Đoạn văn cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong bài bánh trôi nước
Đoạn văn cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong bài bánh trôi nước
Hồ Xuân Hương được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm, “nhà thơ độc đáo có một không hai trong lịch sử văn hóa dân tộc”. Thơ Hồ Xuân Hương tuy hài hước, giản dị nhưng ẩn giấu nỗi niềm thương cảm sâu sắc của bà đến những phận đời bất hạnh, đôi lúc nhà thơ còn tự thương khóc cho chính mình. “Bánh trôi nước” là bài thơ nổi tiếng của Hồ Xuân Hương. Viết đoạn văn cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong bài “Bánh trôi nước” để hiểu thêm về tiếng thơ, tiếng lòng của nữ thi sĩ.
Đoạn văn cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong bài bánh trôi nước
Dàn ý đoạn văn cảm nhận về thân phận người phụ nữ trong bài Bánh trôi nước
Trước khi làm bài, chúng ta phải lên các ý quan trọng gồm luận điểm, luận cứ rồi lập thành dàn ý đoạn văn cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong bài “Bánh trôi nước”. Chúng ta có thể lựa chọn viết đoạn văn theo phương pháp quy nạp, tổng phân hợp hoặc diễn dịch.
Mở đoạn: Giới thiệu về nhà thơ Hồ Xuân Hương, bài thơ Bánh trôi nước, yêu cầu đề.
Thân đoạn:
-
Bài thơ tả thực về món bánh truyền thống của dân tộc: Bánh trôi nước, vừa trắng, tròn, dẻo,...
-
Từ đó nhân hóa, ẩn dụ về hình tượng người phụ nữ Việt: đẹp, tròn đầy, trong trắng.
-
Cuộc đời long đong, lận đận của “người phụ nữ “bảy nổi ba chìm”
-
Nỗi tủi hổ khi không thể tự làm chủ cuộc đời mình “rắn - nát”, “mặc tay kẻ nặn”
-
Vẻ đẹp sắt son của người phụ nữ “vẫn giữ tấm lòng son”, dù bị cuộc đời vùi dập nhưng bản tính vẫn luôn lương thiện, bình dị, trắng trong.
Kết đoạn: Đánh giá, cảm nhận về bài thơ và nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương.
Xem thêm:
Bánh trôi nước: Nội dung, hoàn cảnh sáng tác, dàn ý chi tiết
Cảm nghĩ của em về bài thơ Bánh Trôi nước
Đoạn văn cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong bài Bánh trôi nước (2 mẫu)
Đoạn văn mẫu 1
Người phụ nữ Việt Nam là mẫu người phụ nữ chuẩn mực, mang nét đẹp độc đáo Á Đông. Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đã lột tả vẻ đẹp bình dị, trắng trong của người phụ nữ qua hình tượng bánh trôi nước. Đồng thời qua đó bày tỏ lòng thương cảm với số phận bi thương, lận đận của phần liễu yếu đào tơ trong bài thơ cùng tên.
Mở đầu bài thơ, nữ thi sĩ như đang miêu tả lại cách làm và hình dáng của món bánh truyền thống dân tộc: Bánh trôi nước. Biện pháp nhân hóa thổi hồn vào câu thơ thật sinh động: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Câu thơ mở đầu dựa trên một thể quen thuộc của ca dao than thân “Thân em…” nhưng lại đặc tả về chiếc bánh trôi “vừa trắng lại vừa tròn” thật độc đáo. Từng chiếc bánh trôi hiện lên với vẻ ngoài tròn trĩnh, trắng trẻo vô cùng đẹp mắt. Đó cũng là ẩn dụ cho nét đẹp của người phụ nữ Việt, chân phương, giản dị nhưng vô cùng riêng biệt - vẻ đẹp của sự tròn đầy cả về ngoại hình lẫn tâm hồn.
Câu thơ tiếp là cách nấu bánh trôi “Bảy nổi ba chìm với nước non” khi bánh chìm là chưa chín, bánh nổi lên là đã chín rồi. Nhà thơ đã vận dụng một cách sáng tạo câu tục ngữ “ba chìm bảy nổi”, việc đổi vế câu tục ngữ như nhấn mạnh hơn nỗi gian truân, vất vả, vô định, lênh đênh mà người phụ nữ phải chịu. Họ sống một cuộc đời bị rẻ rúng, coi nhẹ cũng bởi quan niệm “trọng nam khinh nữ” thời bấy giờ. Ngay chính người phụ nữ cũng không có quyền quyết định cho tương lai, cuộc sống của mình “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”.
