Đăng ký

Chứng minh rằng: “Thơ văn Nguyễn Trãi thể hiện tấm lòng yêu nước, thương dân tha thiết, trọn đời”

3,674 từ

Dựa vào những tác phẩm đã đọc và đã học, anh (chị) hãy chứng minh rằng: “Thơ văn Nguyễn Trãi thể hiện tấm lòng yêu nước, thương dân tha thiết, trọn đời”

Yêu nước thương dân đó là điều thường trực trong con người Nguyễn Trãi. Chính lí tưởng cao đẹp đó là mục đích mà ông đã theo đuổi suốt cuộc đời để đem lại nền độc lập cho nước, hạnh phúc cho dân. Ông đã từng trăn trọc vì việc nước:

“Còn có một lòng âu việc nước
Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung”
 
Để rồi thốt lên sung sướng khi nước nhà độc lập:
 
“Than ôi!
Một cỗ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm
Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn”
(Bình Ngô đại cáo)
 
Và một lẽ hiển nhiên: chiến thắng có được là do có lòng yêu nước của mỗi người dân. Nguyễn Trãi cũng chứa trong mình bầu nhiệt huyết ấy và lòng căm thù sôi sục đối với quân giặc cướp nước:
 
“Ngẫm thù lớn há đội trời chung,
Căm giặc nước thể không cùng sống.
Đau lòng, nhức óc, chốc đã mười mấy năm trời,
Nếm mật, nằm gai, há phải một hai sớm tối”
(Bình Ngô đại cáo)
 
Tâm trạng ấy chính là tâm trạng đau xót dằn vặt day dứt của một người dân mất nước, của một vị tướng tài ba. Ông căm thù quân xâm lược đến tận tuỷ, chính bọn chúng đã làm cho đất nước ta tràn đầy khói lửa, đã vơ vét tài sản quý hiếm của quê hương ta, tàn sát dân ta. Trong ông bừng cháy một lòng căm thù không đội trời chung với quân giặc. Và chính nỗi đau ấy, nỗi đau mất nước đã nung đốt lòng Nguyễn Trãi, khiến ông phải thôt lên:
 
“Độc ác thay, trúc Nam sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa hết mùi”

Câu thơ như một tiếng thét đầy căm phẫn trước tội ác tày trời của quân thù. Lòng căm ghét không nguôi của ông:
 
“Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa,
Chốn hoang dã nương mình”
 
Câu thơ nói đến Lê Lợi nhưng cũng cho phép ta hiểu đó là nói về Nguyễn Trãi. Bởi Nguyên Trãi đã cùng Lê Lợi xây dựng nghĩa quân Lam Sơn từ buổi đầu còn trứng nước.
 
Và phải chăng chính vì yêu nước mà ông vui mừng trước chiến thắng dồn dập của quân ta?
 
Từ:
 
“Trận Bồ Đàng sấm vang chớp giật.
Miền Trà Lân trúc trẻ tro bay”
 
Đến:
 
“Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm
Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”
 
Tác giả đã miêu tả những chiến thắng của quân ta mạnh mẽ, dồn dập. Nhịp thơ cũng tăng nhanh tạo không khí hồ hởi vui vẻ và niềm tự hào của quân sĩ cũng như của tác giả.
 
Con người Nguyễn Trãi không chỉ là một chiến sĩ dạn dày với khói lửa binh đao mà ông còn là một thi nhân có tâm hồn lãng mạn nhạy cảm với thiên nhiên sâu sắc.
Khi đất nước bị ngoại sâm đe doạ thì lòng yêu nước của Nguyễn Trãi là lòng căm thù giặc. Trong thời bình lòng yêu nước của Nguyễn Trãi lại là lòng yêu quê hương, yêu cảnh sắc của quê hương đất nước.
 
Trong bài Bến đò xuân đầu trại, tác giả viết:
 
“Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời”
 
Hai câu thơ miêu tả cảnh đẹp của thiên nhiên khi tiết trời sang xuân. Xuân về mang theo sự tươi tốt với những làn mưa. Cỏ ở bến xanh như màu khói bao la bát ngát.
 
Câu thơ thứ hai vẫn tiếp tục miêu tả cảnh vật:
 
“Lại có mưa xuân nước vỗ trời”
 
Từ “lại” ở đây không phải là sự lặp lại nhiều lần mà là sự đóng góp thêm phần sinh động. Hai câu thơ không chỉ có hình ảnh mà còn có những âm thanh, những âm thanh của mùa xuân. Đó là “mưa xuân nước vỗ trời”. Cả hình ảnh và âm thanh như hoà quyện với nhau tạo nên một nét đẹp. Mùa xuân bao giờ cũng có mưa. Những làn mưa xuân phủ trắng trên mặt sông. Và những làn mưa ấy như chiếc thang trắng xoá nối liền trời với nước.
 
Qua hai câu thơ ta cũng thấy được nét tinh tế trong tâm hồn và cách nhìn của tác giả. Đó chính là sự rung cảm trước cảnh vật thiên nhiên, đất trời khi xuân về.
 
Chưa hết, ta còn thấy được tình yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả qua bài thơ “Cuối xuân tức sự”:
 
“Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan”
 
Tuy suốt ngày chỉ khép mình trong phòng văn để xa lánh cuộc sống trần tục nhưng tác giả vẫn hướng về thiên nhiên, hướng về thế giới của cỏ cây hoa lá. Phải là một con người có sự nhạy cảm, rung động thực sự trước thiên nhiên thì tác giả mới cảm nhận được những vẻ đẹp của thiên nhiên để cảm hứng rung lên thành những tác phẩm tuyệt tác và đây khi đang ngồi và khép mình trong phòng văn, ông đã nghe thấy tiếng cuốc và ông khẽ ngước mắt nhìn ra ngoài sân hoa xoan đã nở đầy.
 
