Đăng ký

Chứng minh: Thị Kính không chỉ chịu khổ vì bị oan mà còn mang nỗi nhục của một thân phận nghèo hèn

1,858 từ

Hãy chứng minh rằng: trong trích đoạn Nỗi oan hại chồng, nhân vật Thị Kính không chỉ chịu khổ vì bị oan mà còn mang nỗi nhục của một thân phận nghèo hèn bị kẻ giàu có, tàn ác khinh rẻ.

Dòng văn học dân gian Việt Nam giàu giá trị nhân đạo luôn quan tâm đến việc bênh vực cho quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của người phụ nữ. Để truyền đạt tư tưởng ấy, nhân dân đã xây dựng những hình tượng người phụ nữ đẹp đẽ, vẹn toàn bị áp bức chà đạp nặng nề.

Nhân vật Thị Kính trong đoạn trích “Nỗi oan hại chồng” (trích vở chèo "Quan Âm Thị Kính") là một trong số đó. Nàng không chỉ chịu khổ vì bị oan mà còn mang nồi nhục của một thân phận nghèo hèn bị kẻ giàu có, tàn ác khinh rẻ.
 
Thị Kính sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng lại về làm dâu một gia đình địa chủ, nhà Thiện Sĩ. Trong đêm thanh vắng, nàng ngồi may vá để thức cùng chồng giúp người đọc sách. Khi Thiện Sĩ ngủ quên, nàng âu yếm nhìn chồng rồi phát hiện ra cái râu mọc ngược. Hành động cầm dao cắt cái râu ấy cho chồng hoàn toàn xuất phát từ thiện ý giúp chồng đẹp hơn. Nhưng bất hạnh cho nàng, Thiện Sĩ bất ngờ tỉnh dậy hiểu nhầm hành động ấy rồi hô hoán cha mẹ. Sùng bà, Sùng ông coi việc làm của Thị Kính là mưu sát chồng.

Trước tình hình ấy, Thị Kính chỉ còn biết một mực kêu oan. Nàng kêu oan đến năm lần, trong đó bốn lần đầu hướng đến mẹ chồng và chồng:
 
Nhưng cả bốn lần, lời kêu oan của Thị Kính chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Bởi Sùng bà trước sau là một kẻ độc ác, tàn nhẫn không chấp nhận vị trí của Thị Kính trong nhà mụ. Còn Thiện Sĩ chỉ là một kẻ ngu muội, bạc nhược, đớn hèn. Chỉ đến lần thứ năm, lời kêu oan của Thị Kính mới nhận được sự cảm thông, đó là của Mãng ông, cha nàng: "Oan cho con lắm à?" nhưng cay đắng thay: “Dù oan dù nhẫn chẳng oan. Xa xôi cha biết nỗi con nhường nào?”. Đó lại là một sự cảm thông đau khổ và bất lực. Mãng ông biết con gái bị oan nhưng chỉ là một người nông dân nghèo, không có vị thế trong xã hội, ông không thể làm gì để giúp đỡ con gái. Người phụ nữ ấy gặp phải cái án hàm oan tình ngay lí gian không sao tự minh oan chiếu tuyết được. Từ đó, nàng rơi vào bi kịch với cái án oan nghiệt: giết chồng.
 
Nhưng đó chưa phải bi kịch lớn nhất của người phụ nữ bất hạnh này. Xã hội phong kiến đương thời tồn tại một tư tưởng bảo thu, lạc hậu đáng kinh sợ: phân biệt sang hèn rạch ròi; kẻ nghèo khó bị khinh miệt, coi rẻ như rơm rác: khi đã nghèo, nhân cách bị đánh đồng với tiền bạc có trong tay. Thị Kính xuất thân nghèo khó lại làm dâu nhà giàu nên nàng còn mang nỗi nhục của một thân phận nghèo hèn bị kẻ giàu có, tàn ác khinh rẻ.

Trong chốc lát Thiện Sĩ không hiểu được thiện ý của vợ. Và nhất là Sùng bà thì mụ cố tình không hiểu. Mụ ta áp đặt cho Thị Kính là “mặt sứa gan lim” “mày định giết con bà à?”. Rồi mụ đay nghiến, mắng nhiếc Thị Kính thậm tệ. Điều quan trọng là cách mắng chửi của Sùng bà đối với Thị Kính không phải là của một bà mẹ chồng đối với con dâu của mình mà đó là những lời lẽ của một kẻ tàn nhẫn và độc ác, hợm hĩnh, tự coi mình là tầng lớp trên, coi thường những người khác, nhất là những người lao động. Hãy nghe cách bà ta tự xưng: "giống nhà bà đây giống phượng giống công" để so sánh với cách bà ta gọi Thị Kính: “tuồng bay mèo mả gà đồng”. Rõ ràng bà là đang “bới” ra nguồn gốc gia đình của hai bên chứ không hề quan tâm đến mối quan hệ mà cuộc hôn nhân của con bà với Thi Kính ràng buộc. Không chỉ hạ nhục Thị Kính bằng lời nói, bà ta còn hành hạ nàng bằng những hành động dã man. Bà ta dúi dầu Thị Kính xuống, bắt Thị Kính phải ngửa mặt lên. Rồi không cho nàng phân bua, thanh minh, mụ dúi tay đẩy Thị Kính ngã khuỵu xuống, nhất quyết trả Thị Kính về cho gia đình. Với người phụ nữ đi làm dâu trong xã hội xưa, bị nhà chồng trả về là một điều sỉ nhục không chỉ cho bản thân họ mà còn cho cả gia đình, nội tộc. Vậy thì khi hành động như vậy, Sùng bà còn cố ý hạ nhục cả gia đình, dòng họ của Thị Kính.

Phản ánh bi kịch lên đến tột cùng trong số phận của nhân vật Thị Kính, tác giả dân gian đã lên án những tư tưởng phong kiến bảo thủ, thối nát cướp mất quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của người dân lao động, đặc biệt là người phụ nữ. Bên cạnh đó, đoạn trích kịch cũng bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc đối với số phận những “dải lụa đào”, “những trái bần trôi”,... bơ vơ, tội nghiệp trong xã hội cũ. Đó là một đặc điểm quan trọng thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc trong văn bản.