quá say, và người đánh thức đang nóng ruột? Té ra ở đây không phải chỉ có tiếng gà, tiếng chim đánh thức tạo vật và con người, mà còn có cả tấm lòng đang cháy bỏng vì việc nước việc non, đang trông mong ở đám thanh niên, mà họ thì đang còn trong giấc ngủ li bì. Cho nên bài thơ chúc Tết lại bắt đầu bằng một tiếng gọi tỉnh giấc.
Như trang nhạc khởi đầu bằng một nốt chủ đạo, đây cũng là một âm thanh định chiều chung cho cả bài: âm hưởng chung của bài thơ sẽ là âm hưởng thức tỉnh.
Năm câu tiếp theo:
Xuân ơi xuân, xuân có biết chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng.
Hai mươi năm lẻ đã từng bao chua với xót.
Trời đất may còn thân sống sót,
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh.
Thức tỉnh cái gì? Lấy gì mà thức tỉnh? Chim chóc thì reo vui mừng năm mới, mừng xuân. Còn con người Việt Nam đầu năm 1927 này chẳng lẽ chỉ biết làm như loài chim chóc sao?
Những năm 1925 - 1926 là những năm sôi nổi phong trào yêu nước, nhân dịp đấu tranh đòi không được xử tội Phan Bội Châu và trả lại tự do cho ông, nhân dịp để tang Phan Chu Trinh. Cũng những năm ấy, trên báo Hữu Thanh ở Hà Nội, Ngô Đức Kế vạch mặt yêu nước giả hiệu của Phạm Quỳnh; Huỳnh Thúc Kháng mở đầu khoá học của Viện dân biểu Trung kì đã đọc một bài diễn văn làm phấn chấn lòng người. Và xa xa, các phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền, và trong bí mật, phong trào ra nước ngoài theo học lớp thanh niên do cách mạng vô sản lỗi lạc Lí Thụy chủ trì ở bên kia biên giới. Riêng ở Huế, việc học sinh đánh điện can thiệp cho Phan Bội Châu, câu trả lời đanh thép của cô giáo trường Đồng Khánh trước tên thanh tra mật thám về việc đánh điện ấv, phong trào truy điệu Phan Chu Trinh, các buổi diễn thuyết của Phan Bội Châu trước học sinh, phong trào bãi khóa ở các trường, việc một số thầy giáo bị đổi đi, hoặc bị huyền chức, hoạt động của “Học Xá Quảng Nam” vừa có tính chất khuyến học, vừa có tính chất yêu nước... tất cả như chưa phai mờ trong kí ức.
Vậy nên phải mượn dịp xuân này, đáp lại lời chúc chân thành bằng một tấm lòng càng chân thật hơn, và nhân đó nhắc đến trách nhiệm đối non sông đất nước.
Ba lần gọi xuân: Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng? rất thân mật, như gọi một lòng bạn để cho mình gửi câu tâm sự. Xuân là ai? Xuân của đất trời thì không đáng trách. Còn xuân của dân tộc, xuân của tuổi trẻ, tức các bạn thanh niên, các bạn có biết cho chăng? Đâu phải là một lời than cho lợi ích cá nhân mình. Đây là tâm sự một đời lo toan cho nước. Lo toan, bôn tẩu một đời mà nay rút lại chỉ: một thẹn, hai buồn, ba tủi. Và cùng sông, cùng núi, cùng trăng. Sông núi còn đây, trăng sao còn đây; lời thề một đời còn đó, đinh ninh như trăng sao, sông núi, mà trách nhiệm nào có hoàn thành được mảy may! Tính lại hai mươi năm lẻ, từ 1905 ra đi đến 1927, đã từng bao chua với xót. 1905 - 1908 được mấy năm đắc ý; nhưng rồi 1908 Nhật giải tán học sinh Việt Nam, trục xuất ông, ông phải sang Thái Lan, Trung Quốc, có thời gian phải đi bán sách rong ở bến xe bến tàu đế kiếm ăn cho mình và cho đồng chí, rồi bị quân phiệt Quảng Đông bắt giam suýt chết... cho đến 1925 thì bị thực dân Pháp bắt cóc đưa về định xử tử...
