Đăng ký

Hướng dẫn soạn bài Đọc tiểu thanh kí của Nguyễn Du

3,053 từ

Hướng dẫn soạn bài Đọc tiểu thanh kí của Nguyễn Du

Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) là một bài thơ như thế. Bằng tiếng nói tri âm sâu sắc với một người con gái sống cách mình hơn 300 năm của Nguyễn Du. Mời các bạn cùng tham khảo cách soạn bài Đọc tiểu thanh kí dưới đây!

I. Đôi nét về tác giả

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du có một loạt bài viết về các nhân vật lịch sử mà ở đó nhà thơ gửi gắm rất nhiều tâm sự. Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) là một bài thơ như thế. Bằng tiếng nói tri âm sâu sắc với một người con gái sống cách mình hơn 300 năm, Nguyễn Du muốn bày tỏ nhiều tâm sự về con người và cuộc đời trong bối cảnh hiện tại và vượt thời gian, mang dự cảm của mình tới 300 năm sau để tìm tri âm.

Sáng tác của Nguyễn Du và thật sự xúc động trước tấm lòng nhân ái bao la mà ông dành cho những số phận những con người bất hạnh trong xã hội. Đặc biệt là người phụ nữ! Người phụ nữ xưa đi vào văn thơ của ông với một niềm trân trọng, đồng cảm, xót thương như Thúy Kiều trong Truyện Kiều, người mẹ nghèo trong Những điều trông thấy... đã làm rung động bao trái tim người đọc. Độc Tiểu Thanh kí cũng là một bài thơ như vậy.

Xem thêm:

II. Soạn văn bài Đọc tiểu thanh kí lớp 10

1. Hoàn cảnh sáng tác

- Đây là một trong những bài thơ chữ Hán hay nhất của Nguyễn Du, ra đời trong thời gian nhà thơ được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Tiểu Thanh là một cô gái tài sắc, sống khoảng đầu đời Minh. Từ nhỏ cô đã là một cô bé thông minh, thông hiểu nhiều môn nghệ thuật. Số phận đẩy đưa, 16 tuổi cô phải làm lẽ một nhà quyền quý họ Phùng. Bị vợ cả ghen, bắt cô phải sống riêng trong một ngôi nhà trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ. Vì đau buồn nàng làm thơ ghi tâm trạng của mình, cô sinh bệnh, rồi chết ở tuổi mười tám.

- Thương xót cho số phận tài hoa bạc mệnh của người phụ nữ, Nguyễn Du đã sáng tác bài thơ Độc Tiểu Thanh kí để khóc nàng, đồng thời tỏ bày nỗi băn khoăn, day dứt trước số phận bất hạnh của bao con người tài hoa khác trong xã hội, trong đó có cả bản thân ông - một cuộc đời gió bụi. Bài thơ mở đầu bằng nỗi xót xa trước cảnh đời “dâu bể”:

“Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang”

- Hồ Tây xưa là cảnh đẹp, nay thành “gò hoang”. Tâm trạng “hoài cổ” vẫn thường thấy trong thơ xưa. Nhưng ở đây, điều quan trọng là tác giả đang bắt đầu khóc cho một số phận trong quá khứ:

“Thổn thức bên song mảnh giấy tàn”

2. Ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm

- Nguyễn Du rưng lệ trước những gì còn lại của một kiếp người. Tiểu Thanh tài sắc nhưng chỉ để lại cho đời “mảnh giấy tàn”. Sự ghen ghét đố kị của người vợ cả đã khiến nàng mất đi tuổi xuân, mất đi niềm vui, niềm hạnh phúc, và mất đi cả cái phận hồng nhan để lại cho đời. Ngẫm ra, đó cũng là sự đố kị của cả xã hội đương thời, cái xã hội luôn kìm hãm, đè bẹp con người, nhất là những người phụ nữ tài hoa. Nhà thơ đã bày tỏ nỗi xót xa cho duyên kiếp dở dang của nàng. Và cao hơn cả là nỗi đau nhân tình thế thái. Nguyễn Du đồng cảm với nỗi buồn đau của Tiểu Thanh, nên nhà thơ mới xúc động đến như vậy. Ông khóc thương cho nàng và dường như cũng khóc cho cả bản thân mình, kẻ từng bị đời xô dạt, đẩy đưa.

- Ba trăm năm đã qua đi, nhà thơ còn có cảm giác như linh hồn người con gái xưa vẫn còn đâu đây. Mười tám tuổi đời - nàng chết trong đau khổ, oan ức. Vì oan khuất nên linh hồn nàng làm sao tiêu tan được?

