Đăng ký

Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân

4,024 từ

Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân

“Làng” là một truyện ngắn nổi tiếng được sáng tác bởi Kim Lân. Tác phẩm đã thể hiện một cách sâu sắc tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với làng quê, với quê hương và đất nước. Mời thầy cô và các bạn học sinh cùng tham khảo bài văn mẫu cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Ngân để thấu hiểu thứ tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng trên.

Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng

Mở bài Cảm nhận về nhân vật ông Hai

Trong mỗi cuộc kháng chiến của dân tộc ta, lòng yêu nước cùng sự đoàn kết một lòng của nhân dân chính là thứ vũ khí mang sức mạnh to lớn, góp phần không nhỏ vào những chiến thắng vẻ vang ghi danh sử sách muôn đời. Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân chính là một trong những tác phẩm ca ngợi tinh thần cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn của người dân Việt. Cụ thể, những nét đẹp ấy sẽ được thể hiện qua nhân vật ông Hai - một người có tình cảm gắn bó sâu sắc với làng, với quê hương và đất nước.

Mở bài Cảm nhận về nhân vật ông Hai

Ông Hai - người nông dân với tình yêu làng đậm sâu

Làng đối với người dân Việt không chỉ là một đơn vị hành chính - địa lý, mà nó còn là tất cả cuộc sống xã hội của họ. Tại nơi đó lưu giữ mọi thứ gắn bó, đơn sơ nhất đi theo suốt cuộc đời mỗi con người. Làng vì thế mà chính là khái niệm đầu tiên của họ về hai chữ “quê hương”.

Nhưng trong “Làng” của Kim Lân, có thể thấy đó chỉ là một cái nền để làm nổi rõ phẩm chất của một nhân vật, một người yêu làng, gắn bó với làng, đó chính là ông Hai. Bởi trong câu chuyện chẳng có một chi tiết nào miêu tả cái làng Chợ Dầu ấy, mà người ta chỉ viết về cái làng Chợ Dầu thông qua lời kể của ông Hai, qua lời của những người dân tản cư, hay qua lời của bà chủ nhà… Trong truyện, nhiều nhất vẫn là những nỗi niềm mong nhớ của ông Hai, xuất phát từ tình yêu làng nồng nàn, thiết tha.

Xem thêm:

Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng

Truyện ngắn làng Kim Lân gợi cho em những suy nghĩ gì về chuyển biến trong tình cảm

Ông Hai là một người nông dân hay làm, chịu khó. Nhưng ông không phải là kiểu người hiền lành với tầm mắt và suy nghĩ suốt đời không vượt khỏi lũy tre làng. Ông Hai vui tính và có cái tinh khôn láu lỉnh của người nông dân hay đi đây đi đó. Ông có điểm rất buồn cười nhưng lại khiến người đọc cảm thấy đáng mến và dễ chịu, đó là khi ông đi nghe đọc báo một cách vô cùng khổ tâm nhưng lại không muốn ai biết mình đọc còn quá kém, là khi ông “hét thậm những anh cậy ta đây lắm chữ, đọc báo lại cứ đọc thầm một mình, không đọc thành tiếng cho người khác nghe nhờ mấy”.

Cả cảnh ông nghe anh dân quân mới biết đọc, đánh vần chữ nào thì đọc luôn chữ ấy cũng khiến cho không khí kháng chiến một thời như được tái hiện một cách rõ rệt. Ông thích thú khi được tham gia bàn các chuyện “quốc gia đại sự” một cách say sưa và hưng phấn, mặc dù ông cũng tự biết ông chỉ được học lỏm cả thôi, nhưng vẫn không ngừng sảng khoái, thích thú và tự hào.

Chỉ với vài nét phác thảo, Kim Lân đã giúp người đọc có thể hình dung được hình ảnh một ông Hai rất chân thực, rất sống động và cũng vô cùng gần gũi. Thông qua lời nói, cử chỉ, tính cách của ông Hai đã được bộc lộ một cách rõ nét, để rồi ta có thể tự cảm nhận được rằng, một người như ông Hai sao có thể chịu được cảnh tù túng trong gian nhà tản cư, phải chịu cảnh ăn nhờ ở đậu, phải sống trong ánh sáng chập chờn của đèn dầu, phải chịu đựng tiếng lầm bầm tính toán các món tiền nhỏ hằng ngày của vợ? Sự bí bách ấy khiến ông càng muốn đi tìm người nói chuyện.

