Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương trong chuyện người con gái Nam Xương
Bài cảm nhận về nhân vật Vũ Nương chuyện người con gái Nam Xương
Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương chính là sử dụng vốn liếng ngôn từ tích góp được cùng kiến thức văn học có liên quan để nêu ra suy nghĩ của cá nhân về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương chuyện người con gái Nam Xương
Mở Bài cảm nhận về nhân vật Vũ Nương
Đã có không ít tác phẩm viết về đề tài thân phận người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến chịu nhiều dày vò và áp bức. Do ảnh hưởng một phần nào đó của Nho giáo, vì thế phụ nữ xưa thường bị xem nhẹ vai trò hơn đàn ông. Phụ nữ sống trong xã hội ấy phải tuân thủ tam tòng tứ đức (“Xuất giá tòng phu/Tại gia tòng phụ/Phu tử tòng tử”; “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”) có thế họ mới đủ sức gánh vác được gian sơn nhà chồng.
Ngược về dòng chảy văn học trung đại Việt Nam, có một nhân vật điển hình cho hình mẫu người phụ nữ truyền thống của người Việt, đó không ai khác chính là Vũ Nương, người con gái chịu nhiều oan khuất với tấm bi kịch cuộc đời dường như chẳng hề xa lạ với xã hội bấy giờ. Chúng ta cùng cảm nhận về nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ để hiểu thêm về người phụ nữ này!
Xenm thêm
Hướng dẫn vẽ sơ đồ tư duy chuyện người con gái Nam Xương
Tóm tắt chuyện người con gái Nam Xương
Thân bài cảm nhận về nhân vật Vũ Nương
Vũ Nương son sắc chờ chồng
Trước khi đến với Vũ Nương chúng ta cần biết đôi nét về tác giả Nguyễn Dữ và tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương. Nguyễn Dữ là con trai của tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu, ông từ nhỏ đã chăm học hỏi, ấp ủ cho mình giấc mộng văn chương mong muốn nối nghiệp nhà.
Nguyễn Dữ còn có tấm lòng cảm thương sâu sắc với số phận người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến hà khắc, bị gò bó, không thể tự mình quyết định cuộc đời mình. Chính vì vậy, ông đã cho ra đời Truyện người con gái Nam Xương trích từ Truyền kì mạn lục (ghi chép tản mạn về những câu chuyện kỳ lạ được lưu truyền) gồm 20 truyện nhỏ. Tác phẩm này được xem là một “thiên cổ kì bút”, tiêu biểu cho cuộc đời văn chương của Nguyễn Dữ.
Truyện người con gái Nam Xương viết về người con gái quê ở Nam Xương tên là Vũ Nương (Vũ Thị Thiết). Nàng vốn là người con gái đẹp người đẹp nết, sinh ra trong gia đình nghèo khó. Còn Trương Sinh là con trai của một gia đình khá giả đem lòng yêu thương nàng, xin mẹ trăm lạng vàng để cưới nàng về làm vợ. Sau khi thành hôn, biết chồng bản tính đa nghi, Vũ Nương luôn giữ kẽ chưa bao giờ nàng dám vượt quá khuôn khổ, phép tắc của một người vợ, nàng luôn nhường nhịn, không để vợ chồng phải bất hòa.
Xem thêm:
Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua chuyện người con gái Nam Xương và Truyện Kiều
Ấy vậy mà xã hội phong kiến nhẫn tâm chia cắt, chiến tranh nổ ra buộc Trương Sinh rời xa gia đình đi lính. Vũ Nương lo liệu chu toàn mọi việc trong ngoài, kể cả phụng dưỡng mẹ chồng bệnh tật và chăm sóc con trai là bé Đản, đợi ngày chồng về. Nhưng khi Trương Sinh trở về, lại nghe lời con trẻ ngây thơ mà trách lầm Vũ Nương thất tiết.
