Đăng ký

Dàn ý Hình tượng đất nước trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi

2,054 từ Văn mẫu
Đề bài

Đề bài: Phân tích và so sánh hình tượng đất nước trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi

Hướng dẫn giải

- Đất nước là hình tượng xuyên suốt trong nền Văn học Việt Nam, qua mỗi thời kì, hình tượng ấy lại được bồi đắp thêm, hoàn thiện thêm.

- Hai bài thơ cùng mang tên “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về đất nước.

1.Điểm giống

- Cả hai bài thơ cùng ra đời sau cách mạng tháng tám, khi nhân dân được làm chủ đất nước, đều thể hiện hình tượng đất nước tự do, giàu đẹp, nhân dân anh dũng kiên cường.

- Viết bằng giọng thơ trữ tình chính luận nên vừa có sự du dương, tình cảm lại vừa có tính triết lí sâu sắc.

- Thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc của mỗi tác giả.

2.Điểm khác

- Dù cùng viết về đất nước, nhưng mỗi nhà thơ lại có cá tính, có cách thể hiện và góc nhìn riêng về đất nước.

2.1.Đất nước – Nguyễn Đình Thi

a.Cảm hứng sáng tác

- Bài thơ được sáng tác từ năm 1848 đến năm 1955 mới hoàn thành, nhà thơ lấy cảm hứng xuyên suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống pháp.

- Bởi vậy bài thơ được viết theo kết cấu: từ quá khứ đau thương, đến hiện tại anh dũng và tương lai tươi sáng của đất nước.

b.Đất nước hiền hòa được cảm nhận qua mùa thu xưa và nay

- Mùa thu xưa trong cảm nhận của tác giả là thu Hà Nội, với “những phố dài xao xác hơi may”, với không khí “chớm lạnh”, “mát trong”, ...và con người trong mùa thu xưa cũng ra đi lặng lẽ với tâm tư nặng trĩu nhưng cương quyết.

→ Đất nước đẹp nhưng buồn man mác

- Nếu đất nước xưa bao trùm nỗi buồn thì đất nước nay là niềm vui phơi phới, niềm tự hào vì được “thay áo mới”, chiếc áo của sự tự do, sự làm chủ của chính con người trên đất nước mình.

- Nhận xét: sự chuyển biến của bức tranh mùa thu chính là sự chuyển biến của đất nước.

c.Đất nước đau thương trong chiến đấu nhưng vinh quang trong chiến thắng

- Đất nước trong chiến tranh phải chịu bao đau thương, mất mát: “cánh đồng quê chảy máu”, “dây thép gai đâm nát trời chiều”, ..

- Nhưng với tinh thần anh dũng bất khuất, nhân dân ta đã đứng lên giàng lại đất nước, quyền làm chủ quê hương.

- Bốn câu thơ cuối như một định nghĩa về đất nước: đất nước bất khuất anh hùng.

⇒ Tạo nên vẻ đẹp hào hùng, tráng lệ về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đoạn thơ đã khái quát được sức vươn dậy thần kỳ của dân tộc Việt Nam chúng ta.

2.2.Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm

2.2.1.Đất nước được cảm nhận từ phương diện lịch sử, văn hóa, chiều sâu của không gian, chiều dài của thời gian

a.Đất nước có từ bao giờ? (lí giải cội nguồn của đất nước) (9 câu đầu)

- Tác giả khẳng định một điều tất yếu: “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi”, điều này thôi thúc mỗi con người muốn tìm đến nguồn cội đất nước.

- Đất nước bắt nguồn từ những diều bình dị, gần gũi trong đời sống của người Việt Nam từ xa xưa: tục ăn trầu của người Việt và truyện cổ tích Trầu cau, thói quen búi tóc của những người phụ nữ Việt Nam, thói quen tâm lí, truyền thống yêu thương của dân tộc.

