Đăng ký

Soạn văn lớp 9: Phân tích bài thơ về tiểu đội xe không kính hay nhất

2,345 từ Phân tích

Trong chương trình Ngữ văn 9, tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật là một tác phẩm quan trọng để các em ôn luyện thi vào lớp 10. Do đó, Cunghocvui.com mang đến bài Phân tích bài thơ về tiểu đội xe không kính ngữ văn 9. Mong rằng đây sẽ là một trong những bài phân tích bài thơ về tiểu đội xe không kính hay nhất dành cho bạn!

Phân tích bài thơ về tiểu đội xe không kính

Bài làm

   Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Phạm Tiến Duật là một nhà thơ được biết đến với những bài thơ mang phong cách trẻ trung, sôi nổi mà cũng hồn nhiên, sâu sắc. Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ này đã thể hiện lên phong cách cũng như giọng điệu văn chương của tác giả. Hình ảnh những người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn được khắc họa vô cùng lém lỉnh, chân thật trong bài thơ.

   Phạm Tiến Duật mở đầu bài thơ bằng một hình ảnh hết sức lạ thường. Đó là những chiếc xe không có kính:

"Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi"

Hình ảnh mở đầu bài thơ gây ấn tượng rất đậm nét trong lòng người đọc, đó là một chiếc xe không có kính. Nét độc đáo này có lẽ chỉ có con mắt của Phạm Tiến Duật mới có thể nhìn ra được. Giọng thơ hồn nhiên, mộc mạc cùng với lời giải thích của tác giả: "Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi". Thì ra, những chiếc xe không có kính ấy không phải tự nhiên mà có, chính những trận bom rơi đã làm cho phương tiện di chuyển của những người chiến sĩ trở nên không còn nguyên vẹn. 

Lái những chiếc xe không còn kính chống đỡ như vậy, nhưng người chiến sĩ vẫn thể hiện lên một tinh thần ung dung, ngang tàn:

"Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng"

Hai từ "ung dung" được đảo lên đầu câu cho thấy khí thế hiên ngang, làm chủ được tay lái của người chiến sĩ. Các anh luôn trong một tư thế sẵn sàng, dù không còn kính chống đỡ nhưng bất cứ một khó khăn nào xảy đến cũng không làm cho họ lo sợ, sợ hãi. Trong cuộc hành trình gian nan ở mảnh đất Trường Sơn ấy, những người lính lái xe còn nhìn thấy:

"Nhìn thấy gió xoa vào mắt đắng

Thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái"

Ở ý thơ này, ta nhận ra thêm một điều khác lạ, một điều tưởng chừng như vô lí nhưng lại hết sức hợp lí: "Nhìn thấy gió". Không còn những chiếc kính chắn gió, người chiến sĩ cảm nhận được những sự vật một cách chân thực hơn bao giờ hết. Nhà thơ nhìn thấy sao trời, thấy những cánh chim như đang sa vào buồng lái. Động từ "sa", "ùa" cho thấy sự nhanh chóng, đột ngột của những sự vật khi tiếp cận với chiếc xe của người lính.

   Nếu hai khổ thơ đầu, nhà thơ nhìn thấy hình ảnh chiếc xe với những nét đẹp, nét độc đáo thì ở hai khổ thơ tiếp theo, tác giả đưa người đọc khám phá những khó khăn của người lính:

"Không có kính ừ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

 

Không có kính ừ thì ướt áo

Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời

Chưa cần thay lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi"

Nét riêng trong thơ của Phạm Tiến Duật có lẽ là việc nhìn những sự vật, con người với con mắt lạc quan, hóm hỉnh. Dù thực tế có khắc nghiệt, tàn nhẫn đến bao nhiêu, song ở thơ của Phạm Tiến Duật, ta vẫn thấy được những nét đẹp và tinh thần lạc quan của người lính nhiều bấy nhiêu. Trong suốt những ngày tháng gian nan cầm súng chiến đấu, người lính phải đối mặt với một loạt những khó khăn: bụi làm cho bạc trắng cả đầu, những cơn mưa xối xả làm ướt hết quần áo. Nếu như những hạt bụi làm cho mặt người chiến sĩ trở nên lấm lem, bụi bẩn thì họ lại có thể nhìn vào đó mà trêu đùa nhau, tạo nên những khoảnh khắc vui vẻ trong đời lính. Còn những cơn mưa của bầu trời kia, dù có đến đột ngột, làm ướt áo của người chiến sĩ thì họ vẫn cứ hồn nhiên tiếp tục hành trình, bởi: "Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi". 

   Cũng như bao nhà thơ bước ra từ chiến trường khác, Phạm Tiến Duật nhìn thấy từ trong khó khăn là tình đồng đội, đồng chí của người lính:

"Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới

Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi"

Những chiếc xe không có kính từ trong mưa bom, bão đạn trên mọi ngả đường đã tụ họp về đây, cùng bắt tay nhau qua những chiếc cửa kính vỡ, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, lướt qua nhau nhưng ta vẫn thấy được tình cảm thắm thiết của các anh chiến sĩ. 

   Khổ thơ cuối cùng của bài thơ vẫn là tinh thần lạc quan, hóm hỉnh của người lính nhưng lại thể hiện lên cả tình yêu nước của các anh:

"Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim"

Điệp từ "Không" được lặp lại đến ba lần, ngụ ý nhấn mạnh thêm sự thiếu thốn, vất vả của những người chiến sĩ. Nhưng đối lập với những khó khăn, thiếu thốn ấy là một sự đủ đầy trong tâm hồn các anh. Với họ, chỉ cần có một trái tim là đủ, mọi khó khăn lúc này không còn quan trọng nữa. Trái tim của các anh là một trái tim mang theo bao nhiệt huyết của tuổi trẻ, bao tình yêu quê hương, đất nước và đặc biệt là quyết tâm đánh bại kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

   Toàn bộ bài thơ với giọng điệu hóm hỉnh, lạc quan, yêu đời, ta thấy được chân dung của những người lính lái xe một cách chân thực nhưng cũng không kém phần thú vị. Họ là những con người vô cùng quả cảm, anh dũng, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách vì Tổ quốc thân yêu. Qua đó, bài thơ gieo vào lòng ta thêm tình yêu quê hương, đất nước và sự cảm mến trước tình đồng đội, đồng chí của những người chiến sĩ trong chiến tranh.

Với bài phân tích bài thơ về tiểu đội xe không kính , Cunghocvui.com chúc các bạn học tập tốt, đạt được kết quả cao!

 

 

shoppe