Bản tính vốn đã đa nghi, Trương Sinh không nghe Vũ Nương giải thích mà chửi mắng, đuổi nàng ra khỏi nhà. Quá bế tắc, Vũ Nương chỉ có thể gieo mình xuống sông để chứng minh sự trong sạch. May thay nàng được Linh Phi cứu sống, giữ lại ở thủy cung. Về sau khi Trương Sinh tường tận câu chuyện, hắn ân hận, lập đàn giải oan cho nàng bên sông. Vũ Nương trở về giải oan, nhưng rồi lại biến mất. Câu chuyện mang giá trị nhân văn sâu sắc về cuộc đời và lòng người, kết hợp cùng các yếu tố kỳ ảo hấp dẫn.
Từ câu chuyện ta mới thấy hết được những phẩm chất tốt đẹp của nàng Vũ Nương. Ở đầu truyện tác giả đã giới thiệu Vũ Nương với các tính từ tốt đẹp “ tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”, bấy nhiêu đã đủ để chúng ta hình dung được một người con gái trẻ đẹp, đoan trang, hiền lành và rất lương thiện. Ở Vũ Nương nàng hội tụ đủ nét đẹp về phẩm chất lẫn tâm hồn.
Nét đẹp ấy không hề thay đổi sau khi nàng được gả vào nhà Trương Sinh, nó thể hiện ở các mối quan hệ trong gia đình. Với Trương Sinh nàng là một người vợ hiền, biết chồng “ có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức” thế nên nàng luôn thận trọng giữ kẽ trong khuôn khổ, chưa bao giờ làm vợ chồng bất hòa.
Phẩm chất của Vũ Nương vô cùng cao đẹp
Khi biết tin chồng phải đi xa, nàng rót chung rượu tiễn đưa và dặn dò với tất cả tấm chân tình “chàng đi chuyến này, thiếp chẳng mong được đeo ấn phong hầu,.....thế là đủ rồi”. Nàng còn biết trước được những rủi ro và hiểm nguy mà chồng mình sắp phải đối mặt “ Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc không lường....khiến thiếp ôm nỗi oan hoài, mẹ hiền lo lắng”. Dù chồng đi vắng là thế nhưng Vũ Nương vẫn thủy chung son sắt, giữ gìn tiết hạnh đợi Trương Sinh bình an trở về, nàng mong muốn một nhà đoàn viên sum họp, vui vầy.
Với mẹ chồng, Vũ Nương chưa từng lỗi đạo, nàng là một người con dâu hiếu thảo. Mặc dù chồng đi xa, nàng vẫn ngày đêm phụng dưỡng, săn sóc mẹ chồng đau yếu, nàng “hết sức thuốc thang và lễ thần bái phật, lấy lời ngọt ngào không khéo, khuyên lơn”. Ngày bà mất, nàng đau lòng một mình lo chu toàn ma chay lễ tế rồi chôn cất. Lời trăn trối của bà trước khi mất cũng chính là lời công nhận, công lao của Vũ Nương “Ngắn dài có số, tươi héo bởi trời,... mong ông xanh kia chẳng phụ con cũng như con chẳng nỡ phụ mẹ”.
Với bé Đản, Vũ Nương hết mực yêu thương. Dù sống một mình nuôi con nhưng nàng vẫn cố gắng chăm lo cho bé Đản chu đáo. Con trai ngày một không lớn, luôn miệng hỏi về cha, nàng lo sợ con thiếu vắng tình thương của cha nên chỉ vào cái bóng mình trên vách nói đó là cha Đản. Nàng đâu ngờ chính việc này đã đẩy nàng vào tấm bi kịch khó lòng phân giải. Đứa bé ấy đem lòng tin vào lời mẹ nói, nó chẳng chút nghi ngờ và cho rằng đó là cha nó, chứ nó đâu thể hiểu được cái bóng kia chỉ là sự nhớ thương quá đỗi của một người vợ xa chồng.
Xem thêm:
Dàn ý phân tích chuyện người con gái Nam Xương
Kể lại chuyện người con gái Nam Xương
Không những vậy, phẩm hạnh cao đẹp ấy còn thể hiện qua hành động nàng gieo mình xuống sông tự vẫn. Ở đây, ta có thể thấy được Vũ Nương vô cùng coi trọng tiết hạnh của một người phụ nữ, nàng lập lời thề trước khi nhảy xuống sông mong rằng trời xanh minh chứng cho sự trong sạch ấy. Thật may mắn, nàng được Linh Phi cứu vớt mang về thủy cung.
