Đăng ký

Phân tích về ý kiến sau đây: Nhà văn Nam Cao đã từng lấy lời của Francois Coppee ... không bao giờ ta thương...

3,629 từ

Phân tích về ý kiến sau đây: Nhà văn Nam Cao đã từng lấy lời của Francois Coppee ... không bao giờ ta thương...

Nhà văn Nam Cao đã từng lấy lời của Francois Coppee (1842 - 1908), nhà văn, nhà thơ Pháp làm đề từ cho truyện ngắn Nước mắt của mình: “Người ta chí xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ, và nước mắt là một miếng kính biển hình vũ trụ”. Rồi trong truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao lại viết: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhân, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương...

Nhà danh họa Pháp Henri Matisse đã từng nói: “Đối với người nghệ sĩ thì sáng tạo bắt đầu từ cái nhìn...” Câu nói ấy có lẽ cũng là tâm trạng chung cho tất cả các nhà văn chân chính, những con người trên hành trình văn chương của mình vẫn luôn khao khát đươc cập bến bờ chân - thiện mĩ. Nam Cao là một trong số những nhà văn như thế. Suốt cả một đời sáng tạo đầy cay cực nhưng cũng rất đẹp của mình. Nam Cao luôn trăn trở, day dứt đến vấn đề Đôi mắt, đến cách nhìn những con người khốn khổ quanh ông. Và văn chương chính là nơi để ông gửi gắm nỗi niềm thao thức đó. Trong truyện ngắn Nước mắt ông đã lấy lời của nhà thơ, nhà văn Pháp Francois Coppee làm đề từ: “Người ta chỉ xấu xa hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của của phường ích kỉ và nước mắt miếng kính hình vũ trụ”. Rồi trong truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao lại thốt lên những suy tư trăn trở của mình. “Chao ôi! Đối với những người quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là người đáng thương, không bao giờ ta thương...”.

Những quan điểm đó đã được ông viết ra cách đây hơn nửa thế kỉ mà ta cứ ngỡ như là ông viết cho hôm nay và cho cả mai sau. Bởi những lời tâm huyết chân thành ấy mãi mãi là một chân lí nghệ thuật, một ngọn lửa soi sáng cho chúng ta tìm đến chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao.

Văn chương không bao giờ phản ánh chỉ để mà phản ánh, miêu tả chỉ để mà miêu tả, mà tận sâu thẳm mỗi lời văn, mỗi trang viết mà nhà văn dâng tặng cho đời phải được nghiền ngẫm trong một quan điểm nghệ thuật, một cách nhìn nghệ thuật, cách nhìn ấy chi phối lao động sáng tạo của nhà văn và quyết định chỗ đứng của anh ta trong làng văn và trong lòng độc giả. Với Nam Cao cái nhìn nghệ thuật ấy mang một ý nghĩa nhân đạo thật cao quý. Trên những trang viết mà ông dồn hết cả tinh anh, tinh huyết, trên mỗi giọt mực mà ông đã thả vào bao mồ hôi nước mắt, bao nỗi thương đời, đau đời, đều thấm nhuần một cái nhìn đầy nhân ái, và xiết bao trân trọng đối với những kiếp người cùng khổ quanh ông.

Nam Cao ghét cay ghét đắng những con mắt ráo hoảnh tình thương, những con mắt lạnh lùng nghiệt ngã đối với đau khổ của con người, Lão Hạc, Chí Phèo, rồi Điền, Hộ... đều là những hình tượng sống động đầy ám ảnh trong một cái nhìn Nam Cao.

Lão Hạc, một nông dân lẩm cẩm, ít học và có thể là gàn dở nữa, dưới con mắt của Nam Cao, đã được đẩy lên cái ngưỡng tột cùng của vẻ đẹp nhân cách. Một người cha nghèo không đủ tiền cưới vợ cho con để rồi phải day dứt, ân hận ở đời, một con người vì cùng quẫn quá phải đánh lừa một con chó để rồi phải giày vò đau đớn cho đến chết. Bên miệng vực của cái đói khổ, khốn cùng, trong con người lão Hạc vẫn luôn luôn thắp lên một vẻ đẹp tỏa sáng, vẻ đẹp của nhân cách, của thiên lương. Đó đâu chỉ là vẻ đẹp của người cha hay người mẹ?... Đó là một con người, sâu sắc và thăm thẳm. Nam Cao nhìn thấu suốt được điều đó và đã phát hiện ra vẻ đẹp cao quý trong con người nông dân với vẻ bề ngoài mà người ta tưởng như là “gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa...”. Cái nhìn nhân ái đầy trân trọng ấy xuất phát từ đâu nếu không phải từ một trái tim nặng trĩu nỗi niềm đau đời, thương đời của Nam Cao?

Nước mắt của ông không chảy dầm dề, tràn trề trên trang giấy như Ngô Tất Tố, nước mắt của ông chảy vào trong để thấu suốt hơn, và sâu sắc thăm thẳm hơn. Trên những trang viết tưởng chừng như sắc lạnh, dửng dưng kia là một nỗi lòng yêu thương thống thiết đến khắc khoải, cái nhìn sâu tận đáy của ông đã giúp cho ông phát hiện ra những đốm lửa nhân tính, thiên lương còn âm ỉ cháy trong những con người dị hình dị dạng, những con người luôn đi trên cái ranh giới mong manh cuối cùng phân biệt con người với con vật người. Và ta hiểu vì sao những tác phẩm của ông lại chứa đựng một năng lượng tinh thần mạnh mẽ và sâu sắc đến vậy.

