Đăng ký

Thuyết minh về con trâu - Văn mẫu tham khảo - Cunghocvui.com

2,875 từ Văn mẫu

Từ bao đời nay, con trâu luôn là hình ảnh quen thuộc gắn liền với người nông dân Việt Nam. Đối với một đất nước phát triển từ nông nghiệp như Việt Nam thì con trâu có vai trò vô cùng to lớn trong cuộc sống hàng ngày của người dân cày và còn là biểu tượng cho đức tính cần cù, chăm chỉ của những con người đất Việt. Các bạn có thể tham khảo bài thuyết minh về con trâu dưới đây của Cunghocvui.com nhé!

Hướng dẫn lập dàn ý thuyết minh về con trâu

I- Mở bài

  • Giới thiệu chung về hình ảnh con trâu Việt Nam

II- Thân bài

  1. Nguồn gốc con trâu

  • Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa

  • Thuộc nhóm động vật có vú và là động vật nhai lại

      2.  Đặc điểm

  • Thân hình vô cùng vạm vỡ

  • Miêu tả các bộ phận của con trâu: da, đuôi, chân, bụng, miệng, sừng

          (Sử dụng các hình ảnh so sánh cho bài thuyết minh thêm hấp dẫn)

  • Mỗi năm trâu chỉ đẻ từ 1-2 lứa, mỗi lứa một con.

     3. Vai trò của con trâu

a .Trong đời sống vật chất:

  • Trâu nuôi chủ yếu để cày, bừa trên đồng ruộng;

  • Trâu dùng sức kéo phục vụ cuộc sống hàng này;

  • Cung cấp thịt;

  • Là tài sản quý giá của người nông dân.

b. Trong đời sống tinh thần

  • Trâu là người bạn đồng hành cùng những người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” dù nắng mưa hay trưa hè nóng bức.

  • Trâu gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn: Thổi sáo, đọc sách, trêu đùa.

  • Trâu gắn liền với những lễ hội

  • Lễ hội chọi trâu Hải Phòng

  • Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

  • Trâu là biểu tượng cho những đức tính quý báu của con người Việt nam: cần cù, chăm chỉ, hiền lành, chất phác.

  • Hình ảnh trâu vào trong những câu hát ru của bà của mẹ, bồi đắp tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước.

III- Kết bài:

  • Khẳng định lại vai trò của con trâu trong đời sống con người Việt Nam.

  • Nêu suy nghĩ, tình cảm cá nhân.

 

Bài văn thuyết minh về con trâu ở làng quê Việt Nam

    Tuổi thơ tôi được lớn lên trong tiếng hát à ơi của bà, của mẹ. Những câu hát ru ngọt ngào ấy chứa tất cả hình ảnh thân thuộc của quê hương, đó là những cánh cò bay lả, những ruộng đồng bao la hay những con trâu chăm chỉ đều được kết thành lời hát ngọt ngào, đầy yêu thương. Nhưng để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất có lẽ là hình ảnh về con trâu - hình ảnh thân thuộc của mỗi làng quê Việt Nam.

 

Con trâu - hình ảnh quen thuộc của mỗi làng quê Việt Nam

Bài văn thuyết minh về con trâu

   Trâu không phải là loài động vật xa lạ với mỗi người nông dân. Trâu có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc giống trâu đầm lầy. Khoảng 5000 - 6000 năm trước, trâu được thuần hóa cùng với sự ra đời của nền văn minh lúa nước. Ông cha ta từ xa xưa đã biết săn bắt trâu và thuần hóa chúng để phục vụ cho công việc cày cấy cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.  Con trâu là động vật ở nhóm Thú có vú vì nó nuôi con bằng sữa mẹ. Và đây là loài động vật thuộc nhóm nhai lại, sức nhai của trâu rất bền. Khi có thời gian ăn, trâu thường ăn rất nhanh, qua loa để tích trữ được nhiều cho những khi phải làm việc liên miên. Vì vậy, trâu có thể làm việc cả ngày mà không cần nghỉ ngơi.

