Giới thiệu một loài hoa (như hoa đào, hoa mai,...) hoặc một loài cây (như cây chuối, cây na...)
Cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, nhà nhà lại nô nức chuẩn bị bao thức vật thơm ngon, đẹp để cho dịp Tết trọng đại trong năm này. Và giữa bao nhiêu bánh trái, đồ đạc,... mới mẻ, sặc sỡ, một cành đào tươi tắn rực rỡ vẫn được chờ đợi, ngóng trông nhất.
Hoa đào là loài hoa đặc trưng cho cái Tết và mùa xuân miền Bắc Việt Nam. Hoa đào được trồng ở hầu hết các tỉnh miền Bắc: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nội,... Nhưng đẹp nhất, được yêu thích nhất vẫn là hoa đào Nhật Tân, Hà Nội. Gọi là hoa đào Nhật Tân vì giống hoa ấy được trồng ở làng Nhật Tân - một vùng đất ven sông Hồng của Hà Nội.
Hoa đào cũng có nhiều loại: đào bích, đào phai, đào bạch,... Trong đó, đào bích phổ biến hơn cả. Đó là loại đào mau cánh, cánh màu đỏ thắm. Đào phai thì nhạt hơn, sắc đã ngả sang hồng. Riêng đào bạch thì đúng như tên gọi, cánh hoa có màu trắng; đây là loại hoa đào rất hiếm và khó trồng.
Hoa đào ưa đất phù sa ven sông và thích hợp với khí hậu ấm áp của mùa xuân. Đó là lí do để cứ mỗi khi Tết đến, xuân về hoa đào lại tưng bừng khoe sắc. Không chỉ vậy, họa còn rất kén chọn cách chăm sóc, tưới bón. Tưới nước cho hoa đào phải tưới bằng nước sạch, nếu sử dụng nước bẩn bị ô nhiễm, đào nở hoa không đều và không đẹp. Hơn nữa, muốn hoa nở đúng dịp Tết phải biết cách tuốt lá đào vào dịp cuối năm.
Tuỳ theo tuổi đời, chủng loại và cách chăm bón của người trồng đào mà một cây đào có thể rất nhỏ hoặc rất rất lớn. Loại nhỏ nhất có thể cao vài chục xen-ti-mét, loại lớn nhất có thể cao đến vài mét. Đào là giống cây rễ cọc nên có một thân chính lớn và rất nhiều cành nhỏ vươn ra từ đây. Thân và cành đào dược bao bọc bởi một lớp vỏ màu nâu xám. Từ hàng chục cành nhỏ lại nhú ra các lá đào xanh non và dưới mỗi lá là một nụ đào nhỏ xíu có một lớp lóng phân trắng phủ ngoài. Đến đúng dịp, từ mỗi nụ nhỏ xinh xắn, một bông hoa đào đỏ thắm ngơ ngác xoè cánh nhìn cuộc sống. Hoa đào có năm cánh thắm, ở giữa là nhị hoa màu vàng tươi trông rất bắt mắt; cả cánh hoa và nhị hoa lại được nâng đỡ bởi sắc xanh non của đài hoa nên một bông hoa đào là một hình ảnh hài hoà về màu sắc.
Hoa đào chỉ nở một lần trong năm vào dịp đầu xuân, chính đặc điểm này cùng với màu đỏ thắm của cánh hoa được con người trân trọng. Bởi màu đỏ là màu của điềm lành, của sự may mắn. Và hoa đào nở vào dịp đầu xuân giống như lời chúc cát tường, thịnh vượng cho mọi gia đình. Cùng với màu sắc của hoa, hình dáng cây hoa cũng là một đặc điểm quan trọng. Thông thường, các cành đào vươn lên khiến cây giống như một chùm đèn lồng xoay ngược hay một li rượu vang lớn. Nhưng người trồng đào hoàn toàn có thể tạo "thế" cho cây bằng cách uốn, tỉa thân, cành. Thân chính của cây được tạo dáng sao cho uốn lượn theo hướng vươn lên giống hình ảnh con rồng bay lên trời xanh. Hoặc có thể được uốn tỉa theo hình các con vật; rất phong phú đa dạng. Muốn cây đào có được vẻ xù xì, cổ kính mà không bị cổng kềnh, cao to, người trồng đào thường chọn những cây già rồi cắt gần sát gốc để từ cái gốc cổ thụ ấy lại vươn ra những thân đào khác... Thế mới biết, nghề trồng đào - chơi đào cũng lắm công phu.
Vào ngày Tết, cây đào được đặt ở vị trí trung tâm trong phòng khách, kiêu hãnh khoe cái vẻ tươi tắn rực rỡ của mình. Nhiều gia đình còn treo lên cành cây những phong bao lì xì, những vật trang trí vô cùng bắt mắt. Mỗi lần gió xuân đi qua, những vật nhỏ xinh ấy lại quay tròn ríu rít vỗ tay mừng hoa đào đã nở.
Cây hoa đào với những đặc điểm đáng quý của mình đã được con người Việt Nam trân trọng và nâng niu như thế. Và mỗi dịp Tết đến xuân về, lòng người lại háo hức với niềm vui được chờ đón hoa đào nở, được chờ đón một năm mới an lành, hạnh phúc.