Đăng ký

Kể lại một truyện cổ tích mà em đã nghe kể

1,772 từ

Cây tre trăm đốt

Ngày xửa ngày xưa, anh Khoai nhà nghèo, tính nết cần cù, chân thật. Anh đi ở cho một nhà giàu trong vùng. Phu ông vỗ vai Khoai và nói: "Mày làm lụng cho thật giỏi, rồi tao gả cô út cho mày!". Cô út duyên dáng, xinh đẹp lắm! Khoai tưởng ông chủ thực lòng, nên đã ra sức làm lụng gấp năm, gấp mười trước đây. Ba năm sau, cô út càng lớn lên càng xinh đẹp.

Phú ông nuốt lời hứa cũ, gả cô út cho con trai viên chánh tổng giàu nứt đố đổ vách. Thấy hai họ đang rục rịch làm lễ cưới, Khoai tìm gặp ông chủ để nói lên nỗi bất bình của mình. Phú ông ha hả cười, nói với anh:
 
"Mày vào rừng, chặt về đây một cây tre trăm đốt, để làm đũa cưới, thì tao cho mày cưới cô út ngay!".
 
Vốn thật thà quá, Khoai tin ngay lời phú ông hứa. Anh vác dao hăm hở lên rừng đi chặt cây tre trăm đốt. Quá trưa tới chiều, đi hết khu rừng này tới khu rừng nọ, anh chẳng tìm thấy một cây tre trăm đốt nào. Hết leo núi lại lội khe, đói và mệt lả, Khoai tuyệt vọng, ngồi khóc. Chưa bao giờ anh buồn như vậy.
 
Bỗng có một cụ già phúc hậu, râu tóc bạc phơ, tay chống gậy, đến gần Khoai, ân cần hỏi: "Cơ sự làm sao mà con khóc?". Nghe Khoai kể rõ đầu đuôi, cụ già bảo anh đi chặt nhanh về một trăm đốt tre. Nhìn đống đốt tre, cụ già khẽ nói: “Khắc nhập! Khắc nhập”. Tức thì các đốt tre liên kết thành một cây tre dài trăm đốt.
 
Khoai sung sướng quá, anh nghĩ tới cô út... Cụ già đã biến mất từ bao giờ! Loay hoay mãi vẫn không thể nào đưa cây tre dài ra khỏi rừng, anh lại ngồi xuống khóc. Cụ già lại hiện ra, bảo Khoai nín đi, rồi cụ khẽ đọc: "Khắc xuất! Khắc xuất!". Cây tre trăm đốt lại rời ra. Cụ khẽ dặn Khoai ghi nhớ câu thần chú và cách dùng cho linh nghiệm. Cụ già lại biến mất. Khoai bó các đốt tre lại, chạy như bay về nhà phú ông.
 
Khoai không tin mắt mình nữa. Đám cưới cô út với con trai viên Chánh tổng đang diễn ra tưng bừng. Khách khứa ra vào ồn ào, tấp nập, cỗ bàn linh đình, Khoai đặt hai bó tre xuống, anh biết mình đã bị lừa. Phú ông đến bên Khoai cười mà báo rằng: “Tao cần tre trăm đốt, chứ đâu cần hai bó ống tre. Mày rõ lẩn thẩn! Thôi vào ngồi cỗ dám cưới cô mày!”. Khoai tức lắm, khẽ đọc: "Khắc nhập! Khắc nhập!".
 
Tức thì các ống tre dính vào nhau, lão phú ông cũng dính chặt vào cây tre trăm đốt. Vừa đau vừa sợ hãi, lão ta kêu ầm lên. Viên Chánh tổng và con trai hắn vội chạy đến, còn lớ ngớ, liền bị Khoai niệm thần chú, cả hai cha con lão lại dính chặt vào cây tre.
 
Càng giẫy càng đau, la khóc om sòm, quan khách hai họ nhìn thấy khiếp lắm, mạnh ai nấy chạy, bỏ dở cỗ bàn. Cả ba người mới biết Khoai là kẻ kì tài, có phép lạ, vừa khóc vừa van lạy Khoai rối rít. Một số người xúm lại xin Khoai tha cho ba người kia. Khoai ung dung khẽ đọc: "Khắc xuất! Khắc xuất!". Cây tre trăm đốt lại rời ra. Cha con viên chánh tổng hú vía, chạy mất mật.
 
Phú ông thoát nạn, lão bẽ mặt và sợ lắm. Lão phải y hẹn cho Khoai cưới cô út.

Phát biểu cảm nghĩ
Truyện "Cây tre trăm đốt" ở phần kết thúc như một màn hài kịch. Phú ông đã giàu lại có cô con gái xinh đẹp. Lão ta là một kẻ tham lam, đê tiện đã dùng con gái làm cái mồi để bóc lột anh trai cày quá thật thà. Chỉ ba năm sau, phú ông đã gả cô út cho con trai viên chánh tổng giàu có. Một lần nữa, lão ta lại đánh lừa Khoai một vố rất đau! Điều kiện cây tre trăm đốt làm đũa cưới mà lão ta đưa ra cho Khoai thực chất là một trò đại bịp. Khoai "hiền quá hóa ngu" nên anh mới tin lời hứa lão chủ. Anh thật đáng thương! Lão phú ông cũng như người nghe kể chuyện cổ tích từ xưa đến nay đều nghĩ rằng chẳng bao giờ anh trai cày thật thà chất phác này lại lấy được cô út!

Thế mà rốt cuộc, anh Khoai đã thắng cuộc. Anh trai cày nghèo khổ, quá chân thật, cần cù chịu khó làm ăn. Cái ước mơ lấy được vợ đẹp, con nhà giàu là một ước mơ đẹp, rất đời! Có lẽ vì thế, anh đã được Tiên ông độ trì? Câu thần chú: "Khắc xuất! Khắc nhập!" đã làm cho truyện "Cây tre trăm đốt" thấm đẫm màu sắc hoang đường, thần kì hấp dẫn.

Qua nhân vật Tiên ông có phép lạ giúp anh Khoai câu thần chú nhiệm mầu, để Khoai vừa vạch trần bộ mặt tham lam xảo trá của phú ông, vừa lấy được vợ đẹp, điều đó thể hiện một triết lí nhân sinh của nhân dân ta: "Ở hiền gặp lành". Mặt khác, qua cách xử sự của Khoai, ta càng thấy rõ lòng nhân hậu và bao dung độ lượng của con người Việt Nam.