Đăng ký

Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích hay nhất - Ngữ văn 9 tập 1

1,765 từ Soạn bài

Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích đã nói lên hoàn cảnh đơn côi, cô độc và tâm trạng buồn tủi của Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Đây là một đoạn trích có giá trị nghệ thuật cao khi miêu tả thiên nhiên hết sức tinh tế cùng với nghệ thuật điệp ngữ, điền cố.... tài ba của Nguyễn Du. Để nắm được nội dung đoạn trích này, Cunghocvui xin gửi đến các bạn phần Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích đầy đủ nhất ngay sau đây!

Vị trí đoạn trích:

- Đoạn trích nằm ở phần 2 của Truyện Kiều: Gia biến và lưu lạc

- Sau khi Kiều biết mình bị Tú bà lừa vào lầu xanh, Kiều định tự vẫn. Tú Bà khi ấy đã lừa Kiều rằng sẽ tìm cho nàng một người tử tế nhưng lại giam lỏng Kiều ở lầu Ngưng Bích, đợi thời cơ thực hiện một âm mưu khác.

Kiều ở lầu Ngưng Bích

Xem thêm Dàn ý phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích

Bố cục:

   Đoạn trích có thể được chia làm 3 phần như sau:

Phần 1: 6 câu thơ đầu

Nội dung: Khung cảnh thiên nhiên trơ trọi, mênh mang nơi lầu Ngưng Bích

Phần 2: 8 câu thơ tiếp theo

Nội dung: Nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu của Kiều khi một thân một mình, không ai nương tựa

Phần 3: 8 câu thơ cuối

Nội dung: Tâm trạng buồn tủi, cô đơn, tuyệt vọng của Kiều

Câu 1 (Trang 95 SGK Ngữ văn 9 tập 1)

   Khung cảnh thiên nhiên nơi lầu Ngưng Bích:

- "Vẻ non xa" - "tấm trăng gần", Kiều chỉ có vầng trăng bầu bạn

- "Bốn bề bát ngát xa trông" không gian mênh mông, rợn ngợp, không một bóng người

- "Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia": dù ở rất gần nhưng vẫn không chạm tới được, Kiều vẫn chỉ đơn độc một mình

Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều là từ sáng sớm đến đêm khuya, thời gian cứ quay vòng từ ngày này sang ngày khác.

Qua khung bức tranh thiên nhiên nơi lầu Ngưng Bích, ta có thể thấy Kiều đang phải cô đơn một mình, nàng bị giam lỏng mà không biết bao giờ mới được thả ra. Cảnh vật buồn và mênh mang như số phận của nhân vật này.

Câu 2 (Trang 95 SGK Ngữ văn 9 tập 1)

   Nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ người yêu được thể hiện qua 8 câu thơ tiếp theo:

- Hy sinh tình yêu cá nhân để làm tròn bổn phận của một người con, Kiều cảm thấy day dứt, có lỗi với Kim Trọng nên nàng đã nghĩ tới Kim Trọng trước tiên. Như vậy là hợp lí, bởi với cha mẹ, nàng đã gặp trước lúc đi xa, vì đã bán thân chuộc cha nên cũng đỡ lo hơn. Còn đối với Kim Trọng, người nàng thương, trong khi chàng chưa biết tin gì về gia đình Kiều. Đặc biệt, nàng day dứt, đau đớn, cảm thấy tội lỗi khi không giữ được lời thề nguyền với Kim Trọng.

- Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh: nhiều hình ảnh ước lệ như: chén đồng, tin sương, tấm son, quạt nồng ấp lạnh, sân lai, gốc tử,… Và việc dùng từ ngữ đã góp phần thể hiện tâm trạng đau đớn, day dứt với Kim Trọng cũng như thể hiện nỗi xót xa, lo lắng cho cha mẹ ở quê nhà.

- Qua nỗi nhớ thương của Thúy Kiều, em thấy Kiều là một người con hiếu thảo với cha mẹ, một người tình chung thủy. Kiều luôn biết nghĩ cho người khác mặc dù mình cũng đang trong cảnh cô đơn, mất tự do.

Câu 3 (Trang 96 SGK Ngữ văn 9 tập 1)

  Thiên nhiên đượm buồn qua cái nhìn và tâm trạng của người con gái đa sầu, đa cảm:

- Cảnh vật được miêu tả trong 8 câu thơ cuối không phải là cảnh thực mà nó được nhìn bởi tâm trạng u uất, u sầu của Thúy Kiều

- Mỗi cảnh vật đều có nét riêng, đồng thời lại có nét chung để diễn tả tâm trạng Kiều:

+ Cánh buồm nhỏ xa xăm, vô định giống như thân phận của Kiều, cuộc đời mất tự do, mất phương hướng.

+ Hình ảnh cánh hoa bị vùi dập cũng giống như số kiếp bi đát của Kiều.

+ Nội cỏ rầu rầu một màu đơn điệu như màu sắc cuộc đời của nàng, cũng rất tẻ nhạt, vô vị.

+ Gió cuốn, sóng ầm ầm cũng chính là những sóng gió ập đến trong cuộc đời mà Kiều phải trải qua.

- Cách dùng điệp ngữ trong 8 câu thơ cuối:

+ Điệp ngữ “Buồn trông” được lặp lại tới 4 lần và đều nằm ở vị trí đầu những câu lục và càng tạo âm hưởng trầm buồn cho câu thơ.

+ Kết cấu trùng điệp, như những gợn sóng đang dâng lên trong lòng Kiều

+ Kết hợp với đó là cái nhìn từ xa đến gần, càng thu vào trong tâm tư của Kiều nỗi cô đơn, tâm trạng sầu nhớ cùng với nỗi lo sợ về tương lai phía trước.

+ Kiều như cảm thấy đỉnh điểm của sự cô đơn, nỗi buồn cứ thế kéo dài, cứ dồn dập, trực chờ dâng lên trong lòng Kiều

Thông qua phần Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, Cunghocvui hy vọng đây sẽ là một tài liệu hữu ích dành cho các bạn. Chúc các bạn học tốt!

 

 

 

shoppe