Phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo
Đề bài
Đề bài: Phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo từ một nông dân hiền lành, chất phác thành con người tha hóa cả tâm hồn lẫn ngoại hình. Tuy vậy Chí Phèo vẫn còn nhân tính.
Hướng dẫn giải
Chí Phèo một trong những đỉnh cao của Nam Cao, cũng như của văn học hiện thực Việt Nam viết về đề tài người nông dân. Nhân vật chính của truyện ngắn là Chí Phèo, từ một người nông dân lương thiện, hiền lành, chất phác, Chí Phèo đã bị tầng lớp thống trị và nhà tù thực dân làm cho tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính. Nhưng bản chất lương thiện trong chí vẫn luôn tồn tại. Quá trình đó đã được Nam Cao mô tả bằng ngòi bút hết sức tinh tế và tài hoa.
Chí Phèo sinh ra đã là một đứa trẻ bất hạnh, vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị mẹ bỏ rơi ở cái lò gạch cũ, Chí được anh thả ống lươn mang về nuôi, sau đó chuyển qua bà góa mù, rồi bác phó cối. Chí Phèo lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của dân làng. Mặc dù phải sống lang bạt, nhưng Chí Phèo khi lớn lên vẫn là con người hết sức lương thiện. Chí đi làm thuê ở gia đình bá Kiến, và trong cuộc sống thanh bình đó, Chí đã từng mang trong mình mơ ước, có một gia đình nhỏ, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải, nếu có tiền thì mua mảnh đất để làm. Mơ ước thật bình dị, nhỏ bé, đó là mơ ước của bất cứ người nông dân nào. Họ chỉ mong muốn có cuộc sống bình yên, giản dị.
Nhưng cuộc đời đối với Chí lại không bằng phẳng như thế. Làm việc tại nhà bá Kiến, Chí bị bà ba để ý, bắt bóp chân, điều đó làm Bá Kiến vô cùng căm hận, hắn ta từng mong muốn bỏ tù tất cả những thằng trai trẻ ở làng. Và Chí Phèo là một trong những nạn nhân của cơn ghen cuồng mù quáng ấy. Chính bọn cầm quyền và nhà tù thực dân đã nhào nặn, biến hóa một người nông dân chân chất, hiền lành trở thành một kẻ tha hóa cả về nhân hình và nhân tính.
Sau bảy tám năm đi tù về, Chí Phèo biến đổi hẳn về ngoại hình, trông hắn như thằng săng đá, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt câng câng, người săm trổ đầy hình trông đến gớm. Hình hài hiền lành của Chí đã bị phá hủy. Không chỉ vậy, nhân tính của hắn cũng bị đập nát. Hắn trở về lấy nghề rạch mặt ăn vạ để sống qua ngày. Ngày đầu tiên ra tù, hắn đến ngay nhà bá Kiến để ăn vạ, nhưng nào ngờ lại bị những lời phỉnh nịnh của tên cáo già ru ngủ, Chí Phèo trở thành tay sai của bá Kiến. Chỉ cần có hơi men Chí Phèo có thể làm bất cứ việc gì được sai khiến: đốt nhà, giết người,… Chí Phèo đã phá hủy hạnh phúc biết bao gia đình, hắn ta trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Người ta tránh Chí như tránh hủi, mọi lời hắn chửi người ta luôn tự nhủ thầm hắn chừa mình ra. Tiếng chửi phẫn uất của Chí là một hình thức giao tiếp đặc biệt, một niềm khao khát tột cùng được giao tiếp, được hòa nhập cùng với cuộc sống của con người. Sự tha hóa của Chí Phèo không phải là một điều ngẫu nhiên mà nó là hệ quả tất yếu, là con đẻ của xã hội thực dân phi nhân tính đã hủy hoại không chỉ hình dáng mà còn hủy hoại nhân phẩm của con người.