Người nặn cho nhiều nước thì nát, ít nước thì rắn, cặp từ đối lập “rắn” - “nát” cùng từ “mặc dầu” càng làm nỗi bất hạnh đó tăng lên. Nữ thi sĩ đang cảm thương cho số phận của những người phụ nữ Việt, sự đồng điệu giữa những người phụ nữ với nhau.
Câu cuối như lời khẳng định chắc chắn: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Dẫu cuộc đời trù dập, rẻ rúng đến đâu thì những người phụ nữ đó vẫn luôn giữ được vẻ đẹp ẩn giấu sâu trong tâm hồn mình. Đó là vẻ đẹp của sự quật cường, son sắt, thủy chung, trải qua bao nhiêu sóng gió vẫn không thay đổi. Lời thơ cuối chính là lời khẳng định chắc chắn của những người phụ nữ Việt về nhận thức đối với nhân phẩm, phẩm chất, giá trị của chính mình.
Chỉ gói gọn trong bốn câu thơ, nhưng nữ nhà thơ Hồ Xuân Hương đã nói lên tiếng lòng đồng điệu đối với số phận của người phụ nữ thời bấy giờ qua ngòi bút độc đáo, hình ảnh thơ vô cùng mới lạ.
Xem thêm:
Dàn bài cảm nhận về bài thơ bánh trôi nước
Đoạn văn mẫu 2
Hồ Xuân Hương là hồn thơ độc đáo, mới lạ trong văn học trung đại. Bà được biết đến với giọng thơ mạnh mẽ, rắn rỏi, ý thơ thâm thúy, sâu cay ẩn chứa trong đó là nỗi niềm phẫn uất đối với xã hội đương thời. Bài thơ “Bánh trôi nước” là bài thơ trữ tình đặc sắc của bà chúa thơ Nôm, mượn hình tượng chiếc bánh trôi để lột tả nét đẹp, cuộc đời và nỗi bất hạnh của người phụ nữ trong nhà nước phong kiến.
Bằng tài quan sát, khả năng sáng tạo, liên tưởng độc đáo, nữ sĩ đã nhận ra được sự đồng điệu giữa chiếc bánh trôi nước bình dị, quen thuộc và hình ảnh người phụ nữ thời bấy giờ. Ở đó, cả chiếc bánh trôi và người phụ nữ Việt đều mang trên mình vẻ bề ngoài tròn đầy, đẹp đẽ.
Hình tượng miêu tả “trắng”, “tròn” như khắc họa rõ nét hơn vẻ đẹp bên ngoài đó: da trắng nõn nà, thân hình đầy đặn, tâm hồn trong trắng, nhân hậu. Với vẻ đẹp như vậy, đáng ra người phụ nữ phải có cuộc đời sung sướng, bình yên, song, người phụ nữ đẹp đó lại chịu nhiều lận đận, vất vả, long đong: “Bảy nổi ba chìm với nước non”. Cũng như chiếc bánh trôi phải nổi chìm trong nước thì người phụ nữ phải ngụp lặn trong cuộc đời lắm lênh đênh, vùi dập, xô đẩy “gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”. Ngay cả việc quyền làm chủ cuộc đời cũng bị người khác cướp mất, người phụ nữ hoàn toàn không được định đoạt số phận của mình, chỉ có thể phó mặc cho người khác: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn.” Thế nhưng họ vẫn giữ được nét đẹp sắt son “Vẫn giữ tấm lòng son”.
Nhận xét về Hồ Xuân Hương, có người đã nói: “Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa, bởi vì thơ bà trước hết là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ. Đặc biệt, không phải là người, phụ nữ lầu son gác tía, chinh phụ hay cung tần mà là người phụ nữ bình thường, người phụ nữ lao động có nhiều bất hạnh trong cuộc sống”. Thật vậy, sau khi cảm nhận và viết đoạn văn cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong bài Bánh trôi nước chúng ta thấy rõ ngòi bút trữ tình độc đáo của nữ thi sĩ và trân trọng tấm lòng của bà.