Phân tích nhân vật mụ vợ trong truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng
Đề bài
Đề bài: Phân tích nhân vật mụ vợ trong truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng
Hướng dẫn giải
Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng là một trong những tác phẩm đặc sắc của nhà văn nổi tiếng người Nga Pu-skin. Trong tác phẩm này người đọc sẽ không thể nào quên chân dung của người vợ tham lam, bội bạc, đây là một trong hai nhân vật chính của tác phẩm.
Mụ là vợ của ông lão đánh cá nghèo, hai vợ chồng sống bên bờ biển, lấy việc đánh cá để sinh nhai. Trong một lần tình cờ nghe chồng nói bắt được một con cá vàng và hứa trả ơn cho chồng, mụ đã bắt lão ra biển đòi cá vàng trả ơn. Trái ngược với ông lão mụ vợ là một kẻ tham lam, nhưng lòng tham của mụ dường như không có giới hạn, hết lần này đến lần khác mụ đòi cá trả ơn mình. Ban đầu mụ đòi cá vàng một chiếc máng lợn, vì chiếc máng lợn ở nhà mụ sắp hỏng, yêu cầu này của mụ thiết thực, ta có thể chấp nhận được. Nhưng mụ lại tiếp tục đòi một ngôi nhà đẹp, chúng ta có thể chấp nhận và tha thứ vì cả đời này mụ đã phải sống trong căn nhà siêu vẹo, dột nát, mụ mong có căn nhà khang trang cũng hoàn toàn hợp lý. Đòi hỏi của mụ không dừng lại ở đó, nó ngày một tăng cao và quá quắt hơn. Mụ đòi làm nhất phẩm phu nhân, gắn với danh vọng và tiền bạc, mụ lại đòi làm hoàng hậu giờ đây không chỉ còn là tiền bạc mà còn là cả quyền lực và cuối cùng mụ muốn làm Long Quân – quyền năng nhất, có thể thống trị cá vàng để buộc cá vàng phải tuân theo mọi yêu cầu của mụ. Yêu cầu cuối cùng của mụ quả đã vượt quá giới hạn cho phép, mụ đã không những không nhận được sự đáp ứng của cá vàng mà mụ còn bị cá vàng trừng trị. Mụ đã mất tất cả nhà cửa, tiền bạc, danh vọng, địa vị để trở về làm mụ nông dân nghèo khổ cạnh túp lều nát và chiếc máng lợn sứt bên bờ biển. Với ông lão, có lẽ trở về cuộc sống trước đây chẳng có gì làm ông đau khổ bởi ông chưa từng một ngày được hưởng vinh hoa phú quý. Còn mụ vợ khi phải quay về với kiếp sống nghèo nàn thì mụ vô cùng đau đớn, bởi mụ đã ở đỉnh cao của quyền lực và danh vọng vậy mà chỉ trong chớp mắt tất cả đã tan biến. Sự trừng phạt của cá vàng với mụ thật đích đáng.
Mụ không chỉ là kẻ tham lam mà còn là một kẻ độc ác, bội bạc. Trước hết là với người chồng của mình, kể từ lúc được hưởng vinh hoa phú quý chưa một lần mụ để chồng mình được sống thoải mái, hạnh phúc. Ngược lại, ông lão trở thành tôi tớ để mụ sai khiến, hành hạ. Mụ phụ tình nghĩa với chồng, sẵn sàng quát mắng (đồ ngu, đồ ngốc) , đuổi đánh chồng (tát vào mặt, đuổi chồng đi). Ông lão càng phục tùng bao nhiêu thì mụ càng trở nên quá đáng, đối xử tệ bạc với ông bấy nhiêu. Ngoài ra, sự tệ bạc của mụ cũng được thể hiện trong mối quan hệ với cá vàng. Mặc dù cá vàng là người luôn giúp đỡ mụ, biến những ước mơ, yêu cầu của mụ thành hiện thực nhưng chưa một lần mụ cảm ơn cá vàng. Hơn thế, mụ còn muốn thống trị cá vàng để dễ bề sai khiến. Mụ quả là một kẻ bội bạc, phụ nghĩa, quên đi công ơn của mọi người đối với mình.
Để xây dựng lên chân dung mụ vợ tham lam, bội nghĩa, nhà văn Pu-skin đã sử dụng thành công bút pháp tương phản, đối lập. Bên cạnh một ông lão hiền lành, tốt bụng là hình ảnh mụ vợ độc ác, tham lam, xây dựng hai nhân vật đối lập trong tích cách, hành động càng làm nổi bật hơn bộ mặt phụ nghĩa của mụ vợ. Sử dụng ngôn ngữ phù hợp với tính cách, hành động của nhân vật (đồ ngốc, đồ ngu, mày, tao,…). Kết cấu đầu cuối tương ứng là bài học đắt giá giành cho kẻ tham lam, bội bạc như mụ.
Mụ vợ - nhân vật điển hình cho những kẻ xấu xa, tham lam. Đồng thời mụ cũng là đại diện cho giai cấp cầm quyền của Nga lúc bấy giờ, độc đoán, chuyên quyền, luôn áp bức nhân dân. Với nhân vật này tác giả thể hiện quan điểm, triết lí sống của mình: tham lam, bội bạc tất yếu sẽ bị trừng phạt đích đáng.