Thuyết minh về một di tích lịch sử
Đề bài
Đề bài: Thuyết minh về di tích lịch sử.
Hướng dẫn giải
Ai về đến huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương
Cổ Loa hình ốc khác thường
Trải qua năm tháng, nẻo đường con đây
Đây là những câu ca dao rất nổi tiếng để nói về di tích lịch sử thành Cổ Loa. Thành Cổ Loa gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Nhắc đến thành Cổ Loa ai ai cũng nhớ đến truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy nhưng không phải ai cũng am hiểu tường tận về nguồn gốc ra đời của di tích lịch sử này.
Thành Cổ Loa được coi là kinh đô của nhà nước Âu Lạc, được trị vì bởi vua An Dương Vương vào khoảng thế kỉ thứ III Trước công nguyên. Dấu tích thành để lại cho đến ngày nay là ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.
Về sự ra đời của thành Cổ Loa có rất nhiều cách lí giải khác nhau. Nhưng cách lí giải sau đây là hợp lí hơn cả. Dưới thời Âu Lạc, vùng sông Hồng có vị trí giao thương vô cùng quan trọng, không chỉ vậy nó còn có ý nghĩa về mặt quân sự, kiểm soát được vùng này cũng coi như kiểm soát được cả vùng sơn địa. Cổ Loa thành trước kia là một vùng đất trù phú, dân cư đông đúc, buôn bán hết sức tấp nập. Vua An Dương Vương đã rời kinh đô về đây, đánh dấu một bước phát triển mới của dân tộc ta. Khẳng định vị thế và tăng cường giao thương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Về vùng đất đồng bằng, không chỉ quan tâm đến việc phát triển kinh tế và nhà vua còn chú trọng đến quân sự. Cổ Loa thành được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ đất nước.
Thành Cổ Loa được xây dựng hết sức kiên cố. Thành gồm tất cả ba vòng, vòng ngoài có chu vi 8 km, vòng thứ hai chu vi 6.5km và vòng trong cùng có chu vi 1.6km, phần đất trung tâm rộng lên đến 2km2. Đây quả là một diện tích lớn đối với thời bấy giờ, bởi lúc đó ta vẫn chưa có gạch nung, nên tất yếu xây dựng được thành sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thành được xây theo kiểu đào đất đi đến đâu đồng thời sẽ khoét hào theo đến đó và đắp lũy lên cao. Mỗi lũy cao trung bình 4-5m, có chỗ cao lên đến 12m. Lũy của Loa thành dốc ở bên ngoài để ngăn chặn bước tiến công của địch và thoải ở mặt phía trong. Đặc biệt khi nghiên cứu Loa Thành các nhà nghiên cứu còn phát hiện kĩ thuật gia cố lúc bấy giờ: họ nẹp dưới chân thành những viên đá từ 15-60cm nhằm làm cho chân thành vững chắc, tạo lực để xây dựng thành lên cao. Đồng thời xung quanh thành Cổ Loa còn có mạng lưới nước dày đặc, thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ thủy binh. Bên cạnh việc dùng đá, thành Cổ Loa còn sử dụng đất và gốm vỡ khiến cho tường thành vững chắc hơn.
Thành Cổ Loa chia làm ba vòng tương đương với cấu trúc ba thành. Thành ngoại, dài hơn 8000m, đây là thành rộng nhất, cao từ 3-4m. Thành trung ơ giữa có độ dài khoảng 6500m, độ cao thành chỗ cao nhất là 10m. Và cuối cùng là thành nội có hình chữ nhật vuông vắn, rộng 1650m, độ cao thành trung bình là 5m. Thành Nội còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật: Khu đền Thượng thờ An Dương Vương, khu đình Ngự triều di quy, am thờ Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn với hàng trăm pho tượng… Điều đặc biệt là mỗi vòng thành đều được bố trí một hào nước bao xung quanh, rộng từ 10 - 30m tùy đoạn và các vòng hào này đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Đây là sự bố trí hết sức mưu trí của nhân dân ta về mặt quận sự. Giúp quân ta vừa dễ dàng tiến công lại vừa dễ dàng phòng thủ. Có thể nói thành Cổ Loa là một thành tựu đáng tự hào về kiến trúc như quân sự của cha ông ta.
Thành Cổ Loa được xây dựng trong những ngày đầu của công cuộc dựng nước bởi vậy nó có ý nghĩa hết sức to lớn đối với nhân dân ta. Trước hết về mặt quân sự, thành Cổ Loa là sự sáng tạo độc đáo của nhân dân ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Với kết cấu độc đáo và hết sức kiên cố là bước phát triển vượt bậc so với gia đoạn trước đây. Nó là một căn cứ vững chắc bảo vệ nhà vua và nhân dân. Nhờ Cổ Loa thành mà theo như truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy ta đã nhiều lần đánh lui quân của Triệu Đà.
Về mặt xã hội, thành Cổ Loa được xây dựng ở nơi địa thế giao thương thuận lợi, bởi vậy sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nhưng đồng thời thành Cổ Loa cũng phản ánh sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội lúc bấy giờ.
Cuối cùng là về mặt văn hóa, thành cổ Loa là một di sản văn hóa của dân tộc. Đây là bằng chứng sống, chứng minh sự sáng tạo, trình độ kĩ thuật cao của người Việt cổ. Thành Cổ Loa cũng là nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật:
“An Dương Vương một thời oanh liệt
Chế nỏ liên châu, đắp Loa Thành
Tin mình, tin cả quân xâm lược
Bang giao, hòng tránh họa đao binh”
Hay trong ca dao:
“Kỳ thành tối cao, kỳ hào tối sâu
Đứng trên mặt thành trông xuống chân thành
Đội khăn rơi khăn
Đứng dưới chân thành trông lên mặt thành,
Đội nón rơi nón.”
Thành Cổ Loa là di tích lịch sử quan trọng của dân tộc ta. Đánh dấu một thời kì phát triển, thịnh vượng, nhưng đồng thời cũng đầy đau thương mất mát. Về thành Cổ Loa là để nhớ về nguồn cội dân tộc, nhớ về bài học dựng nước và giữ nước. Là lời nhắc nhở thế hệ mai sau luôn nêu cao bài học cảnh giác với kẻ thù.