Ông thích giao tiếp, ông thích sự hiểu biết, ông thích cả việc khoe làng, khoe mọi thứ hơn người mà làng ông sở hữu. Bởi vì làng cũng chính là ông, làng chính là những điều tốt đẹp nhất của ông. Đó là nhận thức chính trị tuy đơn giản nhưng lại dứt khoát và rạch ròi của một người nông dân: nếu như trước đây ông mải mê ca ngợi cái làng của viên Tổng đốc, thì đến khi ông thấy thù, thấy khổ vì nó, ông lại khoe ngược lại, khoe về thế giới của ông. Khi ông đi nghe tin tức về những ngày tổng khởi nghĩa, những ngày kháng chiến bùng nổ thì vẫn là cái làng ấy, nhưng giờ đây, cái làng ấy đã trở thành làng “của ta” - làng của ông và những người như ông.

Xem thêm:

Đóng vai ông Hai kể lại chuyện Làng

Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng chợ dầu theo giặc

Làng chính là niềm tự hào và ước vọng của ông

Trong lúc phải xa làng, phải sống một cuộc sống chật hẹp, tù túng, thì hình ảnh về ngôi làng trong suy nghĩ của ông càng trở nên đẹp đẽ. Những điều ông vẫn nói về làng giờ đã trở thành niềm tin, niềm tự hào và ước vọng của ông. Mỗi tối, ông đều nói về làng, có lúc ông như đang trách móc ông hàng xóm không nghe chuyện của ông, nhưng thực ra, ông nói cũng chỉ để thỏa nỗi nhớ và niềm ao ước cho chính mình.

Đặc biệt, việc tác giả miêu tả về mụ chủ nhà của ông Hai với những tích cách tương phản với ông Hai đã càng bộc lộ tính cách của ông. Ông Hai vốn dĩ là một người dễ tính, xởi lởi, nhưng ông cũng không thể chấp nhận được việc ở gần một người đàn bà xấu tính, tham lam tai ác ấy. Dường như chính nhân vật mụ chủ nhà đã làm nền cho phẩm chất cao đẹp của ông Hai tỏa sáng. Vì ghét mụ chủ nhà, ông ghét lây cả người chồng hiền lành của mụ vì anh ta không biết dạy vợ.

Làm sao ông Hai có thể bó mình mãi trong gian nhà chật hẹp, lại còn phải đối phó với người đàn bà quá quắt như thế? Vì thế, ông đã nghĩ có dịp là ông sẽ bỏ đi ngay, phó mặc mọi thứ lại cho con.

Làng còn là thứ gắn liền với đất nước, với cuộc kháng chiến chung của dân tộc

Giây phút ông Hai sung sướng nhất có lẽ chính là buổi trưa hôm ấy, khi ông đang bước trên con đường làng, mọi sự tù túng dường như đều đã tan biến, giờ ông đang lao vào thế giới của chính ông. Ông Hai đi nghe tin tức, rồi phấn khởi trước thắng lợi của dân tộc, ông vui đến mức “ruột gan ông cứ múa cả lên”.

Đúng lúc đang hân hoan vui sướng ấy, ông lại nghe phải tin sét đánh về ngôi làng của ông. Tin ấy nào phải làng ông bị đốt hay nhà cửa, ruộng đất, mồ mả ông cha bị mất, mà tin dữ nhất chính là cả làng mà ông vẫn thường mong nhớ đã Việt gian theo Tây. Thật đáng thương cho ông - người vui tính, hay chuyện, ngày ngày mong ngóng tin làng, lúc này lại phải xấu hổ “vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác” rồi “cúi gằm mặt đi thẳng”.

