Đăng ký

So sánh thể loại truyện cổ tích và truyền thuyết

3,256 từ

So sánh thể loại truyện cổ tích và truyền thuyết.

A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu so sánh (chỉ ra những điểm giống và khác) giữa thể loại truyện cổ tích và truyền thuyết; mỗi thể loại lấy một tác phẩm để làm dẫn chứng.
- Lấy dẫn chứng từ khái niệm truyện truyền thuyết, cổ tích và những tác phẩm được chọn làm dẫn chứng.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:

Mở bài:
Giới thiệu về vị trí, ý nghĩa của thể loại truyền thuyết và cố tích trong văn học dân gian Việt Nam.
Thân bài:
+ Khái niệm thể loại truyền thuyết và cổ tích.
Chỉ ra những điểm giống và khác nhau giữa hai thể loại này, lấy dẫn chứng chứng minh:
+ Những điểm giống nhau:
• Đều là một thể loại văn học dân gian.
• Đều có yếu tố kì ảo.
+ Những điểm khác nhau:
• Truyền thuyết ra đời trước truyện cổ tích.
• Truyền thuyết kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ; truyện cổ tích phản ánh cuộc sống hằng ngày của nhân dân ta.
• Truyền thuyết có cốt lõi là những sự thực lịch sử còn cổ tích hoàn toàn hư cấu.
• Trong truyền thuyết, yếu tố kì ảo đóng vai trò thần kì hóa để ngợi ca các nhân vật lịch sử còn trong cổ tích, yếu tố hoang đường, kì ảo đóng vai trò cán cân công lí, thể hiện khát vọng công bằng, mơ ước và niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt với cái xấu.
• Truyền thuyết thể hiện quan điểm, thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể; truyện cổ tích biểu hiện cách nhìn hiện thực của nhân dân đối với thực tại, đồng thời nói lên những quan điểm đạo đức, những quan niệm về công lí xã hội và ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống hiện tại.
+ Dùng một vài truyện cổ tích và truyện truyền thuyết để làm rõ những điều trên.
Kết bài:
+ Khẳng định ý nghĩa, vai trò của truyện truyền thuyết và cổ tích trong nền văn học dân tộc và đời sống xã hội.
+ Một số truyện truyền thuyết và cổ tích tiêu biểu.

B. Bài văn mẫu
Truyện cổ tích là loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc:
- Nhân vật bất hạnh (như: người mồ côi, người con riêng, người em út, người có hình dáng xấu xí...)
- Nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng kì lạ.
- Nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch.
- Nhân vật là động vật (con vật biết nói năng, hoạt động, tính cách như con người).
Truyện cổ tích thường có yếu tố hoang đường, thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công.

Truyện cổ tích là những truyện kể có yếu tố hoang đường, kì ảo. Nó ra đời từ rất sớm nhưng đặc biệt nở rộ trong xã hội có sự phân hoá giàu - nghèo, tốt xấu. Qua những số phận khác nhau của nhân vật, truyện trình bày kinh nghiệm sống, quan niệm đạo đức, lí tưởng và mơ ước của nhân dàn lao động.
Truyền thuyết là truyện dân gian kể về các nhân vật và các sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ. Chính vì vậy mà truyền thuyết có cơ sở lịch sử cốt lõi sự thật lịch sử.
Thực ra, không chỉ truyền thuyết mà tất cả các thể loại, tác phẩm đều có cơ sở lịch sử. Những so với các thể loại văn học dân gian khác, truyền thuyết có mối liên hệ với lịch sử đậm hơn, rõ hơn. Ngoài ra, khái niệm cốt lõi sự thật lịch sử là những sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng nhất, chủ yếu nhất mà tác phẩm phản ánh hoặc làm cơ sở cho sự ra đời của tác phẩm. Ví dụ như sự kết hợp giữa các bộ tộc Lạc Việt với Âu Việt là nguồn gốc chung của các dân cư Bách Việt là có thật. Sự sùng bái tổ tiên, một tín ngưởng đặc sắc của nhân dân ta đã có từ thời thượng cổ. Đó là những cốt lõi sự thật lịch sử của các truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, “Thánh Gióng”, “Sơn Tinh, Thuỷ Tinh”.

