Soạn bài: Lai tân
- Lai Tân là tên một địa danh nơi mà Bác đã trải qua trên con đường từ Thiên Giang đến Liễu Châu thuộc tỉnh Quảng Tây.
- Bài thơ mang tên địa danh này là bài thứ 97 trong số 134 bài thơ của tập Nhật kí trong tù, nó cho thấy hiện trạng đen tối, thối nát của một xã hội tưởng là yên ấm, tốt lành.
Câu 1 (trang 45 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Trong ba câu đầu, Hồ Chí Minh vẽ lên ba bộ mặt thật của bộ máy quan lại ở Lai Tân:
- Lão giám ngục (ban trưởng nhà lao) đánh bạc ngày này qua ngày khác.
- Viên cảnh sát trưởng: ăn tiền của phạm nhân.
- Quan huyện: chong đèn hút thuốc phiện.
=> Cả ba người trên đại diện cho pháp luật, bảo vệ công lí nhưng hành vi lại phi pháp. Nhà tù là nơi cải hóa người xấu thành người tốt nhưng với những kẻ cai quản như vật thì không thể làm cho xã hội “thái bình” được.
Câu 2 (trang 45 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Câu thơ cuối là một lời châm biếm, mỉa mai rất sắc sảo. Ba tiếng Thái bình thiên (vẫn thái bình) hạ một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Giọng điệu dửng dưng, nhưng hiệu quả châm biếm thâm thúy, sâu sắc. Cảnh thái bình giả tạo, một xã hội suy đồi đã tồn tại rất lâu ở đất nước này.
=> Bức tranh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc mục nát với lũ quan lại tham nhũng, quan liêu.
Câu 3 (trang 45 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Bài thơ có kết cấu đặc biệt; ba câu đầu chỉ đơn thuần kể. Điểm nút của cả bài chính là ở câu thứ tư. Nó làm bật ra toàn bộ tư tưởng của bài.
Bài thơ in đậm bút pháp chấm phá của thơ Đường, lời thơ ngắn gọn, súc tích.