Ba câu thơ tóm cả một cuộc đời, như một lời nhận tội với non sông, tội quá lớn, nhấn ba lần mà thấy chưa đủ, như một nỗi đau, đứt làm ba đoạn nên lại càng đau: Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng. Cho nên còn dằn vặt, trăn trở, giày vò thêm, thấm tận tim gan, đắng cay tận đầu lưỡi: Hai mươi năm lẻ đã từng bao chua với xót. Thất bại, đắng cay như thế nên sống đây chẳng qua là sống sót, sống sót cái tấm thân, chứ còn trí tuệ, tài năng, hoạt động có còn gì! Và ngày qua tháng lại chỉ còn khuây khỏa với mấy đứa trẻ cháu đầu xanh trong nhà. Sau này, Trong lời cảm tạ cuối cùng, ông sẽ đọc: Những ước anh em đầy bốn biển, Ai ngờ trăng gió nhốt ba gian. Cái trống rỗng của cuộc đời đáng lẽ phải rộn ràng, sôi nổi, té ra từ đây ông đã thấm thía.
Phải chăng đó là sự thất bại, đắng cay của một con người? Vâng, là một con người, nhưng đúng hơn, là một thế hệ, một giai đoạn cách mạng. Anh hùng nhưng không tránh được đau thương.
Gần mười năm sau Thế Lữ mới viết Nhớ rừng để nhớ một thời oanh liệt, và Huy Thông mới viết Con voi già để gợi lại một thời hào hùng đã qua. Lời thơ to tát nhưng yếu đuối. Còn đây là một sự đau thương từ gốc của nó mà ra.
Mượn vai xuân mà nói câu tâm sự của mình, nhưng từ câu tâm sự ấy mà xót đau cho một nhiệm vụ không thành, để thức tỉnh cho xuân. Nói mình nhưng để thia lia bắn đến bạn là như vậy.
Mười ba câu còn lại:
Thưa các cô, các cậu, lại các anh,
Đời đã mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội,
Xúm vai vào xốc vác cựu giang san.
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan,
Đây đoàn thể quyết ghe phen liên hiệp lại.
Bỏ đối tượng giả thiết là xuân, đây nói với đối tượng trực tiếp đến chúc mình đang ở trước mặt. Ông già 60 (ông sinh năm 1867) nói chuyện với bọn trẻ mười tám, đôi mươi. Tại sao lại có cách xưng hô lắp đi nhấn lại có vẻ trịnh trọng như thế này?
Nhất định không phải là lời khách sáo.
Trong văn học không thiếu những cử chỉ lễ phép bất thường, đột ngột, vừa có ý nghĩa sân khấu vừa có ý nghĩa nhân sinh: cái lạy của Thúy Kiều đối với Thúy Vân, của Vân Tiên đối với Nguyệt Nga, của Vương Tư Đồ đối với Điêu Thuyền. Ấy không phải là lạy đích thân con người ở vai dưới trước mặt, mà lạy cái hi sinh cao cả ở con người họ, hi sinh cho một cái gì quý hơn mình, cao hơn mình, mà mình phải chịu ơn.
Ơ đây có lẽ không đến như vậy. Nhưng cái trịnh trọng trong xưng hô là cân ngang với cái trân trọng của mong ước, của kì vọng cao cả ở con người họ. Trách nhiệm lớn lao trước non sông đất nước mình không làm được, nay mình đem đặt vào vai những kẻ này. Việc ấy không lớn sao? Họ nhận lấy là họ thay mình, làm tốt cho mình. Họ không trở thành một đối tượng cao quý cho mình kính trọng, khâm phục, biết ơn hay sao?
