Đăng ký

Phân tích bài “Dương phụ hành” của Cao Bá Quát

2,314 từ

Phân tích bài “Dương phụ hành” của Cao Bá Quát

Vẫn thể Đường thi xưa, vẫn âm điệu, vần luật cũ, nhưng từ đề tài, nhân vật, đến kết cấu, cách nhìn, cảm xúc... có nhiều điểm mới. Hình như trước Cao Bá Quát chưa ai viết như vậy.

Tám câu thơ, hai khổ tứ tuyệt, không cần đề, thực, luận, kết. Vào bài, rồi vẽ người, dựng cảnh luôn. Bức tranh hiện rõ hai hình ảnh đối mà không chọi, đối mà không cân xứng, quá xa với quan điểm hội họa phương Đông. Người thiếu phụ Tây Dương tọa hưởng hạnh phúc lứa đôi dưới trăng sáng (tọa minh nguyệt) chiếm lĩnh rộng, dài suốt bảy dòng thơ. Chỉ còn lại mấy chữ cuối “Nam nhân hữu biệt li” - người Nam đang chịu cảnh cô đơn li biệt, - dành cho nhà thơ, một đấng mày râu vốn ngang tàng khinh bạc. Đọc suốt mấy trăm năm thơ văn trung đại nước ta, kể từ thời Lí - Trần, đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều..., chúng ta chỉ gặp toàn những hình ảnh, những cảnh đời, những số phận khổ đau, bất hạnh, bị lệ thuộc, bị khinh rẻ, lãng quên. Chưa thấy một ai, chưa có một chân dung nào của “thân bồ liễu” được văn chương tái tạo rõ nét, mạnh bạo, vừa đẹp đẽ, vừa chứa chan hạnh phúc như thế. Từ cái áo “trắng như tuyết”, đến cái cử chỉ “kéo áo chồng”, rồi cách cư xử bình đằng, quá bình đẳng “tay biếng cầm cốc sữa... nũng nịu đòi chồng đỡ dậy...”. Tất cả cứ diễn ra đàng hoàng, tự nhiên giữa biển trời, dưới trăng sáng, thách thức cả gió rét đêm sương. Bài thơ có ba nhân vật. Một phụ nữ như thế, hồn nhiên, chủ động. Còn hai người đàn ông? Người chồng... thì đã đành. Anh là cội nguồn cho ra hạnh phúc cho nàng, anh sẵn sàng “để nàng tựa vai”, “đòi nâng đỡ dậy”, như chiều chuộng, như nâng niu. Còn nhà thơ của chúng ta, khác gì ngọn đèn trước trăng sáng, hòn đảo giữa biển khơi. Trăng và biển là thiên nhiên, là vũ trụ, cũng là ánh sáng trong lành, là bao la trời đất soi to, chở che hạnh phúc mà người phụ nữ kia đang được hưởng. Nhìn thấy nhỡn tiền rồi ghi lại bằng những câu thơ uyển chuyển, chân xác với một cảm hứng trân trọng, đồng tình, không chút ghét ghen, đố kị, nhà thơ - vốn lớn lên từ cửa Khổng sân Trình, nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ - phải có một nhãn quan đổi mới, một cách nhìn mạnh bạo lắm lắm! Cách nhìn ấy vừa tạo những cảm xúc thẩm mĩ mới, vừa góp phần tự phê phán tích cực:

Tân Gia từ vượt con tàu,
Mới hay vũ trụ một màu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà,
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi 

