Phân tích nhân vật Xi-mông trong truyện ngắn Bố của Xi mông
Đề bài
Đề bài: Phân tích nhân vật Xi-mông trong truyện ngắn Bố của Xi mông
Hướng dẫn giải
“Bố của Xi-mông” là một trong những tác phẩm nổi bật của nhà văn người Pháp Mô-pa-xăng. Tác phẩm xoay quanh Xi-mông một đứa trẻ tội nghiệp không cha, em phải hứng chịu biết bao xấu hổ tủi nhục vì điều ấy và cuối cùng em cũng đã tìm được cho mình một người cha. Tác phẩm chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả, giàu lòng yêu thương con người.
Xi-mông là con của chị Blăng-sốt, chị bị một người đàn ông lừa dối nên đã sinh ra Xi-mông, em trở thành đứa trẻ không cha trong mắt mọi người, em sống thiếu thốn tình thương, chỉ có sự chăm sóc của mẹ. Nhưng hoàn cảnh đáng thương của em lại không được thông cảm, người lớn coi là đứa con hoang, ngoài giá thú; còn lũ trẻ không hiểu biết nói những lời ác ý, chúng không chia sẻ mà thường xuyên bắt nạt, hành hạ em, khiến Xi-mông cảm thấy chán nản, nhiều lần khóc lóc và muốn tìm đến cái chết. Điều đó làm cậu bé hết sức khổ tâm, và cao trào của sự việc là Xi-mông muốn tìm đến cái chết nếu em không tìm được người cha của mình. Xi-mông là đứa trẻ hết sức đáng thương, cần được sự quan tâm, chia sẻ từ những người xung quanh.
Trên bời sông, Xi-mông đau khổ đến tột cùng, tuyệt vọng và định tìm đến cái chết để giải thoát chính mình. Trước khung cảnh đẹp đẽ “trời ấm áp vô cùng, dễ chịu vô cùng. Ánh mặt trời êm đềm sưởi ấm bãi cỏ…” đã làm em quên đi những đau khổ mà mình phải chịu đựng. Rồi em chợt nhớ về mẹ, em lại khóc nức nở. Tác giả đã miểu tả hết sức khéo léo, tài tình tâm trạng trẻ thơ. Chúng có thể vì khung cảnh rực rỡ, nhưng thú vui nhất thời mà quên đi nỗi đau của mình, nhưng ẩn sâu bên trong nỗi đau ấy vẫn gặm nhấm và bùng phát bất cứ lúc nào. Qua đó ta thấy được tâm trạng đau khổ, tình cảnh đáng thương của cậu bé Xi-mông.
Khi gặp được bác Phi-lip ở bờ sông, nhận được sự hỏi han, quan tâm Xi-mông lại khóc nấc lên: “Chúng nó đánh cháu … vì… cháu … cháu … không có bố … không có bố”, cách miêu tả thật tinh tế với những dấu chấm lửng ngắt quãng đã cho thấy tâm trạng nghẹn ngào, đau đớn, tủi hổ của cậu bé Xi-mông. Xi-mông trở về nhà, một lần nữa nỗi uất ức ấy lại trào dâng, em òa khóc và nhắc lại ý định tự tử. Nhưng trong em vẫn còn là một đứa trẻ hồn nhiên. Sự hồn nhiên đó được thể hiện qua câu nói rất ngây thơ, hồn nhiên: “Bác có muốn làm bố cháu không?” câu hỏi cất lên làm cả mẹ của Xi-mông và bác Phi-lip đều cảm thấy ngượng ngùng, đặc biệt chị Blăng-sốt như chết lặng đi, “hổ thẹn, lặng ngắt và quằn quại, dựa vào tường, hai tay ôm ngực”. Chỉ có = Xi-mông là vui vẻ, hào hứng và tràn ngập mong muốn có một người bố cho riêng mình. Đối với bác Phi-lip đó chỉ như một câu chuyện đùa, bác vui vẻ bế bổng Xi-mông lên và khẳng định: “Có chứ, bác muốn chứ”. Cậu bé hoàn toàn tin tưởng vào những lời bác Phi-lip nói và cũng từ sau giây phút ấy em can đảm, tự tin lên rất nhiều.
Xi-mông hạnh phúc, hãnh diện khi đã có bố, bởi vậy hôm sau khi đến trường bị các bạn tiếp tục trêu chọc cậu bé đã dũng cảm quát vào mặt chúng: “Bố tao ấy à, bố tao tên là Phi-lip”, em vô cung hãnh diện, tự hào trước những kẻ luôn đi hành hạ, sỉ nhục em. Trước những lời bỡn cợt, em không nói gì nữa mà chỉ im lặng, bởi em tin lời hứa bác Phi-lip đã nói với mình. Có bố đã mang lại cho em niềm vui, sức mạnh để sống hạnh phúc và học tập tốt.
Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí trẻ em tài tình, ngôn ngữ đa dạng phù hợp với lửa tuổi nhà văn Mô-pa-xưng đã thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả. Tác phẩm là bài ca ca ngợi tình yêu thương giữa con người với con người. Đồng thời cũng là tiếng nói cảm thông cho những số phận bất hạnh, cho những nỗi đau và lầm lỡ của người khác.