Nhân năm mới sẽ nói đến cái mới. Cái mới bắt đầu từ bản thân con người. Trời đất, cuộc đời đổi mới mà con người vẫn cứ li bì trong cái cũ thì ích gì? Cho nên phải tỉnh dậy mà đổi mới.
Đi học mà nói đổi mới là nói cái gì? Cũng vẫn tiếp tục đi học, nhưng chắc là phải từ bỏ cái học với mục đích tầm thường “tối rượu sâm banh, sáng sữa bò”, và thỏa mãn với tương lai tôi đòi cho thực dân, để cho cái học của mình có ý nghĩa. Tức là nhìn thấy vận hội đất nước đang mở ra một thời kì mới trước mắt, và mỗi một thanh niên nên xúm vào một vai để xốc vác cho cái cựu giang san đang còn nóng lòng chờ đợi ở con cháu của mình. Mà không phải thô thiển, vụng về như thế hệ trước; phải đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan, nghĩa là hành động cho khéo léo, kẻ địch không hề biết, và khi đã tìm được chỗ đứng thì phải bám cho chắc, cho vững, dù có phong ba bão táp cũng xuống tấn, mà trụ lại, gan góc, dạn dày, bất chấp mọi nguy hiểm, gian lao. Muốn được vậy, không thể nào không cùng nhau xây dựng thành đoàn thể để có đủ sức mạnh cho công cuộc đấu tranh vĩ đại vì Tổ Quốc, giống nòi.
Tân vận hội là thế nào? Trong bài thơ chưa thật rõ, nhưng trong tình hình bấy giờ chắc ai cũng hiểu. Cho nên cái gánh giang san, mỗi người phải một vai. Nặng lắm, lớn lắm, khó khăn lắm. Như người vác nặng trên vai mà leo đèo, chung quanh là vực là hố, phải hết sức thận trọng, hết sức quan tâm, hết sức kiên cường: đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan. Tưởng chừng như trong từng bước, con người lấy nỗ lực chủ quan của mình làm quyết định, cứng rắn, vững bền cho từng bước tiến lên: đi đã hay đứng càng thêm tốt, và trụ lại càng quan trọng hơn.
Trở lên là phong trào, là mọi người, mọi thanh niên, đây là đi sâu vào tâm tư, ý chí từng người:
Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi,
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần.
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn!
Đúc gan sắt để dời non lấp bể!
Xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ!
Chí ngày xưa vừa có nghĩa là lí tưởng vừa có nghĩa là một yếu tố tâm lí bảo đảm thực hiện được lí tưởng là ý chí, nghị lực, sức mạnh tinh thần. Vậy, ai có chí gánh vác giang san, kẻ ấy phải cởi lốt xưa - lốt xưa là cuộc sống an phận, tầm thường, thấp thỏi, sống như cây, quấn mình vào trong cái ăn mặc, cái vợ con, tiền tài, danh vọng, cởi lốt xưa ấy để nâng mình lên cao, tu dưỡng lấy tinh thần để thanh cao, cho hơn người, xứng đáng làm chiến sĩ cho quốc gia dân tộc. Tu dưỡng ấy sẽ là: Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn. Đừng hiểu lầm cái ý thậm xưng trong cách diễn đạt. Đây muốn nói: chẳng thèm chơi bời trác táng, chẳng thèm đua đòi mặc theo thời thượng, mà chỉ nên để sức lo cho nước nhà, chỉ nên thèm những cái khác, thèm đúc cho gan vàng dạ sắt, thèm cho việc được việc dời non lấp bể, thèm cho được việc xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ. Ngày xưa có người say rượu mà nói: “Chí của ông say đâu phải ở rượu mà ở chốn nước non”. Phan Bội Châu nói về thơ tù cũng có câu: “Chí ông từ đâu phải ở chỗ làm thơ”. Ấy, đối với thanh niên, hữu chí là như vậy. Chí lớn, chí cứu nước. Đó là lí tưởng thanh niên, cao cả, hào hùng. Bởi vì đó là chuyện dời non lấp bể, rửa vết dơ nô lệ, nghĩa là thay chuyển tình thế, cởi ách nô lệ, nói trắng ra là giành độc lập cho dân tộc, đánh đuổi bọn thống trị ngoại bang, nhưng ở đây không tiện nói ra nhưng ai cũng hiểu.
