Đăng ký

Suy nghĩ về ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân- văn mẫu hay

3,491 từ

SUY NGHĨ VỀ ÔNG HAI TRONG TRUYỆN NGẮN LÀNG

     Cùng CungHocVui tham khảo về bài văn mẫu suy nghĩ về ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân để từ đó hiểu hơn về tác phẩm cũng như tình yêu làng, yêu nước của ông đồng thời cũng là đại diện cho người dân trong thời kỳ kháng chiến.

   Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng

Mở bài suy nghĩ về ông Hai trong truyện ngắn Làng 

      Tình yêu quê hương đất nước từ lâu đã hiển hiện, chảy ngầm trong mạch máu, trong cuộc sống, trong hơi thở của người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Thời bình thì tình yêu ấy được cất gọn vào một ngách trong tim lặng lẽ mà yên bình, thế nhưng thời chiến thì tình yêu ấy lại sục sôi hơn bao giờ hết. Nó như một thứ vũ khí nhấc bổng nhuệ khí ta lên để đương đầu được với kẻ thù.

      Nhờ có tình yêu mãnh liệt ấy mà ta đã bao lần giành lại gấm vóc non sông từ tay kẻ thù và tình yêu đẹp đẽ ấy cũng đã đi vào trong trang sách, trường tồn với non sông. Anh hùng không chỉ là những người lãnh đạo tài ba, cầm quân ra trận mà còn là những người nông dân áo vải bình dị luôn mang một tình yêu thắm thiết với quê hương. Không thể không nhắc đến nhân vật Ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân.

Xem thêm:

Phân tích diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng Kim Lân

Dàn ý phân tích truyện ngắn làng

Thân bài suy nghĩ về ông Hai trong truyện ngắn Làng 

     Tình yêu quê hương của ông Hai được hiển hiện ngay từ đầu thiên truyện. Ông Hai cùng gia đình đi tản cư nhưng không vì thế mà quên đi nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Trái lại nó như một điều thiêng liêng, là niềm tự hào, là tự tôn mà ông luôn bảo vệ và sẵn sàng khoe với bất cứ ai về làng Chợ Dầu của ông.

     Ông khoe về cái làng Chợ Dầu của mình như một thứ quý giá nhất. Nhưng tuyệt nhiên không mang hàm ý khoe mẽ, tâng bốc. Ông yêu làng như sinh mệnh nên cũng muốn san sẻ cái tình yêu nồng thắm ấy cho bất kỳ ai mà mình bắt gặp.

     Nỗi nhớ làng luôn thường trực nên bất kì khi nào rỗi, ông lại vào phòng thông tin nghe đọc báo. Dù bản thân không thể biết được mặt chữ nhưng ông vẫn hay nghe “lỏm” về những chiến công ào ạt như mưa của quân dân ta “ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá”. Ông Hai như đại diện cho biết bao những người nông dân ngoài kia với những bản chất yêu làng bằng thứ tình cảm trong sáng nhất, nhất nhất ủng hộ Cách mạng.

     Thế nhưng lòng yêu nước, yêu làng của ông như bị ơn trên thử thách khi ông hay tin: Làng Chợ Dầu của ông theo giặc. Tin tức này như ai mạnh tay giáng một đòn vào lòng yêu và tình yêu to lớn của ông, làm ông chao đảo. Ông cứ gặng hỏi mãi người phụ nữ tản cư, hỏi đi hỏi mãi khiến cảm xúc bên trong ông cứ xếp chồng lên nhau rồi lại trở nên hỗn loạn. “Cổ ông lão nghẹn ẳng hẳn lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được, một lúc sau ông mới rặn è è nuốt cái gì  vướng ở cổ. Ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi”.

      Đó là khi ông vừa tự hào vì những chiến thắng oanh liệt, vẻ vang của bộ đội ta, những tin vui kháng chiến thì nghe những người tản cư nhắc đến tên làng, ông lắp bắp quay lại hỏi thì biết được tin dữ: “Cả làng Việt gian theo Tây”.

     Ông lão bàng hoàng, đau đớn vì lòng tin yêu đối với làng chưa bao giờ vơi, ông gặn hỏi thì nhận được sự khẳng định chắc chắn từ những người tản cư. Ông về trong sự đau đớn cũng sự nghi vực. Sau lưng ông, tiếng người phụ nữ cho con bú cứ văng vẳng: “ Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó, đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn thương, cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát”. 

Xem thêm:

Đóng vai ông Hai kể lại chuyện Làng

Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng chợ dầu theo giặc

      Không có vẻ hào hứng khi nhắc đến làng như mọi khi, ông Hai khi tin về nhà “nằm vật ra giường”, nhìn đàn con thơ nước mắt ông lại giàn ra: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?”. Tình yêu của ông càng mãnh liệt bao nhiêu, ông lại càng căm thù những kẻ lập tề theo Tây bán nước bấy nhiêu. Ông nắm chặt hai tay lại mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”.

