Cảm nhận về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương chi tiết, hay
Cảm nhận về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương
Cùng CungHocVui cảm nhận về bài thơ Bánh troi nước của Hồ Xuân hương để thấy nét độc đáo trong phòng cách sáng tác của tác giả. Đồng thời thông qua đó thấy được phần nào số phận lân đân, lọng đọng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
Cảm nhận bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương
Mở bài cảm nhận về bài thơ Bánh trôi nước
Là bà chúa thơ nôm của nền văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương đã để lại cho chúng ta vô vàn tác phẩm độc đáo, mang đậm phong cách riêng của mình. Thơ của bà dù rất giản dị, mộc mạc, gần gũi nhưng lại ẩn chứa những ý nhị và nét ẩn dụ vô cùng sâu sắc. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến là “Bánh trôi nước”, sáng tác như để nói lên nỗi lòng của những người phụ nữ trong chế độ phong kiến.
Thân bài cảm nhận bài thơ Bánh trôi nước
Xuyên suốt tác phẩm, Hồ Xuân Hương mượn hình ảnh loại bánh cùng tên với bài thơ-bánh trôi để tố cáo lên tội ác của chế độ cũ khi đã đánh giá thấp và chà đạp lên thân phận đàn bà. Xã hội khi ấy đầy rẫy những bất công, là nỗi bất hạnh và kinh hãi bởi sự “công bằng” trọng nam khinh nữ, đến mức người phụ nữ không có chút tiếng nói gì trong cuộc sống, cũng không thể đứng lên tự quyết định cuộc đời mình.
Cảm nhận về bài thơ bánh trôi nước qua 2 câu thơ đầu
Mở đầu bài thơ là chút âm hưởng từ ca dao dân ca của dân tộc với hai từ “Thân em”, gợi cho người ta cảm giác vô cùng thân quen:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Toàn bộ bài thơ là hình ảnh nhân hoá tượng trưng. Với khả năng quan sát và liên tưởng kỳ lạ, chất liệu dân gian là chiếc bánh trôi nước - loại bánh dân gian xưa cho là tinh khiết thường dùng vào việc cúng tế, nhà thơ đã phát hiện ra những nét tương đồng giữa chiếc bánh trôi bình thường với hình ảnh người phụ nữ.
Những câu văn đầu nghe tưởng chừng Hồ Xuân Hương chỉ đang miêu tả bánh trôi, thế nhưng thực chất lại là thân phận của người phụ nữ. Họ cũng giống như chiếc bánh trôi nước, mang vẻ đẹp vừa mềm mại, ngọt ngào thủy chung, trắng trong tinh khiết tựa như là tinh túy của những điều tốt đẹp trong đất trời.
Xem thêm:
Bánh trôi nước: Nội dung, hoàn cảnh sáng tác, dàn ý chi tiết
Cảm nghĩ của em về bài thơ Bánh Trôi nước
Nhưng bánh trôi nào đâu được ở yên, được tự lựa chọn số mệnh đời mình? Nó lênh đênh, bảy nổi ba chìm theo dòng chảy của non nước, cũng giống như phụ nữ trong thời đại phong kiến, luôn phải chịu thiệt thòi, áp bức, khoác lên mình bao nhiêu thủ tục lạc hậu, những phong tục tập quán gò bó lựa chọn.
Dẫu biết không phải lúc nào chế độ tư tưởng ấy cũng đầy rẫy những mặt xấu, bởi nó răn dạy cho người ta phải biết “Cầm, kỳ, thi, họa”, hiểu được lễ nghi cần thiết của cuộc sống. Nhưng “Tam tòng tứ đức” quả thực như kìm kẹp người phụ nữ đến mức không lối thoát với họ không có tiếng nói trong gia đình mà phải luôn vâng lệnh người chồng, người cha.
Đến quyền tự do cơ bản nhất của con người ấy là được lựa chọn lứa đôi mà họ cũng phải nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, sự lựa chọn của bà mai mối, bởi “Cha mẹ đặt đâu thì con phải ngồi đấy”. Nếu may mắn thì còn được hạnh phúc, được yêu thương, thế nhưng nếu không thì sẽ lại là cảnh hồng nhan đầy gian truân chẳng ai nâng niu. Đáng lẽ ra những con người ấy xứng đáng có được niềm vui, có được hạnh phúc, nhưng số phận lại nghiệt ngã đẩy họ vào lận đận đoạn trường.
Chỉ với hai câu thơ ngắn ngủi nhưng lại hàm chứa bao nhiêu ý tứ khiến ta càng cảm nhận được sự tài tình của Hồ Xuân Hương, xứng đáng với danh hiệu bà chúa thơ nôm. Dùng hình ảnh giản dị, mộc mạc là chiếc bánh trôi nước thôi cũng có thể làm nổi bật lên vẻ đẹp trong tâm hồn của người phụ nữ cũng như những bấp bênh cuộc đời bắt họ gánh chịu.
