Đóng vai Tấm kể lại câu chuyện Tấm Cám- Sách giáo khoa văn 10
Đóng vai Tấm kể lại câu chuyện Tấm Cám
Tấm Cám là câu chuyện cổ tích không còn xa lạ với chúng ta và đặc biệt xuất hiện trong chương trình ngữ văn lớp 10. Sau đây, câu chuyện sẽ được kể lại dưới lời kể của Tấm, nhân vật chính trong câu chuyện. Cùng tham khảo bài văn đóng vai Tấm kể lại câu chuyện Tấm Cám.
Số phận đáng thương khi không còn cha mẹ của Tấm
Tôi là Tấm, là hoàng hậu của một nước. Để có được cuộc sống hạnh phúc, viên mãn bên người mình yêu thương như hiện tại, tôi đã phải đánh đổi rất nhiều. Đó là những lần “chết đi sống lại”, là những lần trao lầm niềm tin cho người lòng dạ độc ác, là những lần vực dậy từ đau thương để đấu tranh cho chính mình. Sau đây, tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về cuộc đời của mình.
Mẹ tôi mất từ khi tôi còn rất sớm. Cha tôi đi bước nữa, cưới một người vợ mới và sinh ra em Tấm, Cuộc sống thuở ấy của tôi vẫn còn khá êm đềm bởi vì dì còn kiêng dè cha. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi cha tôi qua đời, dì đã thay đổi hoàn toàn thái độ đối với tôi. Dì luôn chửi bới, hằn học, bắt tôi làm mọi công việc nặng nhọc trong nhà. Trong khi tôi phải quần quật làm từ sáng tới tận khuya, thì em Cám lại được nuông chiều hết mực. Dẫu vậy, tôi vẫn chẳng hề oan thán và âm thầm chịu đựng.
Một ngày nọ, dì gọi tôi và Cám đến, cho mỗi đứa một cái giỏ kèm với lời dặn dò, rằng ai bắt được đầy giỏ sẽ được thưởng cho một cái yếm đào. Với một đứa chẳng bao giờ được mặc quần áo mới như tôi, đây là một phần thưởng vô cùng lớn lao. Vì thế, tôi chuyên tâm làm việc. Chẳng mấy chốc, giỏ của tôi đã đầy.
Ngược lại, em Cám vẫn mãi rong chơi, chẳng màng đến việc bắt tôm tép. Mặc cho lời nhắc nhở của tôi, Cám vẫn tiếp tục chơi đùa. Một lúc sau, khi tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và lên bờ nghỉ ngơi để chuẩn bị ra về, thì Cám lại bảo với tôi “Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu kẻo về mẹ mắng”. Tin lời em Cám và cũng một phần sợ bị mắng mà tước đi phần quà, tôi liền lội xuống nước gội đầu cho thật sạch.
Nhưng rồi, khi tôi trở lên bờ, giỏ tép của tôi đã chẳng còn tôm tép đầy ắp nữa. Cùng với đó, Cám cũng đã bỏ về nhà từ bao giờ. Tủi thân, tôi ngồi ôm mặt khóc. Đang khóc nức nở thì bên tai bỗng vang lên giọng nói trầm ấm: “Tại sao con khóc?”. Trước mắt tôi là ông Bụt mang khuôn mặt phúc hậu cùng nụ cười hiền từ. Tôi vừa khóc vừa kể lại cho Bụt nghe sự việc.
Bụt suy ngẫm một chút, thì bảo tôi xem trong giỏ còn sót gì hay không. Tôi nghe theo, tìm thử thì thấy một con bống nhỏ. Sau đó, Bụt dặn tôi đem cá bống ấy về thả xuống giếng, mỗi bữa đều đặn cho nó ăn một bát cơm, kèm theo đó là lời gọi “Bống bống bang bang - Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta - Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”.
Tấm bị Cám lừa hêt tôm tép trong giỏ
Tôi nghe theo lời Bụt, đem cá bống nuôi dưới giếng và mỗi bữa đều giành cơm để giấu đem cho cá bống. Qua một thời gian, Bống lớn lên trông thấy và dần được tôi xem như một người bạn.
Một ngày nọ, dì ghẻ dặn tôi mai đi chăn trâu phải chăn ở đồng xa, vì làng cấm đồng và sẽ bắt mất trâu nếu chăn ở đồng làng. Vâng lời, tôi dắt trâu đi. Nào ngờ, Cám đã theo dõi tôi và biết được chuyện tôi giấu nuôi cá bống. Vì thế, ở nhà hai mẹ con dì ghẻ đã bắt chước tôi gọi bống lên rồi giết thịt.