Khoảnh khắc ấy, ông lặng đi “tưởng như không thở được”. Cũng đúng thôi, một người yêu làng, tự hào về làng như ông làm sao tưởng tượng được nỗi đau nỗi nhục này? Đến lúc này, ông lại trăn trở về tình yêu làng trong ông. Cái làng ấy không chỉ là những cái đơn sơ gắn bó với cuộc đời mỗi con người như thôn ngõ xóm, ao làng giếng làng, đường gạch… mà nó còn là một cái gì đó lớn hơn, là danh dự, là một chỗ đứng và là cái lẽ làm người. “Cả cái nước Việt nam này, người ta ghê tởm thù hằn cái giống Việt gian bán nước”. Làng lúc bấy giờ đã gắn liền với đất nước, với cuộc kháng chiến chung của dân tộc trong ý thức của ông Hai.

Nhưng đó nào chỉ là suy nghĩ của riêng ông Hai, mà đó còn là nhận thức chung của người dân cả nước, từ người vùng tự do đến người trong vùng tạm chiến, từ người đàn bà tản cư đến mụ chủ nhà với cái lệnh dứt khoát “đuổi hết những người làng Chợ Dầu không cho ở nữa”. Đó chính là lòng căm thù của người dân ta trước những kẻ bán nước, nhưng cũng có phần hơi cực đoan lúc bấy giờ. Khi bị đuổi đi, ông Hai cũng nghĩ đến việc quay về làng, nhưng ông lại tự phản đối chính mình “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Đó chính là nỗi đau xót xa cùng những giằng xé trong nội tâm ông Hai.

Tình cảm lớn lao, sự xúc động mãnh liệt trong chi tiết ông Hai biết làng mình không phải Việt gian

Ông Hai chẳng còn biết tâm sự với ai, chỉ có thể trò chuyện cùng với đứa con út - như một cách ông tự thanh minh cho làng của mình. Khi nhận được tin làng ông không hề theo giặc, những tin tức kia chỉ đều là bịa đặt, ta có thể dễ dàng cảm nhận được ông đã vui sướng đến mức nào.

Có lẽ trên đời này chưa có ai đi khoe từ đầu làng đến cuối làng cái việc “Tây nó đốt nhà tôi rồi, đốt nhẵn” với giọng điệu và tâm trạng hả hê, sung sướng như ông. Có lẽ, sự cháy rụi của nhà ông chính là minh chứng cho sự hồi sinh của một ngôi làng - làng Chợ Dầu kháng chiến.

Ông nói lại trong niềm vui hồ hởi, trong sự phấn khích tột độ “Cái tin, cái tin làng chợ Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn sai sự mục đích cả”. Chi tiết này đã thể hiện tình cảm lớn lao, mãnh liệt của ông Hai đối với làng. Biết chuyện, ai cũng đều mừng cho ông, kể cả mụ chủ nhà tinh quái. Thái độ của mụ khiến cho ai cũng bất ngờ, nhưng đó cũng chính là thái độ của người dân Việt Nam sống trong không khí Cách mạng, đồng thời là sự đồng lòng, đoàn kết và tình yêu nước của toàn thể nhân dân trên cả nước.

Xem thêm:

Phân tích diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng Kim Lân

Dàn ý phân tích truyện ngắn làng

Kết bài cảm nhận nhân vật ông Hai

Có thể khẳng định rằng, linh hồn của truyện ngắn “Làng” chính là ông Hai. Kim Lân đã rất tài tình trong việc khắc họa nên hình ảnh một nhân vật với bức chân dung sống động, đẹp đậm đà bản sắc riêng của người nông dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến. Họ chỉ là những người nông dân hiền lành, có phần nhỏ bé, nhưng lại ấp ủ trong mình những phẩm chất tốt đẹp cùng lòng yêu nước nồng nàn. Chính họ sẽ góp sức mình vào cuộc kháng chiến chung của dân tộc.

Đó là bài văn mẫu cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân mà bạn có thể tham khảo. Đừng quên đọc thêm các bài văn mẫu khác tại Cunghocvui, bạn nhé!


 

shoppe