   Những chú trâu đều sở hữu một thân hình vô cùng vạm vỡ. Trâu thuộc lớp thú có vú nên được sẽ có hai loại là trâu đực và trâu cái. Trâu đực thường to và cao hơn trâu cái, sừng to và dày hơn, đôi chân chắc nịch và chạy rất nhanh. Cân nặng trung bình của mỗi con trâu đực từ 400- 450 kg và trâu cái là từ 350- 400 kg. Da trâu có màu đen, dày, dai và bóng loáng, phía bên ngoài sẽ được phủ lên một lớp lông mao màu đen nên có cảm giác rất mượt. Hai cái tai trâu to như hai cái quạt mo lúc nào cũng ve vẩy để đuổi ruồi. Trai trâu rất thính, giúp nó nghe rõ mọi hoạt động xung quanh. Miệng nó rất rộng, mũi to và thường ẩm ướt để người nông dân luồn dây qua mũi kéo đi cho dễ dàng, mắt to tròn như hai hòn bi ve. Vì trâu thuộc nhóm động vật nhai lại nên miệng nó chỉ có hàm răng dưới mà không có hàm răng trên. Và việc trâu chỉ có một hàm cũng được dân gian lý giải qua câu chuyện hài “ Trí khôn của ta đây”. Trâu có cặp sừng dài và cong hình lưỡi liềm trông rất chắc chắn giúp nó tự vệ khi gặp kẻ thù. Trâu có 4 chân rất chắc, ngắn, to. Hai chân trước cách xa nhau, thẳng còn hai đùi sau to dài. Đuôi trâu ngắn và có một túm lông ở cuối đuôi. Đôi lúc nhìn con trâu rất nặng nề bởi nó phải mang một cái bụng rất to được chống đỡ bởi bốn chân. Chắc bởi vậy nên chân nó phải rất khỏe mới đỡ được cả thân hình vạm vỡ ấy. Mỗi năm trâu chỉ đẻ từ 1-2 lứa, mỗi lứa một con. Trâu con mới sinh ra sẽ được gọi là nghé.

 

thuyết minh về con trâu

Thuyết minh về con trâu

    Xuất phát từ nền văn minh lúa nước nên hình ảnh con trâu gắn liền với người nông dân lam lũ trên cánh đồng không quản ngại nắng mưa. Công việc đồng áng vất vả, nặng nhọc nhưng người nông dân luôn có một “ người bạn cần mẫn” bên cạnh giúp đỡ, chăm chỉ cùng làm việc. Dù mưa hay nắng, ngày hay đêm thì những chú trâu vẫn cày cấy cùng người nông dân đem lại sự ấm no cho cuộc sống của người dân. Bên cạnh công việc cày cấy thì người ta còn dùng trâu làm sức kéo để kéo gỗ, chở đồ. Trâu còn được dùng là thực phẩm hàng ngày phục vụ nhu cầu ẩm thực của mọi người. Thịt trâu dai, thơm và có hàm lượng đạm trong thịt cao. Trâu là người bạn cũng là tài sản đem lại thu nhập cao cho người dân. Ông cha ta có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” điều đó chứng tỏ được vai trò to lớn của trâu, ngày xưa hầu như mỗi gia đình đều sở hữu một con trâu. Không chỉ bắt gặp hình ảnh những con trâu chăm chỉ bên người nông dân mà chúng ta còn biết trâu còn gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn. Những buổi chiều chăn trâu thả diều hay ngồi vắt vẻo trên lưng trâu nằm đọc sách, thổi sáo sẽ luôn là kỉ niệm in sâu trong kí ức của tuổi thơ. Ngoài ra, trâu còn xuất hiện ở trong các lễ hội truyền thống như hội chọi trâu Hải Phòng, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn với những ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Qua lễ hội người ta muốn tưởng nhớ đến công ơn các vị thần, duy trì kỷ cương làng xã và cầu nguyện cho một năm ấm no, bình yên, hạnh phúc.

 

Con trâu lầm lũi nắng mưa cùng người nông dân

Con trâu lầm lũi nắng mưa cùng người nông dân

   Ngày nay, tuy có nhiều máy móc, công cụ hiện đại ra đời làm việc công suất hơn nhưng không thể thay thế được hình ảnh của những con trâu vạm vỡ trong lòng người dân Việt Nam. Trâu không chỉ mang lại giá trị vật chất mà còn là đời sống tinh thần của người nông dân. Đồng thời, hình ảnh của con trâu còn là biểu tượng cho những đức tính cao đẹp của con người Việt Nam: cần cù, chịu khó, hiền lành, chất phác. Chúng ta chăm sóc và bảo vệ trâu chính là giữ gìn biểu tượng văn hóa truyền thống cao đẹp của người Việt.

Thuyết minh về con trâu lớp 9; Thuyết minh về con trâu ở làng quê Việt Nam; Lập dàn ý thuyết minh về con trâu; Thuyết minh về con trâu có sử dụng biện pháp nghệ thuật. Bài văn thuyết minh về con trâu; Thuyết minh về con trâu có sử dụng miêu tả đều có thể tham khảo bài thuyết minh về con trâu của Cunghocvui.com!