Nếu như Ngô Tất Tố, với tấm lòng chan chứa yêu thương của mình chỉ thấy được con người trong con người mà thôi thì với Nam Cao, với đôi mắt sâu sắc của mình, với một tấm lòng sống thật sâu trong cuộc sống đã phát hiện và đã khẳng định cái con người ngay trong chính con vật - người, trong những kẻ mà bộ mặt đã bị rạch nát giầy xéo và tâm hồn đã bị mụ mị trong cõi tối tăm vô thức. Và Chí Phèo có lẽ là nơi tập trung cái nhìn nghệ thuật đau đáu và sắc sảo của Nam Cao. Một kẻ cỗi cằn và u tối như thế, ở những con mắt khác, những con mắt ráo hoảnh, lạnh lùng, những con mắt không tình thương thì chỉ là những con vật đầy thú tính, những con người sống kiếp cỏ cây, những kẻ “bần tiện, xấu xa và bỉ ổi”. Nhưng đối với Nam Cao, Chí Phèo không chỉ là bản bi ca về kiếp người bị tha hóa trong xã hội cũ mà còn là khúc tráng ca về những lẽ sống lương thiện, về vẻ đẹp nhân tính trong mỗi con người, về chất người trong mỗi con người.

Chí Phèo là hình tượng bất hủ về bi kịch nhân cách, là nỗi đau đớn lớn nhất của Nam Cao. Cuộc đời Chí là một chuỗi vật vã đến quằn quại để đi tìm nhân cách, để khẳng định nhân phẩm trong con người hắn. Xây dựng nhân vật Chí Phèo, Nam Cao không những chỉ tố cáo xã hội tàn ác bất công đã xô đẩy con người ta đến bước đường cùng tội lỗi mà điều cao cả hơn, thiêng liêng hơn, điều đã làm cho Nam Cao sống mãi với nhân vật bất hủ của mình là ông đã phát hiện và đã khẳng định ánh lửa nhân tính còn sót lại và vẫn âm ỉ cháy trong đáy thẳm tâm hồn của con người bất hạnh ấy, dù rất le lói mong manh. Với đôi mắt đầy tình thương của mình, Nam Cao đã đánh thức chất người trong con người mà suốt cuộc đời tưởng như chỉ có thù hằn và căm giận. Những trang viết miêu tả tâm trạng Chí Phèo sau lần gặp gỡ với Thị Nở có lẽ là những trang văn đẹp nhất, lung linh chất thơ nhất. Trong “thiên trữ tình tàn nhẫn” này, chưa bao giờ ngòi bút của Nam Cao lại có những trang văn dịu ngọt, đằm thắm và trong trẻo đến thế: “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng người thuyền chài gõ mái chèo đuối cá, tiếng người đi chợ lao xao... ”. Nam Cao đã đưa Chí Phèo về với một trái tim người trọn vẹn, trái tim trong trẻo thuần khiết của ngày xưa, biết yêu thương cảm xúc, biết nhớ nhung hờn dỗi, biết khao khát một tình yêu, một mái ấm gia đình. Trái tim ấy đã trở về nhịp đập và trỗi dậy trong hắn một khát khao bỏng rát được làm người lương thiện. Phát hiện và khẳng định được bản chất tốt đẹp trong những con người lao động đau khổ bị đọa đày trong kiếp thú là một minh chứng thật hùng hồn cho chủ nghĩa nhân đạo cao cả của Nam Cao. Phải có một niềm tin to lớn ở con người, phải có đôi mắt đầy nhân ái và sâu thăm thẳm, Nam Cao mới phát hiện được những đốm sáng đặc biệt không bao giờ tắt trong trái tim con người, Văn học phản ánh hiện thực đâu chỉ để mà phản ánh một cách hời hợt, nông cạn. Văn học với thiên chức cao quý của nhà văn là biết phát hiện ra những ý nghĩa nhân sinh to lớn.

Nghệ thuật biết tìm thấy cái bình thường trong cái phi thường, nhưng nghệ thuật còn biết phát hiện cái phi thường trong cái bình thường, thậm chí tầm thường. Và có lẽ, chỉ với những nhà văn lớn, những trái tim lớn, những khối óc lớn với những quan điểm thẩm mĩ tiến bộ sâu sắc về nhân sinh mới có những phát hiện tầm vóc như thế. Trở lại với những trang viết và những suy tư về Nam Cao, ta hiểu vì sao chủ nghĩa nhân đạo của ông lại chứa đựng sức nặng như vậy. “Không có thành tựu nghệ thuật nào nằm ngoài cái nhìn nghệ thuật của nhà văn”. Một ai đó đã nói như vậy. Với những trang viết đầy sức ám ảnh của mình, Nam Cao đã đặt ra một vấn đề không chỉ cho một thời mà cho cả mọi thời đại rằng: Nhà văn chân chính, phải biết nhìn con người ở bản tính tốt đẹp của người ta, biết phân biệt đâu là thực chất bên trong, đâu là những biểu hiện sai lệch bên ngoài. Muốn có được điều đó, nhà văn ấy phải sống thật sâu, thật hết mình trong đời sống, và đặc biệt phải có tình thương lớn (chứ không phải là thương hại). Quan điểm ấy là ngọn đuốc soi đường trong mỗi sáng tác của ông và cho tất cả những ai muốn trở thành nhà văn chân chính.

Với những quan điểm nghệ thuật tiến bộ ấy và với những sáng tạo văn chương thấm đẫm chất đời và tình người của mình, Nam Cao thực sự trở thành con người thánh thiện trong văn chương nhưng lại là con người chân thật, giản dị giữa cuộc đời những con người khốn khổ này. Một đời văn như ông thật là đẹp và chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao sẽ còn sức ám ảnh, rung động nhiều người, nhiều thế hệ.