Kể lại cuộc gặp gỡ với người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Đề bài
Đề bài: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.
Hướng dẫn giải
Để kỉ niệm ngày 27.7 ngày thương binh liệt sĩ, biết ơn những người anh hùng dân tộc đã hi sinh cả cuộc đời vì nước, vì dân, vì hòa bình độc lập, trong xã tôi long trọng tổ chức buổi họp mặt liên hoan dành cho các cựu chiến binh, giúp cho những người đồng đội được gặp mặt nhau sau lửa đạn chiến tranh. Tôi vui và vinh dự lắm vì tôi được mời tham gia văn nghệ, góp một vài tiết mục nhỏ để buổi lễ được thành công tốt đẹp. Và cũng tại nơi đây, có biết bao người lính cách mạng bước ra từ lửa đạn chiến tranh đã tụ họp về đây, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm của ngày xưa, cái ngày mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Thật may mắn biết bao khi tôi được tận mắt thấy, tận tai nghe những câu chuyện của những người lính già lái xe trên tuyến đường Trường Sơn năm nào. Họ chính là những người lính anh hùng, can đảm, tếu táo, tinh nghịch trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật từ trên trang sách bước ra cuộc đời thực, kể về câu chuyện của mình năm xưa. Và người được mời lên sân khấu, để trò chuyện với khán giả với các thanh niên nhi đồng bên dưới là người lính lái xe Phạm Quốc Huy, chính là người bạn cùng đơn vị, tổ công tác vận tải với nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Bác Huy khuôn mặt đầy phấn khích, tuổi độ 70, râu tóc bạc phơ, nhưng ngoại hình toát lên vẻ cương nghị, mạnh mẽ đang khoác trên mình bộ quân phục màu xanh với đầy đủ các loại huân huy chương lấp lánh sao vàng. Đôi mắt nhìn xa xăm, rực lửa như đang hồi tưởng lại những kí ức vàng son của một thời oanh tạc đầy gian nan trong thời kì kháng Mĩ, hòa cùng với giọng nói trầm ấm, ngân vang, toát lên nghị lực đầy dũng khí, kiên cường của người lính bước ra từ lửa đạn chiến tranh:
- Lời đầu tiên, tôi xin gửi lời chào tới Ban biên tập chương trình, tới các vị khách mời cùng tất cả các anh em đồng chí và các cháu thanh niên, thiếu niên nhi đồng. Cám ơn tất cả mọi người đã tổ chức buổi lễ mít tinh này để anh em đồng đội chúng tôi được gặp nhau. Tôi rất vinh dự được mời làm người đại diện, thay mặt cho anh em đồng đội chia sẻ với mọi người về những năm tháng chiến đấu hào hùng trong kháng chiến chống Mĩ của dân tộc. Đây đều là những câu chuyện, những lời nói chân thành, xuất phát từ sự trải nghiệm có thật nên vô cùng chân thực. Hi vọng qua lời chia sẻ này của tôi, thế hệ trẻ sẽ tiếp bước cha anh, giữ vừng nền hào bình của tổ quốc thân yêu, phát huy truyền thống yêu nước dân tộc, biết ơn người người đã có công với đất nước.
- Vâng, thưa bác, câu hỏi đầu tiên mà cháu muốn hỏi Bác là: Bác có phải là người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn, một trong các người lính được nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" không ạ?
- Đúng rồi cháu, bác chính là người lính cùng đơn vị công tác chiến đấu với ông Duật, ông Duật viết rất nhiều thơ về người lính và các cô gái thanh niên xung phong. Mà cứ bài nào ông Duật cho ra đời là anh em chúng đều truyền tay nhau mà đọc. Trong đó anh em chúng tôi thích nhất "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" bởi tác phẩm không hề tô vẽ hiện thực mà hoàn toàn đều là sự thật cuộc sống, được đưa vào trong thơ toát lên sự gian khổ, vất vả, hiểm nguy và cả tính cách lạc quan, dũng cảm huy hoàng của chúng tôi nữa.
- Dạ, chúng cháu là những thế hệ trẻ, dù không trực tiếp phải chiến đấu nhưng phần nào cũng hiểu được những điều đó qua sách vở, qua các tư liệu để lại. Tuy nhiên, cũng có nhiều điều sách vở không thể ghi hết được, vì thế cháu rất nóng lòng muốn bác chia sẻ chi tiết hơn những năm tháng hồi chiến đấu của bác với các đồng đội của mình ạ!. Như cháu được biết, tuyến lửa Trường Sơn khi ấy là con đường huyết mạch của quân ta, bác có thể nói thêm cho chúng cháu biết về sự hoạt động của quân ta trên tuyến đường được không ạ?