- Đất nước trưởng thành cùng quá trình lao động sản xuất “cái kèo cái cột thành tên”, “một nắng hai sương”, quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

- Nhận xét: Tác giả có cái nhìn mới mẻ về cội nguồn đất nước, đất nước bắt nguồn từ chiều sâu văn hóa, văn học, lịch sử và truyền thống dân tộc.

b. Định nghĩa về đất nước (28 câu thơ tiếp theo)

- Về phương diện không gian địa lí:

    + Tác giả tách riêng hai yếu tố “đất” và “nước” để suy tư một cách sâu sắc.

    + Đất nước là không gian riêng tư quen thuộc gắn với không gian sinh hoạt của mỗi con người; gắn với kỉ niệm tình yêu lứa đôi.

    + Đất nước là không gian bao la trù phú, không gian sinh tồn của cộng đồng qua bao thế hệ.

- Nhìn đất nước được nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử từ quá khứ, hiện tại đến tương lai:

    + Trong quá khứ đất nước là nơi thiêng liêng, gắn với truyền thuyết, huyền thoại.

    + Trong hiện tại: đất nước có trong tấm lòng mỗi con người, mỗi người đều thừa hưởng những giá trị của đất nước, khi có sự gắn kết giữa mỗi người đất nước sẽ nồng thắm, hài hòa, lớn lao. Đó là sự gắn kết giưa cái riêng và cái chung.

    + Trong tương lai: thế hệ trẻ sẽ “mang đất nước đi xa” “đến những ngày mơ mộng”, đất nước sẽ trường tồn, bền vững.

- Suy tư về trách nhiệm của mỗi cá nhân với đất nước: “Phải biết gắn bó và san sẻ”, đóng góp, hi sinh để góp phần dựng xây đất nước.

- Nhận xét: qua cái nhìn toàn diện của nhà thơ, đất nước hiện lên vừa gần gũi, thân thuộc lại vừa thiêng liêng, hào hùng và trường tồn đến muôn đời sau.

2.2.2.Tư tưởng cốt lõi, cảm nhận về đất nước: đất nước của nhân dân

- Thiên nhiên địa lí của đất nước không chỉ là sản phẩm của tạo hóa mà được hình thành từ phẩm chất và số phận của mỗi người, là một phần máu thịt, tâm hồn con người:

- Nhân dân làm nên lịch sử 4000 năm:

    + Họ là những người con trai, con gái bình dị nhưng luôn thường trực tình yêu nước.

    + Tác giả nhấn mạnh đến những con người vô danh làm nên lịch sử, khẳng định vai trò của mỗi cá nhân với lịch sử dân tộc.

- Nhân dân tạo ra và giữ gìn những giá trị vật chất, tinh thần cho đất nước: văn hóa: “truyền hạt lúa”, “truyền lửa”, “truyền giọng nói”, “gánh theo tên xã, tên làng”, ... từ đó xây dựng nền móng phát triển đất nước lâu bền.

- Tư tưởng cốt lõi, cảm hứng bao trùm cả đoạn trích: “đất nước này là đất nước của nhân dân đất nước của ca dao thần thoại”, đất nước ấy thể hiện qua tâm hồn con người: biết yêu thương, biết quý trọng trọng tình nghĩa, công sức và biết chiến đấu vì đất nước.

- Nhận xét:

    + Về nội dung: đoạn trích “Đất nước” đã thể hiện cái nhìn mới mẻ về đất nước trên nhiều bình diện: văn hóa, lịch sử, địa lí dựa trên tư tưởng cốt lõi: “đất nước của nhân dân”.

    + Về nghệ thuật: sử dụng đa dạng và sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian, ngôn ngữ giàu chất suy tư, triết luận sâu sắc.

- Nhận xét chung: Hai bài thơ đều cảm nhận về đất nước trong ý thức mới đầy tính nhân văn, hiện đại. Mỗi bài thơ lại cảm nhận đất nước theo một góc nhìn riêng, qua đó hoàn thiện hình tượng đất nước để mỗi người chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về đất nước.

- Cả hai bài thơ đều thể hiện tình yêu đất nước chân thành và sâu sắc, khơi gợi tình yêu nước trong mỗi chúng ta.

shoppe