Khi trở về, tôi như thường lệ gọi bống lên cho ăn nhưng chỉ thấy nổi lên một cục máu. Mất đi bống, tôi như mất đi một người bầu bạn. Tôi tủi thân lại ngồi khóc. Lần này, Bụt lại hiện lên và bảo tôi tìm lại xương của cá bống. Sau khi tìm được, phải chia làm bốn lọ chôn ở bốn chân giường. Dù khá thắc mắc, nhưng tôi vẫn làm theo lời của Bụt.
Ít lâu sau, nhà vua mở hội. Là con gái, ai mà không thích được mặc váy vóc đẹp đi chơi hội. Ngày hội đến, tôi đã chuẩn bị quần áo tinh tươm. Dẫu chẳng đẹp đẽ như người ta, nhưng cũng khiến tôi không thể ngừng vui vẻ. Ấy vậy mà, vì sự ghen ghét của Cám với tôi, em ấy đã bảo mẹ tìm mọi cách bắt tôi ở nhà. Niềm vui nhanh chóng bị dập tắt khi dì bưng cả gạo lẫn thóc hòa lẫn vào nhau, sau đó bảo tôi phải nhặt xong thì mới được đi hội. Bao nhiêu nỗi buồn cùng sự tủi thân dồn nén, tôi lại khóc. Một lần nữa, Bụt đã hiện lên và giúp đỡ tôi. Bụt sai chim sẻ đến nhặt thóc giúp tôi, rồi bảo tôi đào bốn lọ xương cá bống đã chôn từ trước lên.
Bên trên bốn lọ xương cá là những thứ đẹp mắt giúp tôi có thể đẹp đẽ, tinh tươm nhất khi đi hội. Mừng rỡ vô cùng, tôi vội cảm tạ Bụt rồi nhanh chóng đi xem hội. Trên đường đi, tôi đánh rơi mất một chiếc hài nhưng lại không kịp nhặt lên, đành phải gói kĩ chiếc còn lại rồi chen vào biển người chơi hội. Nào ngờ, khi tôi vừa rời đi, kiệu vàng của nhà vua vừa đến chỗ lội tôi đánh rơi giày thì hai con voi dẫn đầu cứ không chịu đi. Thấy sự lạ, nhà vua đã sai quân lính đi xem thử và họ nhặt được chiếc hài của tôi. Nhà vua ngắm nghía đôi hài, rồi ra lệnh cho tất cả phụ nữ, ai thử vừa chiếc hài trên sẽ được nhà vua cưới làm hoàng hậu.
Tin vua vừa ban ra, đám hội lại được dịp xôn xao và náo nhiệt hơn hẳn, Các bà, các cô, các chị em đều chen nhau đến thử hài, nhưng lại chẳng có ai đeo vừa, trong đó có cả mẹ con Cám. Đến lượt tôi thử giày, chân tôi vừa đặt vào đã vừa như in. Sau đó, tôi mở khăn lấy chiếc hài còn lại đi cả vào. Lúc này, quân lính reo hò, báo đến với vua. Cũng kể từ đó, tôi trở thành hoàng hậu và sống một cuộc sống hạnh phúc.
Hạnh phúc chẳng được bao lâu, tai ương lại thi nhau kéo về
Hạnh phúc chưa được bao lâu, thì tai ương từ đâu lại ập đến. Một thời gian sau, tôi xin phép vua về giúp mẹ con dì soạn cỗ cúng nhân dịp giỗ cha. Cả hai mẹ con dì ghẻ đều ghen ghét vì tôi được làm hoàng hậu nhưng vẫn cố giấu và niềm nở cười với tôi. Sau đó, dì nhờ tôi trèo lên cây cau lấy một buồng để cúng cha. Nào ngờ dì ta lại chặt gốc cây để đẩy tôi vào chỗ chết. Tiếp đó, dì lấy quần áo của tôi cho Cám mặc rồi đưa em vào cung thay thế vị trí của tôi.
Linh hồn của tôi hóa thành chim vàng anh. Vì nhớ nhung nhà vua, tôi chỉ quanh quẩn ở khu vườn ngự yến. Nhận thấy sự xuất hiện của tôi, nhà vua dường như nhận ra điều gì đó nên đã bảo “Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo”. Vừa dứt lời, tôi đã đậu lên vai và rúc vào tay áo chàng.
Cám biết chuyện, liền chạy về mách mẹ Cám. Thế rồi nhân lúc nhà vua đi vắng, mẹ Cám đã bắt tôi làm thịt, sau đó vứt lông chim ra vườn. Khi phát hiện thiếu vắng bóng dáng vàng anh, nhà vua hỏi Cám thì nàng ta lại nói dối rằng mình đang có mang, thèm ăn nên đã giết chim làm thịt. Nhà vua dù giận và xót thương nhưng cũng chẳng thể nói gì.
