Soạn bài Thuốc
1. Ý nghĩa của hình tượng chiếc bánh bao tẩm máu người mang ý nghĩa gì?
Nghĩa thực: là một phương thuốc chữa bệnh => độc hại, gợi liên tưởng đến việc người ăn thịt người.
Hình tượng chiếc bánh bao tẩm máu người để chữa bệnh lao có ý nghĩa tượng trưng cho tình trạng mê muội lạc hậu của nhân dân Trung Quốc trong xã hội thời cũ
2. Hình tượng người cách mạng Hạ Du hiện lên như thế nào? Qua cuộc bàn luận trong quán trà về Hạ Du,Lỗ tấn muốn nói lên điều gì?
Những người trong quán trà của lão Hoa từ việc bàn về công hiệu của chiếc bánh bao tẩm máu Hạ Du đã chuyển sang bàn về bản thân nhân vật Hạ Du. Qua những lời bàn luận này người đọc có thể thấy Hạ Du là một chiến sĩ tiên phong bất khuất, dũng cảm có mục tiêu chính trị là lật đổ nền thống trị Mãn Thanh.- Thế nhưng chẳng một ai hiểu được ý nghĩa cao đẹp lớn lao của việc làm đó, họ đả kích và chế giễu Hạ Du. Họ gọi Hạ Du là “nhãi con”, là “thằng khốn nạn”, “thằng quỷ sứ”. Họ cho Hạ Du là “đáng thương hại”, là “điên”...
Qua cuộc bàn luận này ,Lỗ Tấn muốn nói lên bộ mặt lạc hậu nhất là lạc hậu về mặt chính trị của dân chúng Trung Quốc đương thời và lòng yêu nước của chiến sĩ cách mạng Hạ Du.
3. Không gian nghệ thuật của truyện là tù hãm, ẩm mốc, bế tắc, nhưng thời gian thì có tiến triển. Từ mùa thu "trảm quyết" đến mùa xuân "thanh minh" đã thể hiện mạch suy tư lạc quan của tác giả. Tìm hiểu ý nghĩa của chi tiết vòng hoa trên mộ Hạ Du.
Theo nhà văn Nguyễn Tuân, truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn đó là câu chuyện của một số người tìm thuốc, bán thuốc và uống thuốc thật dung dị đơn sơ như một bức tranh thủy mặc Trung Hoa... Không gian nghệ thuật của truyện bao gồm một quán trà nghèo nàn, một pháp trường vắng vẻ, một bãi tha ma mộ dày khít với một con đường mòn hư ảo. Nhìn chung, có thể nói không gian nghệ thuật của tác phẩm là tù hãm bế tắc. Không gian nghệ thuật ấy không hề gợi lên vẻ bao la kì lạ như Tam quốc, Thủy Hử, hay li kì huyền ảo như Tây Du Kí, ghê rợn và ma mị như Liêu trai chí dị mà tỉnh tuồng hiện thực trầm lắng, tĩnh lặng mà u uất nỗi niềm. Thế nhưng thời gian nghệ thuật thì có tiến triển.
Chuyện diễn ra trong ba buổi sớm vào hai mùa khác nhau. Hai cảnh đầu xảy ra vào mùa thu. Cảnh sau xảy ra vào mùa xuân đúng vào ngày tiết Thanh Minh. Theo quan niệm của nhiều người Trung Hoa, mùa thu là khoảng xế chiều của một năm cũng là sự thu xếp, thu vén để mà kết thúc. Trong mùa này, lá úa vàng rơi rụng để cây tích tụ nhựa sống dành cho một mùa xuân đầy hi vọng sẽ tới. Tương tự như thế, cái chết của hai người Hạ Du và Thuyên đều vì sự ngu muội của xã hội cũng chẳng khác chi hai chiếc lá lìa cành để tích nhựa cho mùa xuân nhất định sẽ tới. Cái chết của họ cũng có thể hiểu là sự gieo hạt ươm inầm, trả giá cho một sự giác ngộ. Đến mùa xuân đúng tiết Thanh Minh, hai bà mẹ cùng chung nỗi đau mất con đã gặp gỡ nhau nơi nghĩa địa. Hai bà đã vượt qua con đường mòn cố hữu. “Con đường do con người giẫm mãi mà thành để thăm nhau và bắt đầu thông cảm nhau”.
Hình ảnh vòng hoa hoa trắng hoa hồng xen lẫn nhau nằm khoanh trên nấm mộ khum khum của Hạ Du đặc biệt có ý nghĩa quan trọng chẳng khác chi hình ảnh con đường cuối tác phẩm Cố hương. Lúc bấy giờ, không phải không có những người âm thầm lén đến đặt hoa trên mộ liệt sĩ. Nên nhớ là khi triều đình Mãn Thanh giết chết các chiến sĩ cách mạng đương thời như Thu Cận, Từ Tích Lâm thì ở một số nơi như ở Nhật Bản các lưu học sinh Trung Quốc đã họp đồng hương lại, điếu liệt sĩ, chửi Mãn Thanh, sau đó có người đã điện về tố cáo chính phủ Mãn Thanh vô nhân đạo (Lỗ Tấn, Anh Phạm Ái Nông).
Với hình tượng vòng hoa, Lỗ Tấn hi vọng và tin tưởng là những hành động rải rác đây đó như vừa nói sẽ trở thành phổ biến, ông hiểu rõ làm cách mạng thì hi sinh là điều đương nhiên thôi song khi nhân dân, cả dân tộc đều thấu hiểu ý nghĩa của sự hi sinh ấy thì cái “chết” của các bậc tiên liệt sĩ là vị thuốc thần duy nhất đem lại cái “sống” cho người sau (Lỗ Tấn-Chỗ chết).