- Như mọi người đã biết, sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thực hiện hòa bình thống nhất. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã từng nói: "đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lí đó không bao giờ thay đổi. Và dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì cũng phải quyết tâm giành cho được độc lập". Từ tâm nguyện và sự quyết tâm ấy mà miền Bắc từ 1954 đến 1975 đã phải song song làm hai nhiệm vụ: một là xây dựng xã hội chủ nghĩa, hai là chi viện, giúp đỡ miền Nam với khẩu hiệu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", từ lương thực, binh lực cho đến vũ khí, đạn dược.... tất cả "vì miền Nam ruột thịt". Và khi đó, mọi thứ được quân dân miền Bắc vận chuyển dọc theo tuyến quốc lộ 1A – con đường huyết mạch nối từ Bắc vô Nam. Nhưng con đường này quá quen thuộc nên nhanh chóng bị Mĩ phát hiện và chúng ném bom phá hủy chặn đứng sự tiếp tế, nhằm ngăn cách liên lạc giữa hai miền. Vì thế, quân dân ta đã phải tìm ra một con đường đi mới, đó chính là tuyến đường đi qua phía Tây Thừa Thiên. Chỗ đó là dãy Trường Sơn - ranh giới ngăn cách biên giới Việt Nam – Campuchia và chúng ta đã đi theo con đường mòn của đồi núi ấy để tiếp tục chi viện cho miền Nam, tạo thành con đường huyết mạch chạy khắp phía tây của đất nước, nối giữa hai miền. Cho nên, hằng đêm có hàng nghìn, hàng vạn những chuyến xe, cả xe vận tải lẫn xe ba gác, xe đạp... trở đầy lương thảo, vũ khí quân dụng thay nhau xung vào chiến trường miền Nam. Ban đầu thì Mĩ không phát hiện được ra điều này do không nắm vững được địa hình đồi núi của đất nước ta, nhưng không bao lâu, dưới sự tình báo gián điệp nên Mĩ đã phát hiện và chúng bắt đầu cho dải bom từ miền Nam ra miền Bắc, với mục đích cày nát đường đi, cắt đứt mọi sự giúp đỡ từ Bắc vô Nam.
- Dạ vâng, trước tình hình đó, các bác đã chống chọi với bom rơi đạn nổ của giặc Mĩ như thế nào, thưa bác?
- Chúng tôi đã cùng nhau động viên nhau, tiến lên phía trước. Chính bản thân tôi là người cầm lái, mặc dù tim đập thình thịch vì trước mắt chính là cái chết, là đang đối diện với tử thần:
Xe lên đường 9 cheo leo
Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau
Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu
Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh
Và lại đường đầy hố chông, hố bom nên những ai không cầm chắc tay lái thì không dám cầm vô lăng. Những chiếc xe vận tải ban đầu được chúng tôi trang bị rất đẹp, đầy đủ phụ kiện nhưng do sự tàn khốc của chiến tranh, bom rơi đạn nổ, đường đất đá gập ghềnh lên đèo xuống dốc nên đã bị tàn phá khủng khiếp, không có kính, không có đèn rồi cũng chẳng có cả mui xe. Thùng xe do va quệt, đất đá bắn vào nên cũng bị trầy xước hết cả. Nếu các cháu tận mắt nhìn những chiếc xe đó thì chẳng khác nào trông thấy một đống sắt vụn hoen rỉ. Còn những chiếc xe mà các cháu trông thấy trong bảo tàng quân đội ấy là những chiếc xe đã được sửa chữa, lắp giáp, sơn dầu lại để trưng bày mà thôi.
- Cháu đang hình dung, khi cháu phải lái một chiếc xe như vậy, chắc cháu không giám ngồi vào để thử mất. Bởi nó có nhiều nguy hiểm từ ngoại cảnh xung quanh lắm bác nhỉ!
Người lính già sôi nổi tiếp luôn lời:
- Cháu cũng lái xe rồi, cháu biết đó, xe không kính, không gương thì nguy hiểm lắm chứ. Có thể nói là sự sống và cái chết gần nhau như gang tấc mà thôi. Đường đất đá gập ghềnh, lại thêm thời tiết hanh khô nên mối đe dọa đầu tiên chính là bụi. Bụi tốc vào người, vào mặt, vào quần áo, tới mức không thể mở nổi mắt ra mà nhìn đường, mà sơ xuất cái là tông ngay xuống vực. Địa hình thì vòng vèo, uốn khúc, nhiều chỗ gấp khúc quanh co nếu không để ý thì cả người cả xe lao luôn xuống vực thẳm, hoặc tông vào hốc đá, gốc cây bất kể khi nào không hay. Có khi đang đi, bỗng gặp cơn mưa rào bất chợt, lúc ấy quần áo đang dính đầy bùn đất lại thêm mưa tuôn, mưa xối xả tấp vào người, vào mặt, lại thêm những con vắt, con rĩn trong rừng cứ mưa là ra bắm đầy tay chân, thật chẳng khác nào cực hình, vừa bẩn, vừa ngứa ngáy khó chịu, khiến việc lái xe vô cùng khó khăn.
Xe lao qua dốc qua đồi
Gió tây giội lửa ồi ồi sau lưng
Bụi bay, bụi đỏ lá rừng
Mịt mù lối kín, cát bưng đường hầm
Nóng nung vạt áo ướt đầm
Thương con bướm trắng quạt ngầm suối khô.