Hai câu thơ cho chúng ta thấy tình yêu thiên nhiên của tác giả và tình yêu ấy đã không bị ngăn cản bởi bức tường của căn phò ng văn mà vượt ra ngoài hoà nguyện vào thiên nhiên cảm nhận sự chuyển mùa, cuối xuân đầu hạ.
 
Bài thơ Côn sơn ca cho ta thấy cảnh sống, tấm lòng và tâm hồn nghệ sĩ của tác giả:
 
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”
 
Tiếng suối chảy róc rách trong một không gian vắng lặng cả độ trầm độ bỗng, ở đây tiếng suối không chỉ như tiếng hát mà đối với Nguyễn Trãi tiếng suối còn như tiếng đàn cầm bên tai. Và với niềm thích thú tác giả ngồi xuống tảng đá và tác giả cảm nhận, một cảm nhận bằng xúc cảm: “Chiều êm”. Với biện pháp so sánh, tác giả thể hiện niềm vui thú say sưa với thiên nhiên của mình. Đây chính là chất nghệ sĩ trong tâm hồn tác giả: “Ngâm thơ nhàn”. Dưới bóng trúc râm, dưới cái màu xanh mát ấy nhà thơ đã vút lên những cảm hứng ngâm những câu thơ nhàn tản. Điều đó chứng tỏ tác giả rất yêu thiên nhiên, ông tìm đến thiên nhiên hoà lòng mình vào thiên nhiên với tất cả tấm lòng.
 
Cũng với lòng yêu nước sâu sắc, Nguyễn Trãi còn thể hiện tình yêu thương nhân dân tha thiết trọn đời.
 
Chính tình yêu thương ấy đã làm cho tác giả phải đau đớn khi dân ta bị tàn sát dưới gót giày xâm lược:
 
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
 
Hai câu thơ gợi cho người đọc một cảnh tượng đầy hãi hùng. Quân giặc đi đến đâu là đầu rơi máu chảy, ngọn lửa chiến tranh, ngọn lửa phi nghĩa đang thiêu đốt dân ta. Chính ngọn lửa ấy đã làm cho dân ta phải chết, đã làm cho những em bé thơ ngây luôn nơm nớp nỗi sợ hãi lo âu. Tác giả đã sử dụng từ “nướng, vùi” là những từ giàu sức gợi tả. Thật là một tội ác dã man vô nhân đạo. Hai câu thơ đã thể hiện được sự đau xót rụng rời của Nguyễn Trãi. Ông thương cảm cho những con người vô tội bị ngọn lửa của chiến tranh tàn sát. Lòng thương dân ấy của ông cũng chính là sự tin tưởng ở dân, lấy dân làm gốc.
 
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
 
Phải chăng lòng thương dân sâu sắc đã thôi thúc ông diệt trừ bạo tàn, diệt trừ bè lũ xâm lăng, giành lại tự do cho đất nước, hạnh phúc cho dân?
 
Thương dân - đó là dòng máu luôn cháy hừng hực xen vào từng đường gân thớ thịt của ông. Đó chính là lí tưởng cao quý mà ông theo đuổi suốt cuộc đời và gắn bó suốt cuộc đời.
 
Ông luôn mơ ước cho dân mình được sống một cuộc sông đầy đủ ấm no:
 
“Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
 
Ông muốn mình có một cây đàn của vua Thuấn để đàn lên một khúc cho dân giàu nước mạnh. Cả bài thơ thất ngôn xen lục ngôn; đến câu thứ tám từ “dân” mà tác giả ấp ủ mới được thốt lên. Đó cũng chính là nỗi lòng của tác giả. Nỗi lòng ấy luôn hướng về nhân dân, mong cho dân hạnh phúc.
 
Trong bài Tùng tác giả cũng viết:
 
“Hổ phách phục linh nhìn mới biết
Dành còn để trợ dân này”
 
Vẫn là để dành cho dân. Những món thuốc quý ấy không phải dành cho vua chúa quan lại mà dành cho dân. Ý thơ đọng lại ở câu lục ngôn đồng thời mở ra cho người đọc rất nhiều suy nghĩ. Câu thơ đã bộc lộ sâu sắc tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi. Lòng thương dân của tác giả thật cao cả. Ông không chỉ mong cho dân mà còn dành cho dân. Đây chính là giá trị nhân đạo trong thơ văn Nguyễn Trãi.
 
Tóm lại lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi rất cao cả. Hai tư tưởng đó như hoà cùng với nhau trong tâm hồn Nguyễn Trãi. Chính vì tình yêu nước mà ông mới thương dân và cũng chính vì thương dân mà ông yêu nước.
 
Phải chăng chính lòng yêu nước thương dân ấy mà ông đã theo đuổi sự nghiệp cứu dân suốt cuộc đời, và ông luôn giữ nó thường trực trong tâm can? Nguyễn Trãi quả là người có lòng yêu nước thương dân. “Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước thương dân, cái nhân nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt bạo tàn, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân” (Phạm Văn Đồng)

Câu nói đó thật đúng. Ta càng tự hào hơn về Nguyễn Trãi, vị anh hùng, nhà đại thi hào của dân tộc.

shoppe