Phân tích ý nghĩa của truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm
Phân tích ý nghĩa của truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm
“Sự tích Hồ Gươm” là một trong những câu chuyện nằm trong hệ thống truyền thuyết về khởi nghĩa Lam Sơn ca ngợi đề cao người anh hùng Lê Lợi. Đồng thời, truyện còn đề cao tinh thần toàn dân đoàn kết một lòng chống lại giặc ngoại xâm và tư tưởng chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đồng thời là lời giải thích về tên gọi của hồ Hoàn Kiếm nhuốm màu sắc thần kì.
Truyện được mở đầu vào thời điểm nguy nan của đất nước: giặc Minh đang đô hộ nước ta với những chính sách tàn bạo, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra những liên tiếp gặp thất bại vì nhiều khó khăn. Truyện kể về việc Lê Lợi được Đức Long Quân cho mượn gươm thần là một hạt nhân trong chuỗi truyện kể về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đề cao người anh hùng Lê Lợi và tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Thông qua hình tượng thanh gươm thần, truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm” đã ca ngợi tinh thần đoàn kết chiến đấu, chủ nghĩa anh hùng tập thể, sự gắn bó đoàn kết cộng đồng. Sức mạnh toàn dân đánh giặc đã được khúc xạ qua nhãn quan thần kì hóa của người xưa với sự xuất hiện của thanh gươm thần. Thanh gươm chính là đại diện cho sức mạnh thần kì của dân tộc ta. Long Quân đã cho nghĩa quân mượn gươm với sự phân tách: lưỡi gươm được Lê Thận bắt được dưới biển và chuôi gươm được Lê Lợi phát hiện trên ngọn cây đa (núi rừng), khi hợp lại thì vừa như in, tạo thành thanh gươm sáng rỡ hai chữ “Thuận Thiên” và đem đến những chiến công lừng lẫy, vang dội của nghĩa quân Lam Sơn. Thanh gươm thần đã làm sức mạnh của nghĩa quân tăng lên gấp bội, thể hiện sức mạnh thần kì về truyền thống anh hùng của dân tộc và sự nhất trí, đồng lòng của nhân dân ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, từ miền ngược đến miền xuôi, từ vùng núi đến miền biển. Gươm ngời sáng hai chữ Thuận Thiên đã đề cao vai trò của người anh hùng- chủ tướng Lê Lợi, đồng thời cho thấy cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là hoàn toàn chính nghĩa và thuận với ý trời.
Trong tác phẩm việc Đức Long Quân cho Rùa vàng đòi lại gươm và vua Lê trả gươm là chi tiết mang yếu tố thần kì, rất đặc trưng cho truyền thuyết. Sự xuất hiện của Rùa Vàng đã thể hiện ý nghĩa của thần Kim Quy trong tâm thức dân gian. Rùa là hình tượng gắn liền với đời sống vật chất và tâm linh của người Việt cổ. Hình tượng thần Kim Quy cũng đã xuất hiện trong truyền thuyết “ An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy”, ban cho vua móng vuốt làm lẫy nỏ thần. Còn trong truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm”, hình aarnh Rùa Vàng hiện lên đòi gươm giữa hồ Tả Vọng như sự tiếp nối truyền thống trong mạch nguồn tư tưởng, tinh thần dân tộc. Rùa Vàng cùng với Long Quân là hiện thân, là ý niệm ẩn dụ của người xưa về sức mạnh tinh thần của tổ tiên bảo trợ cho hòa bình, độc lập dân tộc. Việc Long Quân cho Rùa Vàng đòi lại gươm và vua Lê trả gươm là chi tiết mang nhiều ý nghĩa biểu trưng đất nước đã thanh bình, việc hoàn lại gươm báu là ẩn dụ cho việc cất bỏ binh đao, thể hiện ý niệm ẩn dụ về khát vọng hòa bình.
Câu chuyện “Sự tích Hồ Gươm” còn là lời giải thích của nhân dân ta về tên gọi của hồ, xuất hiện sau tên gọi Tả Vọng và gắn liền với những sự tích, chiến công của người anh hùng Lê Lợi. Từ đó, Hồ Gươm trở thành biểu tượng cho các phương diện tiêu biểu trong truyền thống, văn hóa, lịch sử của thủ đô Hà Nội.
Như vậy, thông qua nhãn quan thần kì hóa cùng trí tưởng tượng phong phú của nhân dân ta, tác phẩm “Sự tích Hồ Gươm” ra đời đã thể hiện tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tinh thần yêu nước và làm nổi bật hình tượng của người anh hùng Lê Lợi. Câu chuyện này còn thể hiện sự khúc xạ, cách giải thích của nhân dân đối với tên gọi của hồ Hoàn Kiếm.