Cũng bởi đó là chuyện lớn lao nên lời thơ đi suốt một hơi, toàn là thể cầu khiển, động viên: Cởi lốt xưa! Chẳng thèm chơi! Đúc gan sắt! Xối máu nóng. Và trong lời cầu khiển nó, một lần thứ ba, bài thơ lại nhấn lại điệp khúc đã hai lần hiện ra ở trên. Câu thơ đứt làm ba trong nhịp điệu:
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng.
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan.
và đây:
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
Nhưng mỗi lần mỗi khác. Lần đầu là một sự xót đau ba lần thấm thía. Lần thứ hai là một thái độ trách nhiệm ba lần thận trọng, ba lần nín thở lấy hết sức bình sinh. Câu thứ ba này lại là một sự từ chối ba lần lập lại nhưng lòng dặn với lòng, như thề độc sẽ rứt bỏ một cái gì cứ bám lấy mình mà mình nhất định phải trừ khử.
Đâu phải chuyện vu vơ, trừu tượng. Gởi một tờ báo hằng ngày như tờ Lục tỉnh tân văn vào những ngày trước và sau Tết Đinh Mão (1927) thì cũng thấy: Tiếng vang của các phong trào yêu nước và cách mạng trên báo chí công khai chỉ còn là một thứ hơi hướng leo pheo ở các kiểu Bàn về hiệp quần. Bàn về Tết tiết kiệm. Muốn cho một nước văn minh, người trong nước phải như thế nào? Người đàn bà và xã hội. Nhưng bên cạnh lại lòe loẹt hình ảnh thô bạo của một cuộc sống ăn chơi mà hiện thân là các thứ quảng cáo quyến rũ: bốn thứ rượu, ba loại thuốc, tiệm ăn, đồ trang sức... và tất yếu còn có thuốc chữa bệnh hoa liễu. Đặc biệt, số ngày 7 tháng 2 năm 1927 tức ngày mồng năm sau Tết, lại có bài Tin kinh đô tường thuật cái Tết ở Huế. “Ngoài dân đã phố phường thì năm nay rõ lắm thứ... Ở làng Gia Lạc, cách Huế 3km có họp chợ phiên, mỗi năm một lần, buổi mai hồi 9 giờ ngày mồng một tết cho đến 4 giờ chiều mới bãi. Chợ ấy tuy hàng hóa buôn bán không bao nhiêu, song người đi chợ thì đông, vì có ý đến chợ đó để xem nhau cách ăn mặc, kiểu trang sức, cho nên người ta đã đành mà người ngoại quốc ở nước này cũng đến xem đông lắm... Còn như ở kinh thành ngày mồng một Tết có hát tuồng ở các rạp, có bày những sòng bài bạc ở các tiệm khách trú và ở hai bên đường...”.
Cho nên, đứng về phía người khuyên, người chúc, thì đó là một lời chúc cao cả, sát thực tế trước mắt, đó là một kì vọng cao xa xuất phát từ một lòng tin mãnh liệt: Tin vào tương lai đất nước, tin vào thanh niên. (Ai nói thanh niên hay lay trời, trời phải rung, lay đất, đất phải chuyển, tôi không ngạc nhiên), đó là lời ông nói. Phía người nghe, người được chúc, thì đó là lời ông nói. Đứng về phía người nghe, người được chúc, thì đó là một niềm tin tự hào không gì lớn bằng, một món quà đẹp hơn muôn ngàn gấm hoa, đưa con người lên ngang tầm với lịch sử, xứng đáng là những “chàng trai trẻ, những gái yêu” của giống nòi (chữ của Tố Hữu), nhân ngày dầu xuân này. Chất lí tưởng tràn trề ở người chúc, ở người được chúc, ở lời thơ. Có lẽ trong phút giây đó, mọi người trong buổi gặp mặt này đã sống một phút hoa đăng của lòng yêu nước thắm tươi, hào hùng nhất.
