Dàn ý Bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Đề bài
Đề bài: Bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Hướng dẫn giải
- Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường, thơ chị là tiếng lòng của một tâm hồn luôn khao khát tình yêu, tiếng thơ vừa hồn nhiên vừa nồng nàn, mãnh liệt.
- Bài thơ đuợc in trong tập Hoa dọc chiến hào, là một trong những bông hoa rực rỡ nhất trong đời thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ là tâm trạng mãnh liệt của người phụ nữ trong tình yêu.
- Hai hình tượng sóng đôi trong tác phẩm là hình tượng “sóng” và “em”, có khi tách riêng, nhưng lúc lại hòa làm một đã thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp của người phụ nữ trong tình yêu.
- Khổ 1: + Con sóng của đại dương hiện lên với nhiều đối cực khác nhau dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ, đó cũng là hình ảnh trái tim chứa đựng nhiều cảm xúc phong phú phức tạp của người phụ nữ.
+ Hai câu sau là sự bứt phá của sóng thoát khỏi không gian sông nhỏ hẹp, “không hiểu mình” để tìm đến biển cả rộng lớn, người phụ nữ cũng luôn khát khao những giá trị tuyệt đích trong tình yêu, luôn muốn khám phá chính mình.
- Khổ 2: + Thời gian có đổi thay, những bản tính của sóng “ngày xưa”, “ngày sau” vẫn như vậy: luôn dạt dào, khao khát tìm kiếm không gian rộng lớn vẫy vùng, luôn hướng đến bờ.
+ Cũng như trong, trái tim của người con gái luôn rạo rực, “bồi hồi” khát khao được yêu thương, khát khao đến bến bờ nơi anh.
- Khổ 3: + Trái tim tình yêu của người con gái đã hòa nhịp chung với nhịp vỗ của “muôn trùng sóng bể”.
+ Người con gái trong tình yêu luôn khát khao nhận thức về mình, người mình yêu và về tình yêu. Nỗi khắc khoải “Từ nơi ..lên” là khát khao tìm nguồn cội tình yêu.
- Khổ 4: + Đến đây chính là lời giải đáp cho những băn khoăn ở khổ trước.
+ Vì trái tim người con gái đã hòa nhịp cùng sóng, nên để tìm nguồn cội tình yêu người con gái muốn lí giải nguồn cội của sóng trước, nhưng tất cả đều bí ẩn, để rồi ngại ngùng thốt lên “Em cũng không biết nữa”.
- Khổ 5: + Nỗi nhớ bờ của sóng triền miên, bao trùm khắp không gian “dưới lòng sâu” – “trên mặt nước”, thời gian “ngày” – “đêm”, dạt dào đến “không ngủ được”. Đó cũng là nỗi nhớ của người phụ nữ khi yêu.
+ Nỗi nhớ “anh” của “em” còn ăn sâu vào cả tiềm thức, luôn thường trực trong mọi suy mọi lúc, mọi nơi ngay cả trong giấc mơ “cả trong mơ còn thức”.
- Khổ 6: + Nghệ thuật tương phản “xuôi – ngược”, điệp ngữ “dẫu”, “vẫn”, “về” gợi hành trình của sóng ngoài biển lớn cũng như hành trình tình yêu của người phụ nữ giữa cuộc đời.
+ Lời thề thủy chung của người phụ nữ, niềm tin chờ đợi trong tình yêu, dù ở đâu cũng “hướng về anh một phương”, nghĩ về người mình yêu bằng cả trái tim.
- Khổ 7: khẳng định quy luật vĩnh cửu của thiên nhiên “con nào chẳng tới bờ ... Dù... cách trở”, cũng giống như “em”, dù khó khăn, thử thách vẫn luôn hướng đến “anh”.
- Khổ 8: + “Cuộc đời tuy dài thế / Năm tháng vẫn đi qua”: cảm giác cô đơn nhỏ bé trước cuộc đời, nỗi lo âu về sự hữu hạn của tình yêu trước thời gian vô tận.
+ “Như biển kia ... bay về xa”: cảm giác bất an trước cái dễ đổi thay của lòng người giữa “muôn vời cách trở”. Nhưng đây còn là vượt lên sự lo âu phấp phỏng đặt niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu như mây có thể vượt qua biển rộng.
- Khổ 9: + “Làm sao” gọi sự băn khoăn, khắc khoải, ước ao được hóa thành “trăm con sóng nhỏ” để muôn đời vỗ mãi vào bờ.
+ Đó là khát khao của người phụ được sống “biển lớn trong tình yêu ” bằng tình yêu và cùng tình yêu, khát khao hòa nhập tình yêu riêng tư trong tình yêu chung rộng lớn.
- Nêu cảm nhận về bài thơ Sóng
- Khái quát giá trị nghệ thuật: xây dựng thành công hình tượng “sóng”ngôn từ, hình ảnh trong sáng bình dị, ...
- Sóng là bài thơ in đậm dấu ấn tâm hồn người phụ nữ vừa đời thường, chắt chiu nhưng khát khao những gì tuyệt đích trong tình yêu.