Đoạn văn nghị luận có yếu tố tự sự và miêu tả - Bài viết số 2
Sống, sống có ích và sống đẹp
Đến với núi cao, sông dài, biển rộng là để biết cái hùng vĩ của vũ trụ vô cùng. Đến với cỏ nội hoa ngàn, trăng thanh gió mát, là muốn cảm được cái kì diệu của hóa công, đo được cái trong của hồn mình, bày tỏ được cái chí của đời mình. Khắc đá đề thơ vào vách động, lưu bút đến ngàn năm sau, phải là bậc danh sĩ cao khiết ở đời. Tựa như trăng sao vằng vặc vậy. Còn như đúc chuông, tạc tượng, xây chùa dựng am, trồng tháp là sự bày tỏ cái lòng thành của bậc chân nhân, vĩ nhân. Lo cho dân cày thêm ruộng cấy trâu cày, kẻ bần hàn có cơm no áo ấm, được sống yên bình giữa bốn cõi, là cái tài, cái tâm của bậc đống lương, kinh bang tế thế xưa nay.
Lòng vui khi nghe suối reo chim hót. Rơi lệ trước nỗi đau của kẻ nghèo hèn, thao thức vì tiếng khóc của cô nhi quả phụ, hân hoan khi nghe trẻ thơ ca hát vui cười. Đau cái đau của người, vui cái vui của thiên hạ. Ăn một miếng ngon, mặc cái áo đẹp, nơi ở là lâu đài, du ngoạn có xe tứ mã, thế là sang. Nếu thiếu đi một tâm hồn trong sáng, một đời sống tinh thần phong phú, thì chưa hẳn đã hạnh phúc?
Đến với một chân trời xa lạ, một ngọn núi dòng sông, một đảo xa biển biếc,... là được sống thêm một phần cuộc đời tốt đẹp. Gặp gỡ thêm một người bạn hiền tựa như sông suối thêm nguồn, như đứng trên núi cao ngắm trăng, không chỉ cảm được “thanh phong minh nguyệt” mà còn thấy được cái sáng của lòng mình, cái trong của hồn mình, cái thành thực của tình bằng hữu. Tinh bốn phương cao nhã là vậy.
(Tạp hứng ngẫu đàm - Lê Phan Quỳnh)
Tình cảm và tư tưởng yêu nước Việt Nam
Yêu nước là một tình cảm và tư tưỡng phố biến, dân tộc nào cũng có, riêng gì dân tộc Việt Nam...
Quả thực yêu nước là tình cảm và tư tưởng tự nhiên phổ biến. Chim luyến tổ, cá quen đồng, người sao không yêu quê hương? Quê hương nhỏ là bản làng, ở đó có cha mẹ, anh chị em, có mồ mả ông bà, có bờ ao, bến đò quen thuộc. Quê hương lớn là nước nhà, ở đó có tất cả đồng bào cùng tiếng nói, phong tục, có toàn bộ lịch sử dân tộc gồm những lúc vinh, lúc nhục, lúc vui, lúc buồn đều có nhau; có vầng sao những anh hùng liệt sĩ với những chiến công hiển hách, đạo đức sáng ngời, lòng hi sinh vô hạn; có đền đài, miếu mạo, có núi cao, đồng rộng, sông dài, đủ làm nơi sinh tụ cho giống nòi ta. Quê hương lớn cũng gọi là Tổ Quốc. Người Việt Nam yêu nước Việt Nam.
(...) Tình cảm và tư tưởng yêu nước đều tồn tại ở tất cả các dân tộc trên đời, nhưng tùy nước, tư tưởng ấy sớm hay muộn, đậm hay nhạt khác nhau. Và, xưa nay cuộc đời dâu bể, có dân không còn nước để mà yêu, có nước mãi đến hiện đại mới hình thành. Nội dung lịch sử mỗi nước không nơi nào giống nơi nào. Tình cảm và tư tưởng yêu nước Việt Nam sinh nở và phát triển trong những điều kiện cụ thể riêng của mình, mang đường nét, thực chất và tác dụng đặc sắc mà người Việt Nam cần tìm hiểu thấu đáo để biết được chính mình.
Trần Văn Giàu (Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam)