Đăng ký

Phân tích nhân vật Đôn-ki-hô-tê trong Đánh nhau với cối xay gió

1,509 từ Phân tích
Đề bài

Đề bài: Phân tích nhân vật Đôn-ki-hô-tê trong Đánh nhau với cối xay gió

Hướng dẫn giải

    Đánh nhau với cối xay gió là văn bản được trích từ bộ tiểu thuyết Đôn-ki-hô-tê đồ sộ của nhà văn vĩ đại người Tây Ban Nha Xéc-van-téc. Tác phẩm tập trung chế giễu tàn dư lí tưởng hiệp sĩ phiêu lưu lỗi thời, phê phán thị hiếu tầm thường, lối sống thực dụng đang phổ biến trong xã hội. Trong đoạn trích này hẳn ta sẽ không thể quên được nhân vật Đôn-ki-hô-tê bên cạnh những mặt gàn dở còn mang trong nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng khác.

    Trước hết Đôn-ki-hô-tê là một kẻ gàn dở, đam mê tiểu thuyết đến điên cuồng, sự cuồng si đó còn biến thành hành động muốn trở thành hiệp sĩ để đi cứu giúp những người lương thiện. Thân hình lão gầy gò, cao lênh khênh, cưỡi một con ngựa còm, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ sắt, vai vác giáo dài, toàn là những thứ han gỉ của tổ tiên để lại. Mang trong mình lí tưởng làm hiệp sĩ để cứu giúp mọi người, nhưng thời đại của hiệp sĩ đã qua, khát vọng của Đôn-ki-hô-tê trở thành lỗi thời, nên mọi suy nghĩ, hành động của ông đều trở thành trò cười cho mọi người. Cuộc đánh nhau với cối xay gió đã bộc lộ đầy đủ sự gàn dở, đầu óc hoang tưởng của Đôn-ki-hô-tê. Là một người luôn sống trong ảo tưởng nên khi nhìn thấy những chiếc cối xay gió, Đôn-ki-hô-tê lại tưởng đó là bọn khổng lồ gian ác, lão lao vào cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức, bất chấp lời can ngăn của bác giám mã Xan-chô để “quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất”. Cuối cùng, khi đâm mũi giáo vào cánh quạt, giáo gãy tan tành, cả người và ngựa ngã văng ra xa. Đau đớn, thất bại thảm hại nhưng Đôn-ki-hô-tê vẫn không nhận ra sự thật, vẫn khẳng định sự thất bại của mình là do lão pháp sư Phơ-ren-xton đã biến những cối xay gió thành những tên khổng lổ để cướp đi công lao của mình. Sau trận đánh mệt rã rời, có lẽ Đôn-ki-hô-tê một người già cả, ốm yếu đã mệt và đói nhưng để cho giống những hiệp sĩ cho tiểu thuyết thì Đôn-ki-hô-tê chỉ cần nghĩ đến tình nương của mình là cũng đủ no rồi. Những suy nghĩ, hành động của Đôn-ki-hô-tê cho thấy ông ta là một kẻ luôn sống trong hoang tưởng, gàn dở, thật đáng lên án.

    Nhưng đằng sau những hành động, lời nói điên khùng đó lại là Đôn-ki-hô-tê mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp: lí tưởng cao đẹp, tinh thần anh dũng, dũng cảm trước những nguy hiểm của cuộc sống.

    Trước hết Đôn-ki-hô-tê mang trong mình lí tưởng cao đẹp. Ông là người căm ghét những bất công, ngang trái, kiên quyết diệt trừ cái ác, cái xấu để đem lại cuộc sống công bằng, bác ái cho mọi người. Bởi vậy, mặc dù tuổi đã cao, lại nghèo nàn nhưng ông vẫn quyết tâm trở thành hiệp sĩ, mang sức mình để giúp đỡ mọi người. Trong cuộc giao tranh với cối xay gió khi thấy sự can ngăn của giám mã Xan-chô ông đã chế giễu tính nhút nhát của bác: “nếu anh sợ thì hãy lánh xa ra mà cầu kinh trong lúc ta đương đầu với chúng trong một cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức”.

    Không chỉ mang lí tưởng cao đẹp, Đôn-ki-hô-tê còn có tinh thần dũng cảm, sẵn sàng đương đầu với thử thách. Trong cuộc đánh nhau với cối xay gió, ta không chỉ thấy sự gàn dở của ông, mà còn thấy được cả sự dũng cảm. Là người nghĩa hiệp, Đôn-ki-hô-tê muốn “quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất”, ông một mình một ngựa bất chấp nguy hiểm, xông lên đánh nhau với những tên khổng lồ ấy. Dù tương quan hai bên chênh lệch rõ ràng, tự bản thân Đôn-ki-hô-tê cũng nhận ra điều đó, nhưng trước kẻ ác ông không ngần ngại mà ra tay trượng nghĩa: “Chớ có chạy trốn, lũ hèn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi đây”. Đó chính là tinh thần nghĩa hiệp, trượng nghĩa trong con người Đôn-ki-hô-tê ẩn đằng sau vẻ điên cuồng mà mọi người vẫn nhạo báng.

    Để tô đậm ngoại hình cũng những tính cách Đôn-ki-hô-tê, tác giả đã vận dụng tài tình nghệ thuật đối lập, tương phản. Đứng bên Đôn-ki-hô-tê cao gầy, là bác giám mã Xan-chô béo lùn; tinh thần nghĩa hiệp dũng cảm của Đôn-ki-hô-tê càng làm nổi bật hơn sự nhút nhát của bác giám mã; tính thiết thực của bác nông dân lại giúp ta thấy rõ những hoang tưởng của người hiệp sĩ già. Ngoài ra bút pháp miêu tả, kể chuyện sinh động, hấp dẫn kết hợp với giọng kể hài hước, hóm hỉnh là những yếu tố góp phần vào sự thành công của tác phẩm.

    Qua nhân vật Đôn-ki-hô-tê nói riêng và đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió nói chung đã cho thấy những nét tính cách tốt đẹp và cả gàn dở trong nhân vật này. Bản thân mỗi chúng ta cũng có một phần của Đôn-ki-hô-tê, luôn mang trong mình những lí tưởng, khát vọng cao đẹp, nhưng quá trình thực hiện lại không ít những sai lầm, vấp váp, ngốc nghếch. Bởi vậy, bản thân mỗi người cần có sự cân bằng giữa lí tưởng và thực tế để không trở thành Đôn-ki-hô-tê thứ hai.

shoppe