Giới thiệu thơ và phong cách nghệ thuật thơ của Tố Hữu
Đề bài
Đề bài: Giới thiệu một vài nét khái quát về tác phẩm (thơ) và phong cách nghệ thuật thơ của Tố Hữu.
Hướng dẫn giải
Tố Hữu là bút danh; họ tên là Nguyễn Kim Thành. Ông sinh năm 1920 tại Thừa Thiên – Huế, và mất năm 2002.
Về sự nghiệp chính trị, Tố Hữu là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Về thi ca, ông là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Hơn nửa thế kỉ làm thơ, Tố Hữu hiện để lại nhiều tập thơ. Mỗi tập thơ đánh dấu một chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong thế kỉ XX.
- Từ ấy (1937 – 1946)
- Việt Bắc (1946 – 1954)
- Gió lộng (1955 – 1961)
- Ra trận (1962 – 1971)
- Máu và Hoa (1972 – 1977)
- Một tiếng đờn (1079 – 1992)
Tố Hữu làm thơ để phục vụ chính trị, phục vụ cách mạng và kháng chiến. Phong cách nghệ thuật thơ của Tố Hữu có thể khái quát trong 4 điểm sau đây:
Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị. Cảm hứng chủ đạo trong thơ ông là những lời tâm huyết say mê về một lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của đất nước và dân tộc trong cách mạng và kháng chiến.
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,
Mặt trời chân lí chói qua tim".
(Từ ấy)
"Chưa bao giờ đẹp thế, sắc trời xanh
Và sắc đỏ của lá cờ ra trận".
(Tuổi 25)
"Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời
Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!"
(Vui thế, hôm nay… )
Thơ Tố Hữu in đậm khuynh hướng sử thi. Có thể nói đó là những bài ca chiến đấu, những khúc ca thắng trận vang dội âm điệu anh hùng ca:
"Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)
"Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa"
(Toàn thắng về ta)
Giọng điệu tâm tình dịu ngọt là nét đặc sắc đậm đà trong thơ Tố Hữu. Tình quê, tình non nước, tình yêu Đảng, yêu Bác, tình mẹ con, tình đồng chí, đồng bào… là dư vị thiết tha, nồng ấm dào dạt trong thơ ông.
"Hương Giang ơi, dòng sông êm
Qua tìm ta, vẫn ngày đêm tự tình".
(Bài ca quê hương)
"Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!"
(Bác ơi!)
Nghệ thuật thơ Tố Hữu giàu tính dân tộc. Tố Hữu sử dụng nhiều thể thơ, nhưng đặc sắc nhất, thành công nhất là thể thơ lục bát. Ngôn ngữ thơ thanh thoát, giàu vần điệu nhạc điệu như ca dao, dân ca, như Truyện Kiều, nên rất dễ ngâm, dễ thuộc.
"Mình về mình có nhớ ta,
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng"…
(Việt Bắc)
"Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du,
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày…".
(Kính gửi cụ Nguyễn Du)
Nếu thơ ca là những dòng sông thì thơ Tố Hữu là một dòng sông trong xanh mà ta thương mến. Dòng sông ấy ấy đang hợp lưu trong lòng ta.