Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính chân thật và mộc mạc
Đề bài
Đề bài: Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính chân thật và mộc mạc như tình yêu của người bình dân trong ca dao. Hãy phân tích bài thơ "Tương tư" của ông để làm sáng tỏ điều đó.
Hướng dẫn giải
Trong khi hầu hết các nhà thơ mới theo nhận xét của Hoài Thanh "đều đội lên đầu dăm bảy nhà thơ Pháp" thì Nguyễn Bính đã tìm một lối đi riêng, trở vể với văn hoá dân gian, với những câu hát cửa đình, giậu mồng tơi, bến đò, cây đa, giếng nước... Ông đã trở thành "chủ soái" của trường phái "thơ mới dân gian" gồm Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân. Và cũng như các nhà thơ mới khác, thơ Nguyễn Bính có tiếng hát tình yêu, song không mãnh liệt, gấp gáp như tình yêu trong thơ Xuân Diệu, cũng không tang thương như thơ tình Hàn Mặc Tử. Tmh yêu trong thơ Nguyễn Bính chân thật và mộc mạc như tình yêu của người bình dân trong ca dao. Điều đó thể hiện rất rõ trong "Tương tứ" - bài thơ nổi tiếng của thi sĩ.
Tương tư là một trong bốn trạng thái tâm lí của nam nữ yêu nhau, nên bài thơ hiển nhiên nằm trong thi tứ quen thuộc của thơ ca muôn đời. Trong Kinh Thi, người Trung Quốc đã bảo nhau: "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề"(Một ngày không gặp nhau dài như ba năm). Như thế, cách đây hàng nghìn năm, người ta đã phát hiện triệu chứng nhớ nhau của bệnh tương tư. Trước khi Nguyễn Bính viết"Tương tứ" từ rất lâu ca dao ta đã có rất nhiều bài diễn tả trạng thái này như:
"Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt".
Đến Thơ mới khi mà tình cảm riêng tư của con người được giải phóng, mối tương tư cũng thành trăm hình vạn trạng. Nói như Lưu Trọng Lư: "Có cái tình say đắm, cái tình thoáng qua, cái tình trong giây lát..." và chúng đã hoá thành - "Tương tư chiều" của Xuân Diệu, "Hai sắc hoa Tigôn" của TTKH... - những bài thơ nổi tiếng một thời. Như vậy, trước Nguyễn Bính đã có những đỉnh cao, vượt qua không phải là dễ, song "Tương tứ" của ông không những sống mà còn sống mãi. Bài thơ là sự rung động rất tinh tế của thi sĩ; Thơ mới kết hợp nhuần nhuyễn với thơ ca dân tộc; chất dân gian được thể hiện trước hết ở sự lựa chọn nhân vật trữ tình. Đó là một chàng trai chân quê có cảm tình với một cô gái đồng nội. Có lẽ đôi bên mới gặp nhau đâu đó trong một buổi tát nước đêm trăng:
"Hôm qua trăng sáng mờ mờ,
Em đi tát nước tình cờ gặp anh".
Hay trong một dịp đi hát sân đình:
"Hỡi cô hát ống tối qua,
Đêm nay hát nữa cho ta hát cùng".
Nếu chàng cũng mạnh dạn "xăm xăm băng lối" thì có lẽ chả có chuyện, nhưng ở đây lại "Một người chín nhớ mười mong một người". Cái "tôi" trữ tình của chàng trai là cái "tôi" rất đa tình, nhưng không bạo dạn như trong thơ Xuân Diệu "phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần", mà nhút nhát như cái chất vốn có của những chàng trai quê:
"Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ người yếm thắm dải điều thắt lưng".
Chính cái "tôi" đa tình nhưng nhút nhát ấy đã dẫn đến một nghịch lí. Cái "tôi" được đặt trong tâm cảnh nhớ mong, xa xôi cách trở trong lúc không có một khoảng cách nào. Nguyễn Bính rất giỏi diễn tả sự xa cách nhớ thương, có khi đó chỉ là "một giậu mồng tơi" và lần này là cách một đầu đình:
"Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người".
"Thôn Đoài", "thôn Đông" là những từ ngữ chỉ địa danh làng xóm quen thuộc trong ca dao, dân ca, khác với những từ bóng bẩy của Thơ mới, nó được sử dụng như một hình ảnh ẩn dụ khiến cho bài thơ có dáng dấp đồng quê mộc mạc. "Một người chín nhớ mười mong một người", câu thơ chứa đựng một cấu trúc ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo. "Một người" đầu câu,"một người" ở cuối câu thơ, còn ở giữa là một thành ngữ dân gian "chín nhớ mười mong". Cấu trúc ấy khiến ta liên tưởng đến một bài ca:
"Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương.
Cùng uống nước sông Tương,
Thế mà cùng chẳng thấy".
