Phân tích Chị em Thúy Kiều hay - Ngữ văn lớp 9 tập 1
Đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" trích trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du là một đoạn trích quan trọng trong chương trình Ngữ Văn lớp 9. Chính vì vậy, Cunghocvui.com mời các bạn tham khảo bài Phân tích chị em Thúy Kiều dưới đây. Mong rằng với bài phân tích tích này, các bạn có thể hiểu rõ hơn về tác phẩm và nắm được cách phân tích bài thơ chị em Thúy Kiều.
Bài làm
Tác phẩm Truyện Kiều - hay còn gọi là Đoạn Trường Tân Thanh - là một tác phẩm nổi tiếng và quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Đây là bài thơ dài nhất trong nền thơ ca Việt Nam, là câu chuyện nói về nhân vật Thúy Kiều và cuộc đời đầy đau đớn, bi đát của nàng. Đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" là đoạn thơ đầu tiên giới thiệu về nhân vật này trong toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đọc đoạn trích, người đọc thấy được tài năng trong bút pháp ước lệ cùng nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật vô cùng tinh tế của nhà thơ.
Hình ảnh chị em Thúy Vân, Thúy Kiều xuất hiện trong hai câu thơ mở đầu của đoạn trích:
"Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân"
"Hai ả tố nga" cụm từ để chỉ những người con gái đẹp trong xã hội lúc bấy giờ, là lời giới thiệu sơ qua về ngoại hình của hai chị em. Trong đó, Thúy Vân là em, Thúy Kiều là chị. Hai người là con đầu lòng của một gia đình viên ngoại, đều có những vẻ đẹp khác nhau:
"Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười"
Nhà thơ Nguyễn Du đã rất khéo léo khi sử dụng hình ảnh "mai", "tuyết" để so sánh với tâm hồn của Thúy Vân, Thúy Kiều. Tâm hồn của họ ngay thẳng như cây mai, cũng đồng thời trong trắng như tuyết, cho thấy họ là những con người tuyệt đối thanh cao, khiến cho người đời không khỏi mến mộ. Mỗi người đều có một vẻ đẹp riêng, mười phân vẹn cả mười, người đọc không khỏi tò mò trước những vẻ đẹp, tài năng ấy. Nhà thơ miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân trước:
"Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da."
Chân dung của Thúy Vân hiện lên bằng những ngôn từ hay nhất, mĩ miều nhất "Khuôn trăng đầy đặn nét ngày nở nang". Cô em của Thúy Kiều có một khuôn mặt tròn đầy, cái mà người xưa cho rằng là dấu hiệu của sự phúc hậu, một cuộc đời an nhàn, hạnh phúc. Vẻ đẹp của Thúy Vân khiến cho hoa cũng phải cười, ngọc cũng phải thốt lên. Ở đây, ta thấy được đặc điểm riêng trong cách sử dụng ngôn từ của Nguyễn Du, nhà văn sử dụng hình ảnh "hoa", "ngọc" là những sự vật tượng trưng cho cái đẹp của cuộc đời. Do đó, nếu đến cả hoa, cả ngọc cũng phải trầm trồ trước vẻ đẹp của nàng thì vẻ đẹp của Thúy Vân thật sự đáng ngưỡng mộ, khó có ai có được một vẻ đẹp như vậy. Câu thơ tám chữ phía sau cũng tương tự như câu miêu tả phía trên, trước một mái tóc mượt mà, một làn da trắng mịn màng của Vân, mây và tuyết cũng không thể sánh bằng. Chúng đành nhường lại sự chiến thắng cho vẻ đẹp của nàng.
Nhưng trong cuộc so bì nhan sắc giữa hai chị em, thật khó để phân định thắng thua bởi nếu Thúy Vân đẹp một vẻ đẹp tròn đầy, phúc hậu thì Thúy Kiều lại mang vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm rất riêng:
"Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh"
Vẻ đẹp của Thúy Kiều được tác giả khắc họa ở độc một chi tiết: "Làn thu thủy nét xuân sơn". Câu thơ tuy ngắn nhưng lại gợi ra một hình ảnh so sánh tuyệt đẹp. Đôi lông mày của nàng thanh tú, tựa như làn nước mùa thu và mang cả dáng núi của mùa xuân. Bút pháp ước lệ cho thấy một bức tranh thiên nhiên qua đôi lông mày của Kiều. Hẳn là ở dưới đôi lông mày ấy là một đôi mắt long lanh, tinh khôi đầy sức hút. Nhưng trái lại, nếu vẻ đẹp của Vân khiến cho thiên nhiên phải chịu thua, chịu nhường thì vẻ đẹp của Kiều lại khiến cho thiên nhiên hờn ghen, đố kị. Hoa phải ghen vì không tươi thắm, liễu phải hờn vì kém xanh tươi. Chính sự hờn ghen, đố kỵ của thiên nhiên đã gợi mở ra cuộc đời sau này của Kiều, đó là một cuộc đời đầy truân chuyên và trắc trở.
Kiều không chỉ đẹp mà còn rất tài năng:
"Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương"
Nguyễn Du đặc tả những tài năng của Thúy Kiều, cho thấy nàng không chỉ là một cô gái đẹp mà còn rất có tài. Kiều giỏi cả cầm - kì - thi - họa - tiêu chuẩn đặt ra đối với những người con gái toàn vẹn ngày xưa. Nàng là một người con gái vẽ đẹp, đàn giỏi, làm thơ hay, đến mức bất kì một người nghệ sĩ tài năng nào cũng khó để vượt qua được. Đoạn trích kết lại bằng cuộc sống khuôn phép của gia đình chị em Thúy Vân, Thúy Kiều:
"Phong lưu rất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai"
Xuất thân trong một gia đình viên ngoại nhà họ Vương đầy khuôn phép và lễ nghĩa, chị em Thúy Kiều dù đã đến tuổi cập kê nhưng vẫn luôn giữ gìn khuôn phép, không bao giờ làm trái lời của cha mẹ. Thành ngữ "trướng rủ màn che" gợi tả một cuộc sống gia giáo, nề nếp xung quanh bốn bức tường trong một gia đình khá giả của hai chị em. Những gã đàn ông phong lưu không bao giờ là đối tượng được Thúy Vân, Thúy Kiều để ý tới.
Đoạn trích Chị em Thúy Kiều đã cho thấy sự tài hoa trong ngòi bút của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Ở từng câu chữ của ông, tả không chỉ đơn thuần là miêu tả, mà còn mở ra cuộc đời của nhân vật bằng bút pháp ước lệ và lời thơ tinh tế. Qua đó, ta cảm thấy khâm phục trước tài năng của ông.
Bài viết phân tích Chị em Thúy Kiều với việc phân tích sâu, làm nổi bật lên vẻ đẹp của hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều, Cunghocvui mong rằng các bạn sẽ đạt được kết quả học tập tốt nhất qua bài văn tham khảo này!