Soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Nguyễn Dữ người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, hiện chưa rõ ông sinh và mất năm nào. Ông là con trai cả của Nguyễn Tường Phiêu, người đỗ tiến sĩ năm 1496.
Thi đỗ hương tiến và ra làm quan ở huyện Thanh Tuyền chưa được một năm thì ông từ quan về phụng dưỡng mẹ già. Với Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ được xem như một tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam trung đại nói chung, văn xuôi tự sự chữ Hán Việt Nam nói riêng.
2. Chuyện chức hán sự đền Tản Viên, cũng như các truyện khác của Truyền kì mạn lục, thuộc thể loại truyền kì. Truyền kì là thể văn xuôi tự sự có nguồn gốc từ Trung Hoa, dùng yếu tố kì ảo làm phương thức nghệ thuật để phản ánh cuộc sống. Ở Việt Nam thời trung đại, thể loại này rất được ưa chuộng. Truyện truyền kì Việt Nam thường sử dụng truyện dân gian hoặc các mô-típ truyện dân gian để xây dựng thành truyện mới. Truyện truyền kì Việt Nam mang đậm chất yếu tố hiện thực và chất nhân văn.
3. Tóm tắt truyện
Ngô Tử Văn vốn là người khảng khái, cương trực. Tức giận vì tiếng là đền làng linh ứng, nhưng tên giặc tử trận ở gần đền lại biến thành yêu quái trong dân gian, Tử Văn đã đốt đền. Đốt đền xong, về nhà, Tử Văn thấy người khó chịu, rồi lên cơn sốt. Trong cơn sốt, Tử Văn thấy một người cao lớn khôi ngô, đầu đội mũ trụ tự xưng là cư sĩ đến đòi làm trả lại ngôi đền như cũ. Tử Văn vẫn thản nhiên. Người kia tức giận dọa sẽ kiện Tử Văn ở toà cõi âm. Chiều tối, lại có một ông già phong độ nhàn nhã đến tỏ lời mừng, hỏi ra mới biết đó là Thổ công bị viên tướng bại trận giả làm cư sĩ kia tranh chiếm mất đền. Ông già dặn rằng nếu âm phủ có tra hỏi thì cứ khai ra những lời ông nói, nếu tên kia chối thì cứ đến mà xác minh. Đến đêm, Tử Văn bị hai tên quỷ sứ đến bắt đi. Đến âm phủ, người canh cổng truyền rằng Tử Văn tội sâu ác nặng không được khoan giảm. Tử Văn kêu oan và được dẫn vào gặp Diêm Vương. Tử Văn tâu trình đầu đuôi như lời Thổ công đã nói và tranh cãi mãi với người đội mũ trụ, không phân phải trái. Diêm Vương sinh nghi, người đội mũ trụ định lảng chuyện, sợ bị lộ ra sự thực. Diêm Vương sai người đến đền Tản Viên để lấy chứng thực thì thấy đúng như lời Tử Văn nói. Kẻ kia bị đẩy vào địa ngục tầng thứ chín. Tử Văn về đến nhà thì mới biết mình đã chết được hai ngày. Ngôi mộ của tên tướng giặc bị bật tung lên, hài cốt tan tành. Sau đó một tháng, Thổ công tiến cử Tử Văn giữ chức phán sự ở đền Tản Viên. Tử Văn nhận lời, rồi không bệnh mà mất. Sau đó, có người thấy Tử Văn trên xe ngựa cưỡi gió. Người ta truyền rằng đó là “nhà quan phán sự !”.
4. Nguyễn Dữ quan tâm phản ánh, phê phán, tố cáo hiện thực xã hội, thể hiện khát vọng chân chính của con người với tinh thần nhân văn cao đẹp. Bằng một nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, với những yếu tố kì ảo mang nội dung hiện thực sâu sắc, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên thể hiện nổi bật gương người cương trực, can đảm, mạnh mẽ đấu tranh chống lại gian tà, loại trừ cái ác, đòi công lí, công bằng.
II. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Theo anh (chị) việc làm của nhân vật Ngô Tử Văn có ý nghĩa gì?
a. Thể hiện quan điểm và thái độ của người trí thức muốn đả phá sự mê tín thần linh của quần chúng bình dân.
b. Thể hiện sự khảng khái, chính trực và dũng cảm muốn vì dân trừ hại.
c. Thể hiện tính hiếu thắng của người trẻ tuổi.
d. Thể hiện tinh thần dân tộc, mạnh mẽ qua việc diệt trừ tên giặc xâm lược hung bạo, bảo vệ Thổ thần nước Việt, người từng có công giúp Lý Nam Đế chống ngoại xâm.
e. Ý kiến khác.