Có thể nói “sự bừng tỉnh” của một số nhà nho sĩ nước ta khi xúc tiếp với thế giới bên ngoài, từ Lê Quí Đôn (thế kỉ XVIII), đến Cao Bá Quát (giữa thế kỉ XIX), sau này có Nguyễn Trường Tộ, đã cất lên những tiếng nói dũng cảm chống lại những quan điểm bao thủ hẹp hòi, tư tưởng “duy ngã độc tôn” không chỉ trong tầng lớp thi thư mà cả tỏa ánh sáng ra toàn xã hội. Phải chăng cũng từ đó mà suốt cả trăm năm trên đất nước Việt Nam luôn xuất hiện những hành động phản nghịch, những con người phản nghịch chính đáng. Đáng tiếc là giai cấp phong kiến thống trị từ Lê Trịnh đến nhà Nguyễn quá trì trệ, bảo hoàng. Trở lại với bài Dương phụ hành, chúng tôi thấy, tuy vóc dáng nhỏ nhắn, nó vẫn đủ tư thế đế mở cửa cho cuộc hành trình mới, một cách nhìn một mơ ước, một khát vọng.
Chúng ta hãy ngắm lại bức tranh đời mà nhà thơ đã vẽ. Tám, chín phần dành nét tằi hoa, sảng khoái cho hạnh phúc lứa đôi của thiên hạ. Chỉ còn một hai phần chấm phá về mình. Thiên hạ “tọa minh nguyệt” - ngồi dưới trăng sáng. Còn mình: “đăng hỏa minh” - ngọn đèn sáng (bản dịch là “đèn le lói”, e không sát ý tình của thơ). Thiên hạ thì chồng vợ để huề, áo ấm, miếng ngon. Còn mình thì “hữu biệt li” - chỉ có sự biệt li làm bạn. Cùng một gầm trời, cùng cảnh ngộ lênh đênh đất khách, mà sao đôi nơi ấm lạnh khác vời làm vậy? Kết bài là một câu thơ buông lửng: “khởi thức Nam nhân hữu biệt li” - Hỏi có biết người Nam đang ở cảnh biệt li? Nửa muốn hỏi người, nửa tự thán, bùi ngùi, cám cảnh cho mình. Phảng phất đâu đây cái âm hưởng trong câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Du: “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Nguyễn Du dám xưng tên với thiên hạ. Thật là mạnh dạn và thống thiết. Còn Cao Bá Quát, Chu Thần tiên sinh từng nổi tiếng một thời, chỉ tự gọi mình là “nam nhân”, một người phương Nam nào đó, vô danh, vô ảnh. Khiêm tốn và đắng cay biết nhường nào! Nếu hiểu rằng thời gian làm bài Dương phụ hành này, Cao Bá Quát đang chịu án phạm luật về thi cử, bị cách chức, làm tùy tùng hầu hạ phái bộ An Nam đi công cán Tân Gia Ba, chúng ta thấm thìa hơn cái thân phận đớn đau và cảm xúc nhân tình, nhân ái của cụ. Thấy người hạnh phúc, mừng cho người, không chút tị hiềm, dè bỉu, còn mình bất hạnh, bất hạnh từ cái danh kẻ sĩ đến cái tình phu thê, cố hương, cố quốc..., chỉ đành lặng im, nhưng là sự lặng im trong suy nghĩ, đối chất, chứ không phải lặng im đầu hàng.

Cổ nhân nói: “Người cùng thì thơ hay”. Cao Bá Quát cũng đã nói “Người cùng thơ dễ hay, người đạt thơ khó hay”. Quan điểm của thầy Huấn đạo họ Cao không cực đoan như người cổ. Song đọc những bài thơ của cụ, đến bài Dương phụ hành này, chúng ta vẫn thấm sâu hơn cái chân lí: Muốn có thơ hay, nhà thơ phải từng nếm trải những cay đắng của cuộc đời, chí ít cũng phải biết cảm thông, chia sẻ với những con người đắng cay, cùng cực. Điều cao cả hơn nữa ở hồn thơ Cao Bá Quát là: Trong khi mình cay đắng, cùng cực như thế, mà vẫn chấp nhận và trân trọng vị ngọt ngào, hạnh phúc của người khác ở những phương trời khác. Bài thơ Dương phụ hành, vì thế vừa ló dạng một cách nhìn mới mẻ, vừa đậm đà cảm hứng nhân văn. Tất cả, bắt nguồn từ một bản lĩnh làm người, bản lĩnh Cao Bá Quát.

shoppe