Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa (Bài 2)
Đề bài
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa
Hướng dẫn giải
Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường với những rung cảm, khát vọng mãnh liệt của một trái tim người phụ nữ chân thành, đằm thắm. Thơ Xuân Quỳnh đa dạng với nhiều đề tài phong phú như tình yêu quê hương đất nước, tình bà cháu, tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi,... Bài thơ “tiếng gà trưa” được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ vừa là tiếng nói của tình cảm gia đình, vừa là câu chuyện của thời đại. Tình yêu bà gắn với tình yêu tổ quốc, tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương, đất nước.
Mạch cảm xúc của bài thơ luân chuyển từ hiện tại trở về quá khứ và sau cùng lại về với thực tại. Sự thay đổi về thời gian cũng chính là sự luân chuyển dòng cảm xúc của tác giả. Mở đầu bài thơ, với giọng điệu nhẹ nhàng, tự nhiên cùng lời lẽ ngắn gọn, hàm súc Xuân Quỳnh đã khiến người đọc hình dung ra câu chuyện về người chiến sĩ trên đường hành quân mệt mỏi, dừng chân nghỉ lại nơi xóm làng ban trưa, nghe thấy tiếng gà nhảy ổ và bất giác nghĩ về kỉ niệm tuổi thơ cùng người bà kính yêu của mình:
“Trên đường hành quân xa
.... Nghe gọi về tuổi thơ”
Tiếng gà trưa được mô phỏng rất cụ thể “cục...cục tác cục ta” gợi lên sự thân thương, quen thuộc đối với người chiến sĩ, nó chính là âm thanh khơi gợi niềm xúc cảm trong lòng người. Từ “nghe” được điệp lại ba lần với những hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “Nghe xao động nắng trưa, nghe bàn chân đỡ mỏi, nghe gọi về tuổi thơ” đã khẳng định sức lan tỏa của tiếng gà, nó không chỉ làm thay đổi về ngoại cảnh, về cảm giác mà còn thấm sâu vào tâm hồn với sức mạnh đánh thức tiềm thức của tuổi thơ, gọi những cảm xúc dường như đã được ngủ quên thức dậy. Những dấu ấn tuổi thơ cùng tình cảm bà cháu chợt ùa về.
Những kỉ niệm tuổi thơ của người chiến sĩ hiện về vô cùng bình dị, hồn nhiên. Đó là hình ảnh về những ổ rơm hồng đầy trứng, con gà mái mơ hoa đốm trắng, con gà mái vàng lông óng như màu nắng. Cách gọi thân thương “này...này” cũng cách miêu tả rất chi tiết về con vật cho thấy đây đều là những hình ảnh rất đỗi gần gũi, thân thuộc đối với người chiến sĩ. Đó còn là kỉ niệm xem trộm gà đẻ trứng, bị bà mắng rồi dại khờ lo lắng bị lang mặt. Kí ức tuổi thơ hồn nhiên, ngây ngô, sáng trong ấy là kỉ niệm không bao giờ quên đối với người chiến sĩ. Những kỉ niệm ấy còn là niềm vui của con trẻ khi được bộ quần áo mới. Sống lại những kỉ niệm tươi đẹp, hồn nhiên của tuổi thơ, người chiến sĩ như được tiếp thêm tinh thần, động lực chiến đấu. Nhà thơ đã miêu tả rất nhiều chi tiết, những hình ảnh thân thuộc với làng quê Việt Nam, tạo nên sự gần gũi thân thương đối với mỗi người.
Cùng với những kỉ niệm tuổi thơ, hình ảnh về bà cùng tình bà cháu thiêng liêng, sâu nặng cũng được vọng về qua tiếng gà trưa.
“Tiếng gà trưa/Tay bà khum soi trứng
...Để cuối năm bán gà/Cháu được quần áo mới.
Hình ảnh người bà tần tảo, chắt chiu trong cảnh nghèo khó với bàn tay khum khum soi trứng, lo cho đàn gà toi khi gió mùa đông tới, mong trời đừng sương muối để cháu có được bộ quần áo mới thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc tận tâm mà bà dành cho các cháu. Tình bà cháu thiêng liêng, thắm thiết thật khiến lòng người xúc động. Ta trân quý tình bà tần tảo hi sinh để chăm lo cho đàn cháu, ta thương cảm tình cháu kính yêu và biết ơn bà.
Tiếng gà trưa không chỉ đánh thức bao kỉ niệm tuổi thơ tươi đẹp, trong sáng, vọng về tình cảm bà cháu thiêng liêng, cao quý mà tiếng gà ấy còn mang đến bao nhiêu hạnh phúc với những giấc mơ hồng sắc trứng. Tất cả những điều ấy đã thôi thúc, giục giã mục đích chiến đấu của người chiến sĩ ngày hôm nay:
“Cháu chiến đấu hôm nay
...Ổ trứng hồng tuổi thơ”
Điệp từ “vì” được lặp lại bốn lần trong một khổ thơ để nhấn mạnh mục đích chiến đấu của người chiến sĩ. Các anh gác bút nghiên lên đường ra trận không phải vì riêng bản thân mình mà vì tất cả, vì Tổ quốc, vì xóm làng, vì bà, vì cả tiếng gà cục tác. Các đối tượng được liệt kê theo hướng cụ thể hóa, từ mục đích cao cả, thiêng liêng, lớn lao đến những mục đích cụ thể, giản dị, gần gũi. Có thể thấy, tình cảm gia đình đã làm phong phú, sâu sắc tình yêu quê hương, đất nước.
Tiếng gà trưa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch cảm xúc của bài thơ, gợi nhắc những kỉ niệm, khơi gợi những tình cảm và là động lực chiến đấu của người chiến sĩ. Mỗi lần tiếng gà trưa được lặp lại là mỗi lần ta bắt gặp một dòng cảm xúc da diết, nghẹn ngào. Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, trìu mến, da diết bài thơ “tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh đã gợi về tình cảm bà cháu cao quý, thiêng liêng đầy cảm động và chính từ tình cảm đó trở thành động lực để bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. Bài thơ dường như có một góc khuất sâu xa nào đó trong kí ức của chính tác giả được sống dậy, đó là một tuổi thơ nghèo khó, khổ cực nhưng ấm áp bên bà. Chính vì thế càng hiểu sâu bài thơ càng khiến ta xót lòng thương cảm.
Mục lục Văn mẫu | Văn hay 7 theo từng phần:
Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 7 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 7 và Những bài văn hay đạt điểm cao lớp 7.