Câu thơ của Nguyễn Bính gợi lên hình ảnh một người ở đầu này, một người ở đầu kia, song cái ngáng trở chính là sự nhút nhát, rụt rè chân quê. Chàng trai núp vào "thôn Đoài" như các chàng trai trong ca dao núp vào "mận" vào "đào". "Bây giờ mận mới hỏi đào. Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?". Song với cách nói bóng gió, chàng trai đã ngầm bày tỏ với cô gái nỗi nhớ nhung xa cách đang diễn ra trong lòng chàng và niềm ao ước hạnh phúc được gặp, được gần người mình yêu. "Thôn Đoài", "thôn Đông" là khoảng cách gần đủ để quen biết mà cũng đủ xa để nhớ thương. Qua đây, chàng trai đã ý nhị giới thiệu cô gái cũng chân quê như chàng, xứng đôi vừa lứa đủ để chàng bắc nhịp cầu "chín nhớ mười mong". Lời nói được hoán cải từ thành ngữ "chín nhớ mười thương" mà chàng trai dùng để bộc lộ nỗi riêng tư của mình, diễn tả sự xa cách trong tình yêu, yêu người nhưng không được gặp,"tình yêu chưa được đền đáp. Thậm chí người ta còn chưa biết mặt, nên sinh ra bệnh tương tư, bệnh nhớ. Cái nhớ của một người dành cho một người. Phải chăng đó là bi kịch trong tình yêu? Chàng trai đành thổ lộ lòng mình với người trong mộng, với cô gái trong tưởng tượng:
"Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy, chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau."
Cách đây 200 năm, Kim Trọng tương tư Thuý Kiều và bày tỏ tâm trạng nhớ thương "Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn". Còn lời của chàng trai trong bài thơ không phải là lời thể hiện thế giới nhớ nhung mà là lời than, lời kể lể và lạ lùng nhất là lời trách móc như những câu hỏi xoáy vào lòng người: Cớ sao? có xa xôi mấy? Bao giờ mới gặp? Điều ấy không hề thấy trong ca dao và trong văn chương bác học vì nó trái với quy luật. Từ xưa đến nay, trong chuyện tình cảm, người con trai thường phải đến với người con gái.
Đằng này cô gái trong bài thơ đâu biết có người yêu mình thế mà chàng lại than lại trách. Nhưng đấy chính là chỗ hay của bài thơ. Lời than của chàng trai bề-ngoài thì vô lí, nhưng đọc lên ai cũng cảm thông vì đó là sự thể hiện cái "tôi" nhút nhát, chân quê và tình cảm sâu đậm của chàng thay đổi qua không gian và thời gian mà rõ nhất là về không gian. Tất cả những gì thuộc về thế giới của người yêu đối với chàng đều rất gần gũi, gần gũi đến mức không còn khoảng cách.
"Hai thôn chung lại một làng"
Đúng là khi đang yêu, người ta muốn hoà nhập làm một. Tản Đà đã từng có câu: "Mình với ta tuy hai mà một — Ta với mình tuy một mà hai". Mong ước hoà nhập nhưng không thể vì vẫn còn "bên ấy", "bên này", vẫn còn ngăn cách. Chỉ cách nhau có một đầu đình mà không sang được thì đúng là không gian không xa mà tình ý lại xa. Tình cảm của chàng trai dành cho cô gái sậu đậm, nó còn được thể hiện qua thời gian:
"Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng"
Dường như chàng trai đang đếm từng ngày chầm chậm trôi qua; thời gian như kéo dài trong lòng người tương tư. Sự chờ đợi còn làm thay đổi cả hình cây với lá, cũng có nghĩa là sự chờ đợi đến héo hon của chàng trai qua nhiều ngày: "Tương tư thức mấy đêm rồi". Nhưng với cái lành mạnh, khoẻ khoắn của người Việt Nam, chàng trai hi vọng:
"Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa kheê các, bướm giang hồ gặp nhau?"
"Bến" và "đò" là những ẩn dụ quen thuộc trong ca dao, dân ca. Nguyễn Bính đã sử dụng chất liệu dân gian, tạo cho bài thơ âm hưởng ca dao mộc mạc, nhưng đổng thời mang tinh thần của Thơ mới qua hình ảnh "hoa khuê các", "bướm giang hồ". Lại vẫn là câu hỏi: "bao gỉờ?" nhưng nó cũng hàm chứa cả hi vọng, vì con đò có trôi nổi đến đâu, cuối cùng cũng sẽ quay về với bến và bông hoa kia dù có nở trong "khuê các" thì cũng không thể ngăn bướm giang hồ; Bài thơ kết thúc bằng một hình ảnh cô đọng "trầu- cau" và nỗi nhớ thương khôn nguôi:
"Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?"
Trong văn chương Việt Nam, trầu cau là biểu tượng cho tình yêu và hôn nhân. Bốn câu thơ là niềm mong ước trong sáng và chân thật của người đang yêu, chân thật như chính tình cảm mà chàng trai đã dành cho cô gái. Song ước mơ ấy cũng chỉ nằm trong mộng tưởng mà thôi. Từ nỗi nhớ của một người dành cho một người ở đầu bài, đến cuối bài đã thành vùng không gian này nhớ vùng không gian kia, mà là nỗi nhớ của trầu và cau - những sản vật không thể thiếu trong lễ cưới hỏi. Trong nỗi nhớ nhung tương tư ấy đã thắp lên ước mơ muôn thuở của tình yêu "Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông"...
Không ồn ào mà dịu êm, không dữ dội mà lặng lẽ, không mãnh liệt mà chân thành mộc mạc như tình yêu của người bình dân trong ca dao. Đó chính là tình yêu trong thơ Nguyễn Bính, sâu lắng mà không kém phần da diết, đã dệt nên khúc "Tương tứ" cho muôn đời:
"Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?"