Soạn bài Thao tác lập luận bác bỏ
1. Đọc hai đoạn trích (trang 26, 27 SGK Ngữ văn 11 tập 2) và trả lời các câu hỏi.
Câu hỏi
- Chỉ ra ý kiến, quan điểm mà Nguyễn Dữ và Nguyễn Đình Thi đã bác bỏ ở hai đoạn trích trên.
- Cách bác bỏ và giọng văn của hai tác giả có những nét gì khác nhau?
- Anh (chị) rút ra được những bài học gì về cách bác bỏ?
Trả lời:
Trong đoạn văn trích từ Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ đã bác bỏ một luận cứ sai lệch (cứng quá thì gãy). Để bác bỏ điều này, tác giả đã đưa ra lí lẽ (Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm?) và dẫn chứng (là hành động đốt cháy đền tà, chống lại yêu ma của Tử Văn) để khẳng định chân lí rằng "kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi". Giọng văn của Nguyễn Dữ trong đoạn trích dứt khoát, chắc nịch và thuyết phục.
Trong đoạn văn trích từ bài Mấy ỷ nghĩ về thơ, Nguyễn Đình Thi đã bác bỏ luận điểm sai lầm cho "thơ là những lời đẹp", "thơ là những đề tài đẹp". Để bác bỏ luận điểm này, tác giả đã dẫn ra những dẫn chứng giàu sức thuyết phục: Thơ Hồ Xuân Hương được viết nên từ những ngôn từ hết sức tầm thường, thơ Bô-đơ-le có những đề tài về "xác chó chết đầy dòi bọ",... Khác với Nguyễn Dữ, giọng văn của Nguyễn Đình Thi trong đoạn trích nhẹ nhàng, tế nhị mà vẫn sâu sắc và cũng đầy thuyết phục.
2. Trong lớp có bạn cho rằng: Không kết bạn với những người học yếu. Anh (chị) hãy bác bỏ quan niệm đó.
Trả lời:
Để bác bỏ quan niệm sai lầm: "Không kết bạn với những người học yếu"
- Có thể dùng các thao tác: Truy tìm nguyên nhân, phân tích tác hại của quan niệm sai,... Để bác bỏ, sau đó nêu một số suy nghĩ và hành động đúng,...
- Nên dùng giọng văn nhẹ nhàng, tế nhị, tránh đao to, búa lớn,.. Để thuyết phục người bạn có quan niệm sai lầm đó.