Đến đây, niềm say sưa lí tưởng đã lên đến tột đỉnh. Vì vậy mới có hai câu cuối cùng, như giải tỏa cho không khí căng thẳng ở trên, trở lại với sự tỉnh táo bình thường trước niềm xuân mới:
Mới thế này là mới hỡi chư quân.
Chữ rằng: Nhật nhật tân, hựu nhật tân
Duy cái mới đối với mọi người, đối với các bạn thanh niên, phải là cái mới như vậy. Và cứ như vậy, mỗi ngày lại càng phải mới hơn nữa. Thế là gạt phắt đi mọi cái mới thường tình người đời đem ra chúc nhau: Mới chức, mới tiền, mới tuổi thọ, mới nhiều con như Tú Xương đã có lúc bực mình văng lời mai mỉa. Cũng gạt qua một bên cái say sưa, mê nhiều hơn tỉnh, của một kẻ tài thơ nhưng ít tài đời như Tản Đà mà bấy giờ cũng đang là một sức hút đối với thanh niên, nhất là thanh niên học sinh:
Gặp xuân ta giữ xuân chơi
Câu thơ chén rượu là nơi đi về.
Với lời đánh thức như vậy là một lời đánh thức không phải cho một lúc mà lâu dài, đích đáng. Đánh thức một thế hệ cần thiết, vì một trách nhiệm còn cấp thiết hơn.
Tiếc rằng điều kiện lịch sử bấy giờ không cho phép nói cụ thể hơn, mà chỉ nói được khái quát và trừu tượng. Cũng tiếc rằng Phan Bội Châu cũng chưa có cách nói giản dị hơn, mà phải dùng phương pháp cách nói của phương pháp cổ điển truyền thống, khiến cho lời thơ không tránh được chúc ồn ào. Mặc dù vậy, vượt qua bao nhiêu hạn chế của thời đại, bao nhiêu ràng buộc của thực dân, trong bài ca chúc Tết này, nhân năm mới, lấy gương thất bại xót đau của bản thân, ông đã khích lệ lòng yêu nước của anh chị em thanh niên, đưa nó lên thành lí tưởng cao quý, anh hùng, với triển vọng chói lọi những hy sinh lớn lao, tạo ra một bài học vô cùng quý giá về phẩm chất con người Việt Nam biết dâng đời cho đất nước, dân tộc.
Để hiểu thấu tâm trạng của ông, gì bằng đọc thêm bài thơ Tạ ơn người cho lịch sử mới:
Quên lửng năm trời đã bấy nay,
Ơn người tặng lịch nhắc cho hay.
Á Âu xáo lộn đen pha đỏ,
Tân cựu phân minh tớ đội thầy.
Tháng Một đứng trên đầu tháng chạp.
Ngày Nam nằm dưới đít ngày Tây.
Xem trên mặt giấy càng thêm cám,
Năm mới đâu nào? Mới ở đâu?
Cũng là tâm trạng chất chứa đau thương căm giận trước bất kì một sự việc nhỏ nhặt nào mà thông thường người ta vô tình không hề để ý.
Có người cho La Fontaine là cây ngụ ngôn nên sinh ra quả là ngụ ngôn. Cũng ý ấy nhưng rõ hơn và sâu hơn, Lỗ Tấn nói: “Phàm chảy ra từ mạch máu là máu”. Phan Bội Châu là con người chứa chất máu yêu nước, cho nên lời nói ra không thể tránh được lời yêu nước. Càng thấm thía vì sao năm ấy ông lại có lời chúc Tết thanh niên như vậy.