Giải thích nguyên nhân sự lựa chọn của anh (chị).
Trả lời:
Việc làm của Ngô Tử Văn là đốt đền, vạch tội hồn tên tướng giặc trước Diêm Vương. Hành động của Tử Văn xuất hiện từ ý thức rõ ràng: 'Thấy sự gian tà thì không chịu được" chứ không phải việc làm động chạm thần linh. Qua lời giới thiệu về Tử Văn và nguyên nhân đốt đền của chàng, ta thấy Tử Văn là con người "khảng khái", "nóng nảy" và "cương trực”. Tử Văn là người coi trọng công lí, bất bình trước cái xấu, cái ác lộng hành làm mưa làm gió.
Cuộc đấu tranh giữa Ngô Tử Văn với hồn tên tướng giặc họ Thôi là cuộc đấu tranh giữa hai thế lực: công lí, chính nghĩa và phi nghĩa, gian tà. Cuộc đấu tranh giữa hai thế lực này có ý nghĩa hiện thực cụ thể và ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, một mặt lên án giặc ngoại xâm, tố cáo sự cấu kết của thần quyền, mặt khác phản ánh hiện thực xã hội với cái nhìn tin tưởng vào chính nghĩa thắng gian tà.
Câu trả lời tốt nhất ở đây là câu (e). Ý kiến khác ở đây cần bao gồm cả ý (ba) và ý (d) (có thể thêm những ý kiến mang tính phát hiện sáng tạo). Hành động của Tử Văn vừa thể hiện sự khảng khái, chính trực và dũng cảm vì dân trừ hại (b), vừa thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ qua việc diệt trừ hồn tên giặc xâm lược hung bạo, bảo vệ thổ thần nước Việt (d). Câu trả lời (a) chỉ đúng một phần rất nhỏ vì Ngô Tử Văn có đả phá nhưng là đả phá sự ngu tín vào những thần ác, thần bất chính chứ không đả phá tập tục thờ cúng thần linh nói chung. Câu trả lời (c) hoàn toàn là sai vì Ngô Tử Văn không đốt đền một cách vô cớ, hơn nữa trước khi đốt, Tử Văn "tắm gội sạch sẽ, khấn trời'' rồi mới "châm lửa đốt đền". Hành động đó của Tử Văn chứng tỏ chàng đã suy xét rất kĩ lưỡng chứ đâu phải hành động của người tuổi trẻ hiếu thắng.
2. Theo anh (chị) chi tiết Diêm Vương xử kiện ở âm phủ thể hiện điều gì?
a. Thể hiện niềm tin của người thời trung đại: bên cạnh cõi trần còn có một thế giới khác là âm phủ, nơi con người sau khi chết sẽ phải đến để nhận sự phán xét, thưởng phạt về những việc làm của mình khi còn sống.
b. Thể hiện khát vọng công lí chưa thực hiện được trong cuộc sống trần thế của người xưa.
c. Nhằm đẩy kịch tính của truyện đến cao trào để nhân vật chính - Ngô Tử Văn - có dịp bộc lộ bản lĩnh, khí phách của mình.
d. Có ý nghĩa khuyên răn, giáo dục con người nên sống và hành động thế nào cho đúng đắn, hợp lẽ phải, tránh làm điều ác.
e. Ý kiến khác
Trả lời:
Giải thích lí do sự lựa chọn của anh (chị).
Việc xử kiện ở âm phủ là do hồn tên tướng giặc Bách Hộ họ Thôi kiện Ngô Tử Văn đốt đền. Hồn tên tướng giặc đã giả mạo Thổ Thần, làm hại dân, qua mặt cả Diêm Vương. Sở dĩ Diêm Vương không hay biết là vì các vị thần ở những đền miếu lân cận ăn của đút nên bao che cho kẻ ác, vì các phán quan của Diêm Vương chưa làm hết trách nhiệm của mình, quan liêu, không theo sát thực tế.