      Ông điểm lại từng người trong bộ óc gần như mất đi lý trí, ông thấy ai cũng là những người có tinh thần kiên quyết đánh giặc, ông không tin rằng “có đời nào lại cam tâm làm cái điều nhục nhã ấy”. Suốt mấy ngày liền, cái dòng suy nghĩ ấy làm ông chẳng dám rời khỏi nhà. Ông đau đớn khi nghĩ đến việc “người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước”.

      Ông nơm nớp nghĩ người ta đang để ý, luôn bàn tán về cái chuyện làng mình. Nỗi day dứt ấy cứ chất chứa rồi trở nên bám rít, day dẳng, chất chứa trong lòng ông, ông sợ hãi, tủi hổ như chính bản thân là người làm việc phản quốc ấy, ông cứ nghĩ bản thân là một vết nhơ của làng Chợ Dầu.

     Hoàn cảnh của ông lại trở nên rối ren khi bà chủ nhà có ý đuổi cả gia đình ông với lý do không chứa người của làng Việt gian. Trong lúc bế tắc, ông thoáng có ý nghĩ muốn quay về làng nhưng lại gạt phắt ý định đó ngay bởi “Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ” và về làng cũng là “Cam chịu quay trở lại làm nô lệ cho thằng Tây”.

     Tình yêu nước, lòng tin về Cách mạng bấy giờ đã lấn át tình yêu làng Chợ Dầu của ông. Ông tin vào kháng chiến, tin vào tài chỉ huy của cụ Hồ. Ông đã dứt khoát mà nói rằng “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Tuy thế lòng ông vẫn cứ đau đáu hướng về làng Chợ Dầu, lòng ông lại càng xót xa, đau đớn hơn bao giờ hết. 

   Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng”

     Trong tâm trạng bế tắc, cùng đường, ông tìm đến lời an ủi của đứa con trai như một điểm tựa tinh thần duy nhất. Ông trút hết nỗi lòng với đứa con trai như để làm dịu đi những nỗi đau đớn trong lòng ông. Ông hỏi nó như tự hỏi chính bản thân mình: “Thế con nhà ở đâu” “Thế con ủng hộ ai”. Lời đứa con vang lên giản dị mà quá đỗi thiêng liêng “Nhà ta ở làng Chợ Dầu” “ Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm”.

      Giọng nói lảnh lót vừa cất lên cũng là cất lên hai điều thiêng liêng nhất luôn ngự trị trong trái tim ông: Cụ Hồ và làng Chợ Dầu. Những câu trả lời mà ông vốn đã biết rõ, nhưng vẫn muốn cùng đứa con khắc cốt ghi tâm. “Anh em đồng chí biết cho bố con ông, tấm lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai, chết thì chết có bao giờ dám đơn sai” – Điều ông mong chỉ đơn giản là thế và cũng là lời thế cốt tử của ông với Tổ quốc quê hương. 

     Tin đồn thất thiệt về làng Chợ Dầu được cải chính, ông Hai sung sướng như được sống lại. “Cái mặt buồn thỉu mỗi ngày bỗng dưng tươi vui rạng rỡ hẳn lên”. Ông đi đến đâu cũng lật đật khoe với mọi người mấy câu: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt sạch! Đốt nhẵn!” “Cái tin làng Chợ Dầu của tôi Việt gian theo Tây ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả” “Ông cứ múa tay lên mà khoe với mọi người”.

      Như dáng vẻ của một đứa con nít, dẫu nhà ông bị Tây đốt sạch nhưng đó minh chứng cho làng Chợ Dầu một lòng đi theo kháng chiến, tin yêu  vào đường lối Cách mạng của bộ đội ta. Ngôi nhà bị cháy lụi tàn nhưng danh dự, lòng anh dũng, kiên quyết bám đất bám làng của dân ta vẫn còn vẹn nguyên. Đó là niềm vui dẫu mất đi tất cả nhưng sẵn sàng một lòng yêu nước, hy sinh vì Cách mạng của những người nông dân chân chất, thật thà.

Xem thêm:

Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng

Truyện ngắn làng Kim Lân gợi cho em những suy nghĩ gì về chuyển biến trong tình cảm

Kết bài suy nghĩ về ông Hai trong truyện ngắn Làng 

     Sự miêu tả chân thật kết hợp miêu tả nội tâm nhân vật, ngôn ngữ độc thoại, đối thoại sâu sắc. Những cao trào trong cảm xúc của ông Hai cũng góp phần làm nên cho cốt truyện và không thể không nhắc đến sự am hiểu về  nội tâm người nông dân và cuộc sống đồng ruộng cũng là yếu tố tiên quyết cho thành công của truyện ngắn “Làng”. Yêu nước, gắn mình với kháng chiến, những đặc điểm tiêu biểu của người nông dân Việt Nam đều được kết tinh vào nhân vật ông Hai. Thông qua ông Hai, ta còn thấy được đằng sau đó là biết bao người nông dân lam lũ khác dẫu phải đánh đổi hết tài sản nhưng vẫn bằng lòng nguyện vì kháng chiến, vì quê hương.