Thế nhưng, trong lòng như thúc giục, các bác đã lấy tiếng hát để át lại tiếng súng, tiếng bom, vừa đi vừa ngân nga, ngêu ngao hát để quên đi nỗi vất vả. Mỗi lần đưa được hàng hóa tới nơi thì thật là một kì tích đấy cháu.
Kể tới đây, bỗng người lính già hát lên bài hát "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", thật mộc mạc, tự nhiên, chân chất. Vừa hát, tay vừa đưa ra như đang điều khiển chiếc xe tiến về phía trước:
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây
Trường Sơn Tây anh đi
Thương em thương em bên ấy mưa nhiều
Con đường là gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài mà tay áo
Hết rau rồi em có lấy măng không...
Bác mỉm cười, khuôn mặt ánh lên vẻ rạng rỡ và tự hào. Lời bác hát như chất chứa bao nhiệt huyết, bao sôi nổi của một thời tuổi trẻ nơi chiến trường. Bác dường như đang được sống lại những phút giây lịch sử ấy. Không hiểu sao ngay lúc này, những lời thơ của Phạm Tiến Duật lại ùa về, ngân nga trong lòng tôi. Đó chính là một thực tế ở chiến trường ngày ấy. Thế mà, những người lính cụ Hồ vẫn tràn đầy lạc quan, yêu đời, và tin tưởng vào một ngày mai chiến thắng! Bác lại nói tiếp:
- Sau mỗi lần trở hàng ra tiền tuyến, các bác trên dọc đường trở về, có nghỉ ngơi một vài chỗ, những lúc nghỉ ngơi ấy được gặp lại đồng hương, bạn bè đồng đội giữa khói lửa chiến tranh như thế thì mừng lắm. Tình đồng chí lúc ấy đối với người lính như các bác đây nó gần gũi, chân thật, thiêng liêng và cao quí lắm. Các bác đã chia nhau từng nắm cơm, giấc ngủ, cho tới từng cuộn chỉ, kim khâu. Sẵn sàng kể cho nhau nghe những câu chuyện về gia đình, về nỗi nhớ cha mẹ, vợ con và tặng cho nhau cả những bài thơ mới việt vội nữa. Người lính mà, dễ bắt chuyện làm quen và thân thiết lắm, một mặt cũng để giải khuây cho đỡ buồn, một mặt là cùng chí hướng cách mạng nên ai cũng như ai, luôn giúp đỡ, coi nhau như anh em ruột già máu mủ trong gia đình: chung bếp lửa Hoàng Cầm, chung bắt đũa là như cảm thấy thân quen tự lúc nào.
Đang kể, bỗng dưng giọng bác trầm xuống, trong lòng dâng lên một nỗi xúc động ngẹn ngào:
- Và cũng có biết bao nhiêu những đồng đội của bác nằm tại chiến trường xa xôi ác liệt. Vừa mới tay bắt mặt mừng, kể cho nhau đủ thứ chuyện trên đời, thế mà chỉ trong tích tắc đã thấy xác đồng đội hi sinh ngay trước mắt mình, trong lòng cảm thấy như dao cứa vào da vào thịt vậy. Chôn cất vỗi vã người bạn, người đồng đội của mình, các bác lại phải lên đường ngay tức khắc. Bởi nếu ở quá lâu, giặc phát hiện, chúng ném bom xối xả thì không có cơ man nào mà thoát nổi.
- "Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim". Vâng, lời thơ cuối của "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật đã giúp chúng cháu hiểu được đôi phần lí do khiến những người lính anh hùng của một thời rực lửa các mạng như bác đã vượt qua tất cả gian khó, hiểm nguy để tiêu diệt quân thù, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lịch sử giao phó.
-Đúng thế, thế hệ những ngừoi lính chúng tôi đã khoác áo lính, cầm súng ra mặt trận đã nhất một lòng tiêu diệt giặc, đem lại hòa bình cho đất nước thân yêu. "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trương Sơn" như lời Bác Hồ nói, chúng tôi cũng quyết tâm vì miền Nam ruột thịt, vì Bắc – Nam được xum họp một nhà, giang sơn được thu về một mối: "quyết tâm, quyết tâm".
Mặc dù chiến tranh đã lùi về quá khư nhưng lời hô của người lính trên sân khấu nghe thật trầm hùng, mạnh mẽ, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc thật dũng cảm, kiên cường của người lính cách mạng.
Buổi lễ mít tinh giao lưu trò chuyện với người lính lái xe Trường Sơn đã kết thúc trong giờ phút ngắn ngủi nhưng từng câu nói, từng câu chuyện mà bác đã chia sẻ vẫn cứ văng vẳng bên tai tôi. Trong lòng tôi dâng lên một niềm cảm phục, biết ơn sâu sắc với những người anh hùng dân tộc. Chính họ đã viết nên trang sử hào hùng chói lọi của Việt Nam, mang vẻ đẹp rực lửa của một thế hệ người lính cụ Hồ: trẻ trung, lạc quan, dũng cảm và mạnh mẽ, luôn mang trong mình đầy ắp tình yêu quê hương đất nước. Vì thế, tôi sẽ luôn cố gắng hết mình để noi gương những người lính như bác, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình đưa đất nước phát triển sáng tươi huy hoàng.