Đăng ký

Diễn biến tâm trạng của Mị trong " đêm tình mùa xuân" (Vợ chồng A Phủ) - Ngữ Văn 12

1,140 từ Văn mẫu

Bài Làm

   1. Mị đã bước vào cái đêm đáng ghi nhớ ấy, thoạt tiên, như một tâm hồn tâm câm lặng. Cái cô Mị xưa kia trẻ đẹp, khao khát yêu đương và cũng đã được yêu đương, cô Mị ấy tưởng như đã chìm hẳn vào dĩ vãng. Chỉ còn một người đàn bà “không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, người đàn bà bị cầm tù trong một ngục thất tinh thần (hình ảnh cái buồng có một cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng). Đã bao năm rồi, người đàn bà ấy chẳng biết đến mùa xuân, chẳng đi chơi Tết.

   2. Vậy mà vào đúng cái đêm tình mùa xuân năm ấy, Mị thốt nhiên lại muốn đi chơi, và đã sửa soạn đi chơi thực sự. Vì sao vậy? Khó có thể cho là tại đất trời. Thời tiết mùa xuân năm nào chẳng đại loại như thế.

    Lí giải sự đột biến khác thường của Mị trong đêm ấy, là một thử thách thật đối với Tô Hoài. Hãy xem bằng cách nào mà nhà văn vượt qua thử thách.

   - Với một người như Mị, muốn đi chơi nghĩa là muốn phá phách, nghĩa nổi loạn. Cũng với một người như Mị để có thể nổi loạn, thì phải có cái gì có khả năng làm quên đi hiện tại để sống trở về những tháng năm xưa.

   Cái đó là men rượu mà Tết năm ấy, Mị đã lén “uống ực từng bát”. “Rồi Mị lịm mặt ngồi đấy... nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước”... Rõ nhất là tiếng sáo. Mỗi lần tiếng sáo trở lại truyện là mỗi lần nó được biến đổi đi từ âm thanh của hiện tại dần dần thành tiếng của những mùa xuân trước. Từ chỗ ở ngoài Mị, ở xa Mị, dần dần như tiếng ai mời gọi, hồn ai chờ đợi ngoài đường, để cuối cùng rập rờn trong đầu người thiếu phụ. Tiếng sáo dìu hồn Mị hay là bước đi của hồn Mị được ghi dấu bằng tiếng sáo.

   -  Như thế là sức sống lòng, lòng ham sống đã thức dậy trong lòng người thiếu phụ.

   Nhưng sự vượt khỏi hoàn cảnh hiện tại của nhân vật không hề đơn điệu dễ dàng.

   Một thời gian dài, Mị sống trong sự giao tranh giữa quá khứ và hiện tại. Quá khứ đẩy đưa đi, hiện tại trì níu lại. (Nên lòng phơi phới mà Mị vẫn theo quán tính bước vào buồng, ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Và lòng ham sống trào dậy đầu tiên trong ý nghĩ muốn chết ngay không buồn nhớ lại...).

   Nhưng sức sống cứ lớn dần, sức ám ảnh của tuổi xuân cứ mạnh dần, cho đến khi nó dường như chiếm trọn tâm hồn Mị. Phải tới lúc đó, Mị mới hành động như một kẻ mộng du, không thấy, không nghe A Sử nói.

   3. Rồi Mị bị A Sử trói trong trạng thái mơ hồ. Mãi về sau, Mị mới cảm thấy cái hiện tại tàn khốc khi vùng bước đi mà lay chân không cựa được. Nhưng nếu cái mơ không đến một lần, ngay tức khắc thì sự tỉnh ra cũng vậy. Lại một giai đoạn chập chờn nữa giữa hơi rượu, tiếng sáo với cái đau nhức của dây trói và tiếng chân ngựa đạp vào vách. Nhưng bây giờ thì theo chiều ngược lại, tỉnh dần ra, đau đớn dần lên, tê dại dần đi, để dần dần trở lại với vị trí của con rùa lùi lũi trong xó cửa.

   4. Một làn sóng tình cảm đã tan đi, không làm thay đổi mảy may đời Mị. Nhưng cái gì Tô Hoài đã viết về đêm hôm ấy vẫn đầy ý nghĩa. Nó cho thấy: thứ nhất, sức sống cùa con người dù bị giẫm đạp, đè nén đến đâu cũng vẫn không bị mất đi. Ý nghĩ ấy khiến ta thêm tin, thêm yêu mến con người. Thứ hai, chế độ phong kiến là chế độ buộc trói, giam hãm chống lại con người và sự sống. Chế độ ấy đáng căm thù, lên án cả từ phía nhân danh quyền sống của con người, tình tiết nghệ thuật giàu chất nhân đạo và chất thơ.

shoppe