Nhưng cuộc đời Chí chưa dừng lại ở đó, gặp Thị Nở như một cột mốc đánh dấu và cho Chí biết rằng bản thân mình vẫn chưa tha hóa đến độ mất đi hoàn toàn nhân tính. Trong một lần say rượu, tình yêu giữa Chí Phèo và thị Nở nảy sinh, Chí Phèo ốm và nhận thức ra rất nhiều điều về cuộc sống về chính bản thân mình. Chí nghe thấy những âm thanh quen thuộc, mà bấy lâu nay trong hơi men hắn không còn nghe thấy nữa, hắn nhớ về mơ ước nhỏ bé giản dị của mình và đau đớn nhận ra mình đã đi sang cái dốc bên kia của cuộc đời mà vẫn cô đơn. Nào chỉ cô đơn không thôi, hắn còn bị cả xã hội gạt ra ngoài lề, coi như một con quỷ chứ không phải là một con người. Lần đầu tiên hắn biết đến vị cháo hành và nhận ra nó ngon đến kì lạ: “những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo hành?”. Hắn nhìn thị Nở bằng đôi mắt thật hiền, đôi mắt hàm ơn và đôi mắt rơm rớm nước. Giọt nước mắt này chính là giọt nước mắt đánh dấu sự trở về của nhân tính trong Chí. Chí không chỉ nhận thức được về bản thân mà còn dấy lên khao khát hạnh phúc, thèm được làm hòa với mọi người: “Trời ơi hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao, thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Và chính Thị Nở sẽ là người mở đường cho hắn được trở về hòa nhập với cộng đồng. Như vậy phần nhân tính trong Chí chưa bao giờ bị mất đi, nó chỉ bị những cái độc ác, xấu xa của xã hội che khuất mất, chỉ cần có tình yêu thương, sự bao dung tất yếu phần người ấy sẽ quay trở về. Khao khát được làm người lương thiện, được hòa nhập với mọi người là khát khao, mong ước chính đáng của Chí Phèo.
Nhưng cuộc đời thật biết trêu đùa với Chí, ngay khi phần nhân tính trở về thì Chí một lần nữa bị cự tuyệt quyền làm người. Thị Nở nghe lời của bà cô, đã đến nhà Chí mà sỗ sàng nói thẳng vào mặt, nó như một gáo nước lạnh, dội thẳng vào ngọn lửa hi vọng của Chí. Đau đớn, tuyệt vọng Chí xách dao vao mục đích ban đầu đến giết chết cả nhà con Nở, nhưng vì quen chân, vì Chí đã mơ hồ nhận ra kẻ thù của mình, nên Chí Phèo đã đến nhà bá Kiến. Hắn cao giọng đòi lương thiện, nhưng đồng thời Chí cũng nhận thức rõ: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể làm người lương thiện nữa?”. Rồi hắn rút dao giết chết bá Kiến và tự kết liễu chính mình. Cái chết của Chí là biểu hiện cao nhất khi nhân tính không bị mất đi. Nhân tính khi đã quay trở lại không cho phép Chí Phèo tiếp tục làm nghề rạch mặt ăn vạ, không cho phép Chí làm con quỷ dữ của làng Vũ Đại nữa. Nhưng đồng thời Chí cũng không thể quay trở lại với xã hội, vì đã bị mọi người cự tuyệt. Cái chết là lựa chọn duy nhất để bảo tồn chút nhân tính ít ỏi không bị ăn mòn bởi những bất công của cuộc đời. Cái chết của Chí là một đòn mạnh mẽ, lên án, tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời đã đẩy con người vào bước đường cùng.
Xây dựng quá trình từ lương thiện đến tha hóa đến sự trở về của nhân tính trong nhân vật Chí Phèo cho thấy nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật miêu tả tâm lí bậc thầy trong ngòi bút của Nam Cao. Nghệ thuật trần thuật đảo ngược thời gian gây ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc. Ngôn ngữ giản dị mà hàm súc, sâu sắc.
Qua quá trình tha hóa của nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã bộc lộ niềm cảm thương sâu sắc với số phận của những người nông dân bất hạnh, bị đẩy đến bước đường cùng bị tha hóa. Nhưng đồng thời cũng thể hiện niềm tin tưởng của Nam Cao vào nhân cách, thiện tính trong người nông dân hiền lành, chất phác. Không chỉ vậy, còn là tiếng nói phê phán sâu sắc với chế độ thực dân nửa phong kiến đương thời đã đẩy con người đến bước đường cùng. Tác phẩm để lại giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.