Đăng ký

Phân tích bài thơ Giải đi sớm (I) trong tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh.

974 từ Phân tích
Đề bài

Phân tích bài thơ

Hướng dẫn giải

BÀI LÀM

   Bài thơ được bắt đầu với một tiếng gà gáy. Một tiếng gà gáy trong đêm chữa tan gợi được bao nhiêu điều. Trong xã hội nông nghiệp cổ truyền phương Đông, tiếng gà thường có ý nghĩa thời gian. “Gà gáy một lần" ghi lại thời khắc của cuộc giải tù được bắt đầu từ rất sớm. Tiếng gà không chỉ dửng dưng thông báo thời khắc của cuộc giải tù, mà trong tiếng gà gáy ấy còn gợi lên cái tối tăm, lạnh lẽo, vắng lặng của đêm khuya. Trong đêm khuya khoắt ấy, tiếng gà dường như cũng vang xa hơn và do vậy ta thấy dường như lòng người cũng dễ tê tái hơn.

   Nhưng ở câu thơ thứ hai bỗng bừng sáng lên bởi hình ảnh "Chòm sao đua nguyệt vượt lên ngàn". Câu thơ không còn lạnh lẽo u ám, mà đầy ấm áp thi vị, đẩy ánh sáng của trăng sao. Người đi không cô đơn giữa trời đất, mà có những người bạn quen thuộc cùng lên đường. Một vầng trăng, một chùm sao đã bao lần xuất hiện trong thơ Hồ Chí Minh, bây giờ lại cùng Người trong buổi giải đi sớm. Cảnh vật dường như cũng quấn quít hơn. "Quần" trong “quần tinh” nếu dịch sát nghĩa là “bầy”, “đàn” gợi cảm giác đông vui hơn là “chòm”. Chòm sao xoắn xít nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu mà dịch là “Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn" thì mất đi chữ “thu ’’ trong thu sang. Núi mùa thu rất khác với “ngàn", vì cụm từ trước gợi chất thơ nhiều hơn. Điều đáng nói là chúng ta gặp ở đây một tâm hồn rất giàu chất nghệ sĩ. Dù bị giải đi sớm mà vẫn cảm nhận được cái chất thơ, cái thi vị nơi một vầng trăng, một chòm sao, một đỉnh núi mùa thu. Điều này cho thấy vẻ đẹp của một tâm hồn ngliệ sĩ nơi Hồ Chí Minh.

   Ở bài Tảo giải còn một vẻ đẹp khác nữa. Đó là vẻ đẹp lồng lộng của tư thế con người trước hoàn cảnh khác nghiệt mà hai câu ba và bốn diễn ta rất thành công:

   Người đi cất bước trên đường thầm.

   Rát mặt đêm thu trận gió hàn

   Bản dịch dù đã khá công phu, song vẫn không lột tả hết được cái hay của nguyên tác. Trong nguyên tác, hoàn cảnh khác nghiệt hơn, mà con người cũng chủ động hơn, nên dường như đẹp hơn. Con đường trong nguyên văn dường như xa hơn. Xa hơn vì hai chữ “chinh ” trong câu thơ “Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng” tạo nên một âm vang thăm thẳm; xa hơn, vì chữ ‘chinh nhân" là người đi xa mà ở bản dịch chỉ còn lại là "người đi” một cách chung chung. Những trận gió rét trong nguyên tác dường như cũng dữ dội hơn. Đó là “trận trận hàn” chứ đâu chỉ là “trận gió hàn”. Hình bóng con người trong nguyên tác cũng như chủ động hơn. Chủ động vì con người “nghênh diện ’’ đón nhận hoàn cảnh, chứ không phải “rát mặt” hứng chịu như bản dịch diễn ta.

   Bài thơ diễn tả một buổi giải đi sớm khi đêm chưa tan với gió rét đường xa. Vậy mà lòng người vẫn cảm nhận được một tiếng gà, một vầng trăng, một chòm sao. Cảnh vật vừa gợi lên cái thi vị, lãng mạn, lại đầy khắc nghiệt. Trên nền trời đất ấy hiện lên hình bóng một con người ung dung cất bước. Hình ảnh ấy đẹp, lãng mạn và cũng bi tráng.