Từ đám lông chim mẹ con Cám vứt sau vườn, tôi hóa thân thành hai cây xoan đào. Nhà vua thường hay đi dạo trong vườn, mỗi khi chàng đi qua, tôi sẽ xòa cành lá che nắng mưa cho chàng. Thấy vậy, nhà vua liền sai lính hầu mắc võng ở giữa hai thân cây nằm hóng mát. Cám lại về mách với mẹ và được bà ta xúi sai thợ chặt đi rồi đóng thành khung cửi để dệt áo cho nhà vua.
Xem thêm:
Tóm tắt truyện Tấm Cám hay nhất
Hướng dẫn lập dàn ý cảm nhận nhân vật Tấm
Biến thành khung cửi, ngày ngày tôi đều thì thầm nói với Cám:
“Cót ca cót két,
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra!”
Sợ hãi, Cám lại về mách với mẹ. Lần này, bà ta bảo Cám đốt khung cửi rồi đem đổ tro ở thật xa. Cám như mọi lần lại làm theo. Nhưng Cám nào biết, từ đống tro đấy đã mọc lên một cây thị xanh tươi. Tôi đã hóa thân thành quả thị duy nhất mọc trên cây thị ấy.
Một ngày nọ, có một bà lão hàng nước gần đó đi ngang qua, ngửi thấy mùi hương thơm ngát của thị thì nhìn lên rồi lẩm bẩm “Thị ơi thị rụng bị bà - Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Thấy bà hiền lành lại phúc hậu, tôi liền theo ý nguyện của bà rụng xuống. Từ đó, mỗi khi bà đi vắng, tôi đều bước ra từ quả thị để dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm nước đỡ đần cho bà. Có lẽ sự việc lặp đi lặp lại khiến bà sinh nghi nên cố ý giả vờ đi chợ rồi quay lại nấp sau cánh cửa nhà. Khi tôi đang làm việc nhà, bà từ đằng sau chạy đến ôm chầm lấy tôi và xé nát đi vỏ thị. Từ đó, tôi sống như một người con gái của bà, hằng ngày giúp bà gói bánh, nấu nước, têm trầu phụ bà.
Mọi sự cố gắng rồi sẽ được đền đáp
Cái kết có hậu đã đến với Tấm
Một hôm, không biết trùng hợp hay duyên trời đã khiến nhà vua ghé vào ngay hàng nước của bà. Nhà vua nhìn thấy miếng trầu têm cánh phượng liền cảm thấy quen thuộc, hỏi bà lão thì được đáp lại là con gái của bà têm. Nhà vua năn nỉ được gặp người têm trầu, nên bà lão đã đưa tôi ra mặt. Nhà vua nhận ra tôi ngay, sau khi nghe được mọi chuyện từ bà lão thì rước tôi về. Đó có lẽ là giây phút vỡ òa trong hạnh phúc vì mọi cố gắng cuối cùng đã được đền đáp của tôi.
Nhà vua biết chuyện tôi bị hại bởi mẹ con Cám thì vô cùng tức giận. Người định xử tử hai người họ, nhưng tôi đã xin vua tha cho họ tội chết. Lúc ấy, không phải tôi thương xót họ, cũng không phải tôi đang cố trở thành một người thiện lương trước mặt vua. Chỉ là, tôi tin rằng trong cuộc sống này, vẫn tồn tại cái gọi là nhân quả. Hai mẹ con họ đã làm nhiều việc gian ác thì sớm muộn cũng sẽ bị trừng phạt và nhận quả báo. Và suy cho cùng, Cám cũng là chị em của tôi và dì ghẻ cũng có ơn nuôi tôi khôn lớn.
Xem thêm:
Bài văn mẫu phân tích nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám
Sau này, tôi nghe người hầu kể lại, không biết ai bày Tấm cách dội nước sôi để có được vẻ đẹp tuyệt trần, mà nàng ta đã hí hửng làm theo rồi chết một cách đau đớn. Nghe tin con gái mình chết, dì cũng tuyệt vọng chết theo. Cuối cùng, kẻ ác đã bị trừng trị thích đáng. Còn tôi đã nhận được sự đền đáp sau mọi cố gắng, đó là cuộc sống hạnh phúc bên người mình yêu thương.
Đó là văn mẫu đóng vai Tấm kể lại câu chuyện Tấm Cám mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng bài viết CungHocVui sẽ mang đến hữu ích cho bạn đọc.