Đến khi Trương Sinh hiểu rõ tường tận, lập đàn giải oan cho nàng, nàng mới trở về nhân gian nói lời tha thứ, nàng không oán trách chồng cũng không thù hận, thế nhưng nàng chẳng thể nào quay về được nữa. Đó là sự vị tha, là tấm lòng cao đẹp của người phụ nữ bị hàm oan.
Có thể nói, cuộc đời Vũ Nương nói riêng và cuộc đời phụ nữ sống trong xã hội phong kiến nói chung là tiếp nối những chuỗi ngày bi kịch. Bi kịch đầu tiên phải nói đến chính là bị tước đi quyền tự do của một con người, Vũ Nương đã phải sống theo khuôn phép cả cuộc đời con gái cho đến ngày lấy chồng vẫn vậy, nàng không thể tự quyết định tình yêu và hôn nhân cho mình, nàng được Trương Sinh cưới về với trăm lạng vàng, rõ ràng đây là cuộc hôn nhân mua bán.
Vũ Nương là người con gái đẹp cả ngoại hình lẫn tính cách
Dù vậy, những nét đẹp từ phẩm hạnh cho đến đạo đức đã khiến cuộc hôn nhân kia trở nên hạnh phúc nhờ vào cách cư xử khéo léo của Vũ Nương. Vậy mà không được bao lâu bi kịch tiếp theo lại xảy đến vì chồng nàng quá đa nghi. Thế mới thấy được sự coi thường và mất lòng tin với vợ mình của Trương Sinh, với bản tính nóng nảy chẳng chịu nghe lời Vũ Nương giải thích, hắn đã gián tiếp đẩy nàng đến cái chết. Nếu lúc ấy, Trương Sinh đủ bình tĩnh mà cho thêm thời gian suy xét, có lẽ Vũ Nương đã chẳng phải nhảy sông tự vẫn để chứng minh mình trong sạch.
Và tấm bi kịch cuối cùng, chính là tấm bi kịch bị xã hội phong kiến mang tới. Chính bởi sự phân tranh, giành giật đã làm nổ ra các cuộc chiến tranh phi nghĩa làm bao gia đình mẹ xa con, vợ xa chồng, ... nếu không phải do chiến tranh, Trương Sinh đã không rời đi. Nếu đã không đi, Vũ Nương ắt hẳn không phải giải thích với con về cha mình, nàng sẽ không mang nỗi oan khuất như vậy. Thế mới thấy hết được cái xã hội với những lề thói cổ hủ kia đã bóp chết một người phụ nữ - một người phụ nữ hội đủ mọi yếu tố để hưởng sự hạnh phúc viên mãn.
Kết bài cảm nhận nhân vật Vũ Nương
Truyện người con gái Nam Xương được đan xen yếu tố kì ảo làm tình tiết truyện trở nên ly kì, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Bên cạnh đó, lối kể dân gian được vận dụng làm nên sự gần gũi. Tác phẩm xứng đáng được lưu truyền để người sau có thể học hỏi được những giá trị nhân văn ẩn chứa bên trong nó. Đồng thời để họ cảm thương với Vũ Nương, với thân phận người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến, chịu nhiều đau thương, khốn khổ. Thế mà họ chẳng thể vùng vẫy, chẳng thể tự mình thoát khỏi khuôn khổ khắt khe ấy, họ chỉ có thể tìm đến cái chết để giải thoát.
Tóm lại Vũ Nương là hình mẫu đại diện cho thân phận người phụ nữ sống trong xã hội cũ, bị vùi dập, bị coi thường. Từ đó lên án tố cáo, tập đoàn phong kiến tàn bạo, những hủ tục lỗi thời, và những cuộc chiến tranh phi nghĩa, đã đẩy nhân dân nhất là những người phụ nữ phải chịu cảnh dày vò nay lại càng khốn khổ hơn.