Nghệ thuật miêu tả của bà vô cùng tinh tế, không mang chút thô tục lại đi kèm với cách chơi chữ vô cùng phóng khoáng, tạo nên một phong cách thơ độc đáo, táo bạo.
Phân tích 2 câu thơ cuối Bánh trôi nước
Cuộc đời khắc nghiệt, nhưng ở những câu tiếp theo bài thơ, người phụ nữ của Hồ Xuân Hương hiện lên vẫn giữ được những nét đẹp tinh túy vốn có:
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Để tiếp tục chủ đề, tác giả đã vô cùng thông minh và sắc sảo khi tài tình lựa chọn nghệ thuật đảo ngữ vào câu thơ. Ta như nghe được tiếng cam chịu của thân phận những đóa hoa bạc mệnh trước số phận, khi họ buông xuôi mặc cho “tay kẻ nặn”.Dù rắn hay nát cũng đâu đến lượt họ quyết định, vẫn phải tùy thuộc vào cha mẹ, bề trên, và xã hội phong kiến hà khắc kia.
Một xã hội đầy sự bất công và vô lý, chà đạp lên những người phụ nữ chân yếu tay mềm từ thể xác cho tới tâm hồn. Ấy vậy mà trong hoàn cảnh ấy, thật đáng quý với họ vẫn luôn giữ được tấm lòng trinh bạch, sắc son thủy chung của mình. Họ vẫn sẽ là những cô vợ hiền, dâu thảo, là đứa con có hiếu luôn giữ gìn tiết hạnh.
Mặc cho những bất công đầy rẫy, những điều đáng quý vẫn luôn được họ giữ gìn, điều đó như một điểm sáng làm nổi bật lên được phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ xưa. Dẫu có thế nào, dẫu số phận có chông chênh ra sao họ vẫn luôn giữ một tâm hồn, một cốt cách cao đẹp, trong sạch " tấm lòng son". Người con gái xưa không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn mang cả một tấm lòng yêu thương, thủy chung, son sắt và đầy bản lĩnh.
Giá mà xã hội xưa kia bình đẳng, giá mà xã hội xưa kia biết yêu thương và thấu hiểu cho người phụ nữ thì tốt biết bao nhiêu. Người ta thường nói, khi sống trong một môi trường của sự xấu xa, ích kỷ, thối nát rất dễ dạy con người vào lạc lối, cùng đường, thậm chí nếu không bản lĩnh sẽ biến mình trở nên xấu xa. Nhưng những người con gái kiên cường trong xã hội cũ đã chứng minh điều ngược lại.
Xen kẽ những sự cam chịu ấy, ta lại thấy được trong đó sự quả quyết đầy tự hào, là tiếng lòng của tất cả những người phụ nữ. Cuộc đời có bạc bẽo, bất công, cuộc sống có gian khổ, long đong như thế nào chăng nữa, người phụ nữ vẫn giữ được sự son sắt, thủy chung cùng những phẩm chất tốt đẹp của mình. Đó là sự khẳng định của bà và đó cũng chính là phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.
Đồng thời Hồ Xuân Hương thay mặt họ lên án cảnh tỉnh với sự độc ác của xã hội cũ khi lỡ lòng chà đẹp và kịp hãm đi sự phát triển của cả một giới tính với đầy những điều đáng quý.
Xem thêm:
Dàn bài cảm nhận về bài thơ bánh trôi nước
Đoạn văn cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ qua Bánh trôi nước (2 mẫu)
Kết bài cảm nghĩ của em về bài thơ Bánh trôi nước
Tóm lại, “Bánh trôi nước” là một bài thơ vô cùng đặc sắc và tiêu biểu cho phong cách thơ của tác giả Hồ Xuân Hương. Hình ảnh giản dị, gần gũi, nhiều tầng ý nghĩa và thể hiện được những suy nghĩ cũng như trăn trở về thân phận phụ nữ trong chế độ xã hội cũ. Đây cũng chính là điều khiến bài thơ gây ấn tượng cho chính những người đọc.
Bài thơ chỉ có bốn câu, đề tài bình dị nhưng dưới ngòi bút thần diệu, Hồ Xuân Hương đã tạo cho viên bánh trôi nước mang vẻ đẹp sáng ngời của viên ngọc lấp lánh nhiều màu. Bài thơ chứa đựng một luồng ánh sáng, ý thức về xã hội bất công vùi dập người phụ nữ và giá trị nhân phẩm của mình.