“Son phấn có thần chôn vẫn hận

Văn chương vô mệnh đốt còn vương”

- Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng với Nguyễn Du tất cả những gì gắn bó với nàng vẫn như còn đó. “Son phấn” là đồ trang điểm, làm đẹp của người phụ nữ, nhưng ở câu thơ này nó còn tượng trưng cho sắc đẹp, và sắc đẹp “có thần”, sống mãi với thời gian. Những mĩ nhân đời xưa nay vẫn còn tên tuổi như: Chiêu Quân, Tây Thi, Dương Quý Phi... Người có thể chết đi, có thể bị chôn vùi, nhưng tiếng tăm vẫn còn lại muôn đời. Tiểu Thanh chết rồi, và những gì còn lại vẫn làm cho người đời thương tiếc khôn nguôi. Nỗi hận “son phấn” không chỉ riêng gì của một bậc tài danh nào, đó cũng là nỗi hận của Tiểu Thanh, của tài sắc bị hãm hại, bị vùi dập.Không chỉ nói đến cái đẹp, Nguyễn Du còn nói đến cái tài của Tiểu Thanh. “Văn chương” là cái tài, là tâm tư, đồng thời cũng là vẻ đẹp tinh thần của nàng. Nhà thơ dường như đã làm cho “son phấn”, “văn chương” có linh hồn, khiến cho chúng có thể thay nàng nói lên nỗi oan khuất. Và nhà thơ tự nhận mình là người đồng cảnh:
 
“Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang”
 
- Tiếp tục niềm cảm thương vô hạn đối với người con gái bất hạnh kia, từ nỗi hận riêng cho số phận Tiểu Thanh, Nguyễn Du nâng lên thành nỗi hận muôn đời.
 
“Tài hoa bạc mệnh”, phải chăng đó là quy luật của tạo hóa, là định mệnh khắt khe của số phận?
 
- Trong “Truyện Kiều” Nguyễn Du đã từng viết:
 
“Chữ tài liền với chữ tai một vần ”
 
- Với Nguyễn Du, “phong lưu” là cái “nỗi oan lạ lùng” đã ràng buộc mỗi con người, kẻ tài hoa phải đeo đẳng suốt đời. Nguyễn Du là một trong số đó. Ông đã tự nhận mình là kẻ đồng cảnh với Tiểu Thanh. Thật rõ là ông đã bênh vực nàng một cách công khai và mạnh mẽ.
 
3. Bài thơ là dòng suy ngẫm của Nguyễn Du về cảnh, về người, về đời.

- Càng ngẫm, nhà thơ càng thương tiếc Tiểu Thanh, và cũng lại càng thương cho bản thân mình. Từ thương người, ông chuyển sang thương thân:

“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?”

- Nhà thơ nhận thấy sự đồng điệu giữa mình và Tiểu Thanh. Nàng mất đi, ba trăm năm sau có ông khóc thương cho nàng, nhưng liệu rồi cũng sau ba trăm năm nữa ai sẽ là người nhỏ lệ khóc thương cho ông? Nhà thơ xót xa cho thân phận, khóc cho sự cô đơn, không người tri kỉ, một mình ôm mối hận của kẻ tài hoa mệnh bạc giữa đời. Tâm trạng lúc này của nhà thơ, khiến cho ta nghĩ đến tâm trạng của Thúy Kiều sau bao sóng gió cuộc đời:

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”
(Truyện Kiều)

- Bởi vì:

“Rằng: hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”
(Truyện Kiều)

- Bài thơ có tám câu, sáu câu đầu là thương người, hai câu cuối là thương thân. Nhưng hai câu cuối mới là cái thần của cả bài thơ, từ thương người, Nguyễn Du đã hòa làm một với người, để đồng cảm cho kiếp tài hoa mà đau thương trong muôn vàn số kiếp tài hoa mệnh bạc khác. Tấm lòng bao dung của nhà thơ mênh mông quá! Nó không bị bó hẹp hởi thời gian và không gian. Nó vượt qua mọi giới hạn để đến với bao kiếp người, cất lên tiếng nói phẫn uất đối với những bất công trong xã hội đương thời.
 
4. Thương người, thương mình đó là cái gốc của chủ nghĩa nhân đạo.

- Nguyễn Du không chỉ thương cho người đang sống, mà thương cho cả người đã khuất mấy trăm năm.
 
- Phải có trái tim đa cảm lắm nhà thơ mới nói được nỗi đau ấy.

- Cùng với Truyện Kiều, Độc Tiểu Thanh kí đã góp thêm tiếng nói đồng cảm, xót thương cho những kiếp người tài hoa, bạc mệnh trong xã hội xưa. Đồng thời, bài thơ cũng là lời tri âm mà Nguyễn Du muốn gửi lại cho đời.

- Chẳng cần đến ba trăm năm sau, trong thời đại Hồ Chí Minh, nhà thơ Nguyễn Du đã bắt gặp được một sự đồng cảm lớn lao, sâu sắc và chân thành:
 
“Đau đớn thay phận đàn bà!
Hỡi ơi, thân ấy biết là mấy thân ”
(Kính gửi cụ Nguyễn Du — Tố Hữu)

- Độc Tiểu Thanh kí mãi mãi là một đỉnh cao của chủ nghĩa nhân đạo thời kì phong kiến, xứng đáng được lưu truyền cho bao thế hệ.

    Trên đây là toàn bộ kiến thức chúng tôi muốn chia sẻ về cách soạn bài Đọc tiểu thanh kí ngữ văn 10, cùng học vui chúc các bạn đạt được điểm số cao!