Cảm nhận của em về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh - Ngữ văn 9
Với bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh, Cunghocvui xin gửi đến các bạn phần Cảm nhận của em về bài thơ Sang thu hay nhất. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây các bạn nhé!
Xem thêm Phân tích bài thơ Sang thu
Bài làm
Đất nước Việt Nam ta đã trải qua hơn 1000 năm bị độ hộ , biết bao nhiêu năm tháng chiến tranh gian khổ, phi nghĩa và phải đấu tranh kiên cường, đổi lấy bằng máu của những người chiến sĩ đã ngã xuống. Sau cả một quãng thời gian tưởng chừng như không thể đếm nổi ấy, cuối cùng nước ta cũng đã giành được nền độc lập. Và khi đất nước được độc lập, nó có những sự thay đổi thật khác thường. Từ một dải đất hình chữ S nhuốm màu chiến tranh, nước ta thay một sắc áo mới tươi vui, nhộn nhịp xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng lại cuộc sống. Những chuyển biến đó được nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận qua bài thơ Sang thu. Bài thơ được sáng tác năm 1977, hai năm sau khi nước ta giành độc lập. Bài thơ là tâm trạng ngạc nhiên, ngỡ ngàng và những suy ngẫm của tác giả về sự chuyển biến từ hạ sang thu.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ đưa ra cảm xúc ngạc nhiên khi thấy thu đã về rồi:
"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về"
Nếu như những thi nhân khác thường cảm nhận mùa thu bằng hình ảnh những chiếc lá vàng rơi hay hình ảnh của hoa cúc thì Hữu Thỉnh lại có cách đón nhận mùa thu rất riêng. Ông nhận ra hương ổi đã tỏa khắp mọi nẻo đường, cùng với làn gió như đưa đẩy mùi hương quyến rũ ấy đến với mọi người. Và nhà thơ nhận ra, mùa thu đã về thật rồi. Màn sương không nỡ rời đi nhanh chóng mà như chậm lại để tận hưởng nốt những gì còn sót lại của mùa hạ. Đến câu thơ cuối của khổ thơ, Hữu Thỉnh thốt lên: "Hình như thu đã về", Từ "hình như" miêu tả sắc thái chắc chắn nhưng không hoàn toàn, nhà thơ mới cảm nhận được mùa thu đến bằng hương ổi, chứ chưa có một tín hiệu nào khác. Nhưng cái chợt thốt lên ấy cho thấy rằng tác giả đang rất ngạc nhiên, rất hồ hởi đón chào mùa thu đến.
Nếu như ở khổ thơ thứ nhất, ta mới chỉ thấy được cảm nhận của tác giả về mùa thu thông qua hương ổi thì sang đến khổ thơ thứ hai, mọi thứ đã dần rõ ràng hơn:
"Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu"
Nhà thơ quan sát những chuyển biến của thiên nhiên thật tinh tế, từng sự vật đều có sự thay đổi rất rõ ràng. Thu về, dòng sông không còn phải gồng mình lên, quằn quại với những cơn mưa lũ của mùa hạ, thày vào đó là một sự hưởng thụ, một sự chậm rãi như là rất thong dong, thỏng thả trôi đi.... Thôi nhìn về mặt đất, tác giả hướng tầm mắt của mình lên trời cao, chợt thấy những cánh chim đang bắt đầu bay nhanh hơn, phải chăng là chúng đang vội vã để đi về tổ, chuẩn bị cho mùa đông sắp tới? Câu thơ cuối là một hình ảnh nhân hóa thật đẹp "Vắt nửa mình sang thu". Đám mây từ một sự vật vô tri, vô giác trở nên có hồn hơn, nó đang ở lưng chừng của bầu trời, một nửa muốn níu kéo mùa hạ, nửa còn lại thì đã bước sang mùa thu dịu êm mất rồi. Ranh giới giữa mùa hạ và mùa thu không thể hiện rõ rệt, nhưng ta vẫn thấy được sự chuyển giao của tiết trời thông qua các sự vật được miêu tả. Có thể nói, nhà thơ Hữu Thỉnh đã cảm nhận được những tín hiệu của mùa thu bằng tất cả các giác quan của mình: thị giác, thính giác, xúc giác...
Sau khi vẽ ra bức tranh thiên nhiên giao mùa, nhà thơ gửi gắm vào ý thơ những suy ngẫm, những chiêm nghiệm của ông về cuộc đời:
"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi"
Những cơn mưa dông kéo đến bất chợt, xé ngang trời của mùa hạ cũng dần biến mất và nhường chỗ cho những ánh nắng không quá gay gắt của mùa thu. Hình ảnh: "Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi" là hình ảnh gợi ra những liên tưởng sâu xa. Sấm của tự nhiên sau nhiều giông bão đã không còn là nỗi e sợ của hàng cây. Bởi cây vốn đã quen với việc chịu đựng sự khắc nghiệt của tự nhiên. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho con người. Mùa thu của đời người không phải là lúc con người ta khỏe mạnh nhất, căng tràn nhất mà là lúc ta đã có được những kinh nghiệm, từng trải nhất. Khi bước đến ngưỡng tuổi đó, ắt hẳn chúng ta cũng không còn bị bất ngờ trước những tác động của ngoại cảnh mà có thể bình tĩnh đón nhận, giải quyết nó.
Bài thơ Sang thu đã miêu tả thành công bức tranh thiên nhiên từ hạ sang thu của đất nước ở thời điểm những mùa thu độc lập đầu tiên. Đó là một bức tranh thật đẹp, thật thi vị nhưng cũng gợi ra những suy ngẫm. Sau bao nhiêu biến cố, thăng trầm của đất nước, nhân dân ta cũng đã trải qua một chặng đường rất dài, dù tương lai có thế nào, họ vẫn sẽ sẵn sàng đón nhận. Bởi không có gì tồi tệ hơn việc chiến tranh đã xảy ra để chúng ta phải ngạc nhiên, sợ hãi.
Thông qua phần Cảm nhận của em về bài thơ Sang thu, Cunghocvui hi vọng đây sẽ là một tài liệu hữu ích dành cho các bạn. Chúc các bạn học tốt!