Nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trong bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh
Nêu cảm nhận của em về đoạn thơ dưới đây trong bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh:
“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục ... cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ”.
(“Tiếng gà trưa”, Xuân Quỳnh)
A. Hướng dần làm bài
- Đề bài yêu cầu nêu cảm nhận về đoạn thơ đã đẫn trong bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh.
- Biểu cảm dựa trên ý tứ đoạn thơ đã dẫn trong bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh; từ những tình cảm, cảm xúc chân thật của bản thân về tình yêu quê hương, về tình cảm bà cháu.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳnh và bài thơ “Tiếng gà trưa”.
+ Giới thiệu và trích dẫn đoạn thơ.
Thân bài:
+ Khái quát nội dung bài thơ, vị trí đoạn thơ trong bài thơ (phần mở đầu).
+ Hoàn cảnh của người lính: đang trên đường hành quân xa, trưa nắng, mệt mỏi; dừng chân nghỉ bên xóm nhỏ.
+ Tiếng gà vang lên giữa trưa vắng tạo nên bao thay đổi trong tâm hồn người chiến sĩ: “xao động nắng trưa”, “bàn chân đỡ mỏi”, “gọi về tuổi thơ”.
Điệp từ “nghe” gợi sự tha thiết của tiếng gà và tâm trạng bồi hồi, xúc động của người chiến sĩ.
-> Tiếng gà trưa giản dị nhưng là âm thanh quen thuộc của mọi làng quê Việt Nam, gắn bó với tuổi thơ của mỗi con người.
-> Tiếng gà trở thành biểu tượng của quê hương, của tuổi thơ.
-> Người chiến sĩ có tâm hồn vô cùng tinh tế, nhạy cảm; tình yêu quê hương, yêu gia đình.
Kết bài:
+ Vai trò của đoạn thơ đối với cả bài thơ.
+ Bài thơ là tiếng thơ thể hiện tình yêu gia đình, yêu đất nước tha thiết.
B. Bài văn mẫu
Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh vốn nổi tiếng với những bài thơ tình dào dạt. Nhưng trong “Tiếng gà trưa”nhà thơ đã khai thác cảm xúc từ những điều gần gũi, bình dị nhất, từ kỉ niệm tuổi thơ để từ đó ghi lại trong lòng người đọc dấu ấn khó quên.
Tên bài thơ ngay từ đầu đã gây ấn tượng với bạn đọc, gợi lên cho ta một cảm nhận thú vị. Tại sao tác giả lại lấy tên “Tiếng gà trưa” làm nhan đề. Có phải tiếng gà trưa là nguồn cảm hứng cho nhân vật? Điều này được tác giả lí giải rất rõ ràng trong khổ thơ đầu của bài thơ.
Cảm xúc trong bài thơ thật tự nhiên và giản dị. Tình cờ giữa buổi trưa hè, trên đường hành quân ra trận, anh chiến sĩ ngang qua một ngôi làng. Bỗng từ đâu trong xóm vang lên một tiếng gà trưa đã gợi nhớ biết bao kỉ niệm, gọi người chiến sĩ về với tuổi thơ. Tiếng gà trưa dường như đã níu kéo bước chân anh, khiến trái tim anh thổn thức. Tiếng gà trưa hay tiếng gọi của quá khứ, của kỉ niệm. Cảm hứng thơ trào lên cùng bao kí ức êm đẹp về tuổi thơ một thời, ở đó còn có người bà yêu thương, hiền từ. Từ đó gợi lên trong lòng anh chiến sĩ nỗi nhớ da diết, ở đây, mạch cảm xúc diễn ra theo quy luật tự nhiên của tâm lí. Thời điểm hiện tại nghe tiếng gà trưa bên xóm nhỏ, nhân vật trữ tình hướng về quá khứ êm đẹp của tuổi thơ.
Khổ thơ có điệp ngữ “nghe” được nhắc đi nhắc lại như để nhấn mạnh cảm giác khi nghe tiếng gà trưa của người chiến sĩ. Âm thanh ấy đã gọi anh về với tuổi thơ, anh còn cảm nhận thấy tiếng gà trưa biết đánh thức tâm hồn, lan tỏa ra cảnh vật, nâng đỡ anh trên từng chặng đường hành quân gian nan, vất vả. Chác hẳn âm thanh ấy đã gắn bó với anh suốt quãng thời gian thơ bé. Đặc biệt nó còn gắn với hình ảnh người bà tần tảo, thương yêu cháu hết lòng. Bà chăm chút từng li từng tí cho cháu, bà chăm đàn gà cũng là chăm cho đứa cháu yêu. Âm thanh ấy nhắc anh nhở lần bị bà mắng vì nhìn trộm gà đẻ, nhắc anh nhớ nỗi lo âu của bà khi đông tới, đàn gà sẽ toi và biết lấy gì mua quần áo cho cháu... Từng việc làm nhỏ ấy của bà càng khiến anh bồi hồi, xúc động. Nếu như chỉ là một tiếng gà trưa vẫn cất lên mỗi ngày nơi thôn quê thì có lẽ sẽ không mang lại cho anh chiến sĩ những cảm xúc như thế. Nhưng ở đây, tiếng gà trưa gắn với từng hình ảnh, từng kỉ niệm sâu sắc nên dù bất chợt nghe tiếng gà nhảy ổ cũng khiến anh chiến sĩ nhớ về tuổi thơ, về hình ảnh của những con gà mái mơ, mái vàng và tình yêu của bà. Cùng những ước mơ nhỏ bé của tuổi thơ, anh chiến sĩ càng vững tay súng ra đi bảo vệ quê hương. Rồi mai đây tiếng gà trưa sẽ đi vào cuộc chiến đấu cùng anh, khắc sâu hơn nữa tình yêu quê hương, đất nước.
Có nhà văn nói rằng, yêu quê hương là yêu từng mái nhà, yêu dòng sông, yêu con đường nơi mình sinh ra...và dần lớn hơn là tình yêu đất nước. Tình yêu quê, tình yêu Tổ quốc đâu phải cao xa mà vô cùng gần gũi và giản dị. Với anh chiến sì, tình yêu ấy bắt nguồn từ tiếng gà trưa quen thuộc, từ tình yêu của bà và những kỉ niệm thời ấu thơ. Nó sẽ theo anh mãi trong từng chặng đường chiến đấu của tương lai...