Tuy nhiên, truyền thuyết không phải là lịch sử, bởi đây là truyện, là tác phẩm nghệ thuật dân gian. Nó thường có yếu tố “lí tưởng hoá” và yếu tố “tưởng tượng kì ảo”.
Người kể và người nghe khi nghe truyền thuyết tin là thật, dù truyện có những chi tiết tưởng tượng kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh gá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử.
Truyền thuyết Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với thần thoại. Chất thần thoại thể hiện, chẳng hạn, ở sự nhận thức hư ảo về con người, tự nhiên (Con Rồng cháu Tiên, Sơn Tinh Thuỷ Tinh,...) hoặc mô hình thế giới (trời tròn đất vuông - Bánh chưng, bánh giày)... Nhưng những yếu tố thần thoại ấy chưa được lịch sử hoá. Tính chất lịch sử hoá thể hiện ở các điểm:
Gắn tác phẩm với một thời đại lịch sử cụ thể là thời đại các vua Hùng và các tác phẩm đều có “cốt lõi” sự thật lịch sử.
Tác phẩm thể hiện rõ sự suy tôn nguồn gốc và ý thức cộng đồng của người Việt. Chính ý thức đó đã biến một thần thoại suy nguyên về nguồn gốc con người thành một truyền thuyết (Con rồng cháu Tiên).

Tác phẩm thể hiện rõ ý thức về tăng cường sức mạnh cộng đồng của người Việt trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên và giặc ngoại xâm (Sơn Tinh Thuỷ Tinh).
Tóm lại, tính chất lịch sử hoá thể hiện ở chỗ những thần thoại cổ đã được biến đổi thành những truyện kể về lịch sử nhằm suy tôn tổ tiên đã có công dựng nước và ca ngợi những sự tích thời dựng nước.
Giữa truyền thuyết và cổ tích có một số điểm giao thoa. Chúng đều là những thể loại văn học dân gian và đều có yếu tố hoang đường kì ảo. Ngoài ra, trong những chủ đề nổi bật của truyền thuyết có chủ đề đấu tranh giai cấp, mâu thuẫn giàu - nghèo giữa những người nông dân bị bần cùng hoá đứng lên khởi nghĩa chống lại giai cấp thống trị. Chủ đề đấu tranh giai cấp đồng thời cũng là chủ đề tiêu biểu của truyện cổ tích.
Tuy nhiên sự phản ánh chủ đề này ở hai thể loại là hoàn toàn khác nhau.

Đặc trưng quan trọng nhất của truyền thuyết là sự gắn bó lịch sử, lịch sử hoá mọi sự kiện. Trong khi đó truyện cổ tích lại là sự hoang đường, kì ảo, nó phiếm chỉ hoá và kì ảo hoá mọi yếu tố hiện thực.
Trong truyền thuyết, những anh hùng nông dân khởi nghĩa là có thực (Lê Lợi - Sự tích Hồ Gươm) còn trong truyện cổ tích, nhân vật là kết quả của những hư cấu, không có thực.
Truyền thuyết phản ánh lí tưởng của thời đại, thái độ đồng tình của nhân dân với những đại diện xuất sắc của giai cấp mình, nó trực tiếp phản ánh khát vọng tháo cũi sổ lồng bằng những hành động cách mạng cụ thể. Truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm” thể hiện khát vọng chống giặc ngoại xâm, khao khát hoà bình của nhân dân. Với hình tượng thanh gươm thần cùng hai chữ “Thuận Thiên” phát sáng khi gặp Lê Lợi cho thấy sự đồng tình của nhân dân khắp mọi miền cũng như sự đồng tình của các thế lực siêu nhiên cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - cuộc khởi nghĩa vì nhân dân. Trong khi đó, truyện cổ tích chủ yếu phản ánh những khao khát (đổi đời, khát vọng dân chủ của nhân dân thông qua ước mơ, tưởng tượng. Như truyện cổ tích Thạch Sanh, đề cao ước mơ công lí, ở hiền gặp lành ác giả ác báo... Truyện cổ tích qua đó đề cao tinh thần ham sống, tinh thần lạc quan trước những sự kiện lịch sử, nhằm nuôi dưỡng ý thức lịch sử, nhận thức giai cấp và dân tộc của nhân dân lao động.
Tóm lại, hai thể loại này còn có những nét khác nhau cơ bản là:
Truyền thuyết ra đời trước truyện cổ tích.
Truyền thuyết kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ; truyện cổ tích phản ánh cuộc sống hằng ngày của nhân dân ta.
Truyền thuyết có cốt lõi là những sự thực lịch sử còn cổ tích hoàn toàn hư cấu.

Trong truyền thuyết, yếu tố kì ảo đóng vai trò thần kì để ngợi các nhân vật lịch sử còn trong cổ tích, yếu tố hoang đường, kì ảo đóng vai trò cán cân công lí , thể hiện khát vọng công bằng, mơ ước và niềm tin củ nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt với cái xấu.
Truyền thuyết thể hiện quan điểm, thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể; truyện cổ tích biểu hiện cách nhìn hiện thực của nhân dân đối với thực tại, đồng thời nói lên những quan điểm đạo đức, những quan niệm về công lí xã hội và ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống hiện tại.

shoppe