Chi tiết Diêm Vương xử kiện ở âm phủ là chi tiết vô cùng cần thiết nhằm đẩy kịch tính của truyện đến cao trào để nhân vật bộc lộ rõ tính cách, phẩm chất đồng thời khắc sâu chủ đề của truyện. Chi tiết này thể hiện khát vọng của người xưa vẻ công lí chưa thể hiện được nơi trẩn thế còn đầy rẫy bất công và tội ác. Con người thời trung đại còn tin rằng bên cạnh cõi trần còn có một thế giới khác là âm phủ, nơi con người sau khi chết sẽ phải đến để nhận sự phán xét, thưởng phạt về những việc làm của mình khi còn sống. Điều đó có ý nghĩa khuyên răn, giáo dục con người nên sống và hành động thế nào cho đúng đắn, hợp lẽ phải, tránh làm điều ác để không bị trừng phạt.
Học sinh phải chọn ý (e) để trình bày ý kiến của mình. Ý kiến trình bày phải bao gồm được tất cả các ý (a, b, c, d).
3. Chi tiết Ngô Tử Văn được nhậm chức phán sự ở đền Tản Viên có ý nghĩa gì?
Trả lời:
Chức phán sự là một chức quan xem xét về các vụ kiện tụng, giúp việc cho người xử án. Đây là chức quan thực hiện công lí. Ngô Tử Văn sở dĩ được Thổ thần tiến cử nhận chức này vì chàng đã giúp Thổ thần đòi lại công lí, chàng dũng cảm bảo vệ công lí, chính nghĩa ngay cả khi cái chết đe dọa. Việc nhận chức phán sự đền Tản Viên của Ngô Tử Văn chính là một hình thức thưởng công xứng đáng có ý nghĩa noi gương cho đời sau, khích lệ mọi người dũng cảm đấu tranh chống cái ác, bảo vệ công lí. Hình ảnh Ngô Tử Văn oai phong lẫm liệt xuất hiện ở cuối chuyện đã nói lên điều đó.
4. Phân tích nghệ thuật kể chuyện đặc sắc và hấp dẫn của Nguyễn Dữ.
Trả lời:
- Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn. Yếu tố kì ảo dày đặc, xen lẫn chuyện người, chuyện thần, chuyện ma, thế giới thực ảo, trần thế, địa ngục... làm cho câu chuyện càng trở nên hấp dẫn. Kì ảo là phương thức đặc biệt để chuyên chở nội dung và cảm hứng hiện thực.
- Cách kể chuyện từng đoạn theo trình tự thời gian đầy li kì biến hoá mà vẫn tự nhiên, logic, có thắt - mở nút.
Tác giả đã dẫn dắt chuyện vô cùng khéo léo, mở ra bằng một sự việc bất ngờ rồi dẫn dắt dần tới đỉnh điểm của kịch tính và giải quyết một cách hợp lí, thoả đáng. Người đọc hồi hộp theo dõi diễn biến các sự việc để rồi cuối cùng thở phào nhẹ nhõm, chủ đế tư tưởng của chuyện vì thế được nổi bật.
Câu 5: Nêu chủ đề của truyện.
Trả lời:
"Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" của Nguyễn Dữ có nhiều ý nghĩa nhưng chủ yếu là đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân qua hình tượng Ngô Tử Văn. một trí thức yêu chính nghĩa, dũng cảm, cương trực. Truyện thể hiện khát vọng công lí, niềm tin công lí, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng.
LUYỆN TẬP
Câu 1. Nếu được yêu cầu viết đoạn kết thúc của truyện, anh (chị) sẽ đồng tình với cách kết thúc như đã có hay sẽ chọn một cách kết thúc khác? Trình bày và giải thích ý kiến của mình?
Trả lời:
a. Có thể chọn Tử Văn không chết.
b. Vấn đề quan trọng là giải thích một cách thuyết phục về ý kiến của mình trên cơ sở chủ đề, ý nghĩa của truyện.
Câu 2. Tóm tắt truyện (không quá 20 dòng).
Trả lời:
Tóm tắt cần đầy đủ các chi tiết quan trọng sau đây:
- Ngô Tử Văn đốt đền trừ hoạ cho dân.
- Hồn ma tên tướng giặc dọa Tử Văn.
- Tử Văn được Thổ thần mách bảo về tung tích và tội ác của hồn ma tướng giặc.
- Tử Văn bị quỷ sứ bắt xuống âm phủ, chàng dũng cảm, thẳng thắn tố cáo tội ác tên ác thần.
- Công lí được thực hiện. Tử Văn được Thổ thần tiến cử giữ chức Phán sự đền Tản Viên.