Phân tích chi tiết mụ vợ đòi làm nữ hoàng và Long Vương
Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng có hai tình tiết là mụ vợ ông lão đánh cá đòi làm Nữ hoàng và Long vương
A. Hướng dẫn làm bài
- Truyện cổ dân gian Nga “Ông lão đánh cá và con cá vàng” có hai tình tiết là mụ vợ ông lão đánh cá đòi làm Nữ hoàng và Long vương. Đề bài yêu cầu phân tích và nói lên cảm nghĩ về hai tình tiết đó.
- Bài viết lấy dẫn chứng từ truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng và quan niệm đạo đức truyền thống.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Giới thiệu truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng và nhân vật mụ vợ với lòng tham vô đáy.
+ Giới thiệu hai tình tiết: mụ vợ ông lão đánh cá đòi làm Nữ hoàng và Long Vương - khái quát về ý nghĩa của hai tình tiết này và những suy nghĩ của bản thân về chúng.
Thân bài:
+ Tóm tắt những sự việc trước hai tình tiết trên.
+ Chỉ ra lí do cá vàng chấp nhận những yêu cầu của ông lão đánh cá: muốn đền ơn cứu mạng; chỉ ra đặc điểm tính cách ông lão đánh cá: nhân hậu, không tham lam nhưng nhu nhược.
+ Chỉ ra đặc điểm tính cách mụ vợ: tham lam.
+ Phân tích hai tình tiết trên:
Muốn làm Nữ hoàng, đối xử tệ bạc với ông lão: tham lam, muốn giành quyền lực cao nhất trong vương quốc nhưng cũng rất bội bạc.
Muốn làm Long vương bắt cá vàng hầu hạ, đánh đuổi ông lão: lòng tham lên đến tột cùng, muốn thành chúa tể vạn vật, sự bội bạc cũng lên đến đỉnh điểm.
-> Đặt vào thế so sánh với cá vàng và ông lão (hai nhân vật này đều hành động vì đạo lí, sự khiêm nhường), mụ vợ hiện lên là kẻ tham lam, bội bạc tột cùng.
-> Cảm nghĩ của em về nhân vật.
Kết bài:
- Khái quát ý nghĩa hai tình tiết trên.
- Khái quát suy nghĩ về nhân vật mụ vợ và rút ra bài học cho bản thân.
B. Bài văn mẫu
Trong thế giới truyện cổ tích bao giờ cũng xuất hiện hai tuyến nhân vật: chính diện và phản diện. Có những nhân vật đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Một trong số đó là nhân vật mụ vợ trong tác phẩm “Ông lão đánh cá và con cá vàng” với tính cách tham lam tiêu biểu, điển hình.
Cuộc sống có những người có tính ích kỉ và lòng tham vô đáy. Mụ vợ trong câu chuyện là người như vậy. Lòng tham của mụ đặc biệt ở chỗ, mỗi lúc được tăng lên theo số nhân. Mụ ta dường như không ý thức được hành động vô lí của mình. Thế nên đã năm lần mụ bắt ông lão ra biển khơi đòi hỏi cá vàng mà mỗi lần biển nổi sóng giận dữ hơn.
Từ một mụ nông dân nghèo ngồi bên cái máng lợn sứt mẻ rồi nhờ có ông lão và cá vàng, mụ ta có cái máng lợn mới, có ngôi nhà đẹp, có chức vị nhất phẩm phu nhân quyền quý. Mỗi lần như thế, ông lão đánh cá hiền lành lại lóc cóc đi ra biển. Tuy nhiên để trả ơn ông lão cá vàng vẫn làm theo yêu cầu của người vợ. Lần nào trở về lòng ông cũng nặng trĩu. Nhưng chưa dừng lại ở đó, lần thứ tư đòi hỏi, mụ ta muốn làm Nữ hoàng. Lần này, mức độ đòi hỏi cao hơn hẳn so với ba lần trước. Nữ hoàng không chỉ có tiền bạc, của cải mà còn có vị thế, quyền lực tối cao. Mụ ta muốn mình giàu sang bậc nhất, muốn ai cũng phải phục tùng và quì gối dưới chân mụ. Khi đã nắm trong tay mọi thứ trên đời mụ sẽ thỏa thích làm mọi việc, thỏa mãn hơn nữa lòng tham vô tận. Cũng từ đây, vật chất làm mụ lóa mắt, mụ sống trong cung điện nguy nga và đối xử tệ bạc với người chồng tốt bụng của mình. Mụ coi chồng như người xa lạ, sai lính đuổi ra ngoài như một kẻ ăn mày. Tình nghĩa bao năm không làm mụ rung động và mụ cũng quên luôn rằng nhờ ai mà mình có được cảnh nhung lụa này. Có lẽ nào vật chất khiến con người ta thay đổi nhanh như vậy, vật chất có sức mạnh ghê gớm hay tại bởi sống quá lâu trong nghèo khổ mà mụ vợ khát khao giàu có đến mù quáng. Chỉ biết sau khi làm Nữ hoàng được một thời gian, mụ ta lại có một mong muốn khác, táo bạo và điên cuồng. Khi đạt được đỉnh cao tột bậc về sự giàu sang, quyền quý nơi mặt đất, mụ ta ảo tưởng nghĩ ra cách bắt cá vàng phải phục vụ mình. Thế là mụ muốn làm Long Vương. Long Vương là vị vua đứng đầu cai quản nơi biển cả mênh mông, kì bí. Long Vương không chỉ có tất cả những thứ trên trần gian mà còn có những phép lạ siêu hình và nhận được sự tôn kính của rất nhiều người. Long Vương là vị trí không phải ai cũng có thể có được nhưng ngạo mạn, ngu ngốc hơn mụ ta lại muốn chính cá vàng, ân nhân của mình phải phục vụ. Điều này đã chạm tới lòng kiêu hãnh của cá vàng nên cuối cùng mụ ta bị trừng phạt thích đáng. Khi quay trở về nhà, ông lão lại thấy một cảnh tượng quen thuộc, mụ vợ ngồi trước túp lều rách nát bên cái máng lợn sứt mẻ.
Truyện cổ tích thường sử dụng phép lặp lại tăng tiến của các tình huống để khắc sâu thêm tính cách của nhân vật nên mỗi lần mụ vợ đòi hỏi là một lần mức độ lại nâng cao. Lòng tham của mụ ta cũng là lòng tham điển hình do nhân dân xây dựng. Lòng tham ấy ngày càng cao và đi đến tột đỉnh, từ thực tế đến ảo tưởng, từ của cải vật chất đến địa vị rồi cả hai. Bốn lần đầu, nhân dân còn chấp nhận đáp ứng yêu cầu của mụ nhưng đến lúc muốn đạt được vị trí ngoài tưởng tượng, siêu phàm thì nhất định nhân dân không thể tha thứ. Sự trừng phạt cho lần cuối cùng ấy không chỉ dành cho lòng tham vô đáy mà còn trừng phạt cá sự bội bạc của mụ ta. Lòng tham có thể tha thứ nhưng sự bội bạc thì không bao giờ có thể dung tha.
Chỉ qua hai chi tiết đòi hỏi làm Nữ hoàng và Long vương của nhân vật người vợ mà ta có thể khái quát được tính cách tham lam vô cùng và sự bội bạc của mụ ta. Qua đó phản ánh ước mơ của nhân dân trong cuộc sống, kẻ xấu sẽ bị trừng trị thích đáng.