Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài nói với con
Bài văn mẫu cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài nói với con
Cùng tham khảo bài văn mẫu cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài nói với con của tác giả Y Phương để từ đó hiểu hơn về tấm lòng của cha mẹ, su hy sinh và yêu thương vô bờ bến mà họ dành cho con.
Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài nói với con
Mở bài
Trong nền Văn học Việt Nam từ xưa đến nay, tình cảm gia đình luôn là thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất. Nếu như tình mẹ dành cho con là đức hy sinh, là sự yêu thương không cần báo đáp và là cả tấm lòng bao dung trời biển, thì tình cha dành cho con chính là sự ấm áp, là những mạnh mẽ cha dạy con vững bước trên đường đời như núi cao, sông dài. Mẹ cho con sự mềm mỏng, cha cho con sự vững vàng. Đó cũng chính là tâm tư tình cảm mà tác giả Y Phương đã gửi gắm trong bài thơ “Nói với con”.
Xem thêm:
Cảm nhận bài Sang thu của Hữu Thỉnh
Thân bài cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài nói với con
Khái quát về tác giả và hoàn cảnh sáng tác của bài thơ
Y Phương là nhà thơ dân tộc được sinh ra ở vùng đất Cao Bằng- nơi nổi tiếng có truyền thống Cách mạng mạnh mẽ và luôn được “giữ lửa” trong lòng mỗi người dân ở đây.
Nói với con chính là bài thơ mang nhiều tâm tư tình cảm nhất của tác giả Y Phương. Bởi những gì mà ông muốn truyền tải trong bài thơ không chỉ là tình cảm thiêng liêng của người cha dành cho con, người cha muốn con luôn ghi nhớ công ơn cha mẹ, những người đã sinh dưỡng ra mình khi còn nhỏ. Đến khi trưởng thành, người cha muốn con còn phải biết ơn và nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước.
Người cha trong bài thơ muốn con mình biết rằng, cha mẹ là nguồn cội, đất nước là mầm sống, không thể tách rời.
Người cha dạy con ý nghĩa to lớn của một gia đình, những người đã sinh dưỡng ra con
Cảm nhận về tình cảm cha con trong bài nói với con
Mở đầu bài thơ ta có thể thấy được Y Phương đã dùng những lời thơ chân thật và tha thiết nhất. Từng câu thơ bình dị nhưng thẳng thắn, chân thành, như chính “cái bụng” của những người dân tộc nơi đây:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Tác giả đã vẽ ra một bức tranh gia đình bình dị nhưng thật hạnh phúc với hình ảnh trọn vẹn cha, mẹ và con. Đó chính là niềm vui vô giá khi con hiện diện trên cuộc đời này, sung sướng như vỡ òa khi được nhìn thấy con chập chững “Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ”. Là khi con khôn lớn lên từng ngày, biết nói biết, biết cười, biết yêu thương cha mẹ, biết nhìn thấy cuộc đời tươi đẹp.
Đồng thời, Y Phương đã khéo léo dùng những từ chỉ số đếm “Một, hai” cho thấy được tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con. Từng bước đi, từng tiếng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ nâng niu, đếm từng nhịp. Đó cũng chính là tình thân gia đình ruột thịt, thiêng liêng, không gì sánh bằng của cha mẹ.
Đó không chỉ là cảm nhận riêng của tác giả Y Phương, mà nó còn là đề tài muôn thuở luôn được các nhà thơ nhà văn luôn đặc biệt đề cao và tôn vinh trong nền Văn học Việt Nam xưa nay với nhiều câu thơ bất hủ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
(Khuyết danh Việt Nam)
Hoặc trong ca dao tục ngữ Việt Nam:
Con mất cha như nhà mất nóc
Con mất mẹ liếm lá đầu đường.
Hay
Mẹ dạy con thì khéo, Bố dạy thì con khôn.
Thế mới thấy được tình cảm của cha mẹ dành con chính là thứ tình cảm to lớn và bao nhất. Không ai sẵn sàng lấy thân “đội cả bầu trời nắng” chỉ để tìm chỗ mát cho con như cha, cũng không ai tự nguyện hy sinh cả cuộc đời, bất chấp cả tính mạng vì con như mẹ.
Cũng vì vậy mà khi đọc tác phẩm “Nói với con” ta có thể cảm nhận được tác giả dường như đã đặt cả tâm tư, tình cảm chân thật nhất của mình từng câu từng chữ trong bài thơ này.
Cảm nhận về tình cảm cha con trong bài nói với con của Y Phương
Người cha dạy con không chỉ biết yêu gia đình, mà còn phải biết yêu quê hương, Tổ quốc
Bên cạnh tình cảm gia đình, tác giả còn muốn con của mình khi trưởng thành còn phải có một tấm lòng rộng mở hơn đó là tình yêu quê hương, đất nước, nơi đã giúp con tồn tại và phát triển:
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng.
Trong những câu thơ còn lại của bài thơ, tác giả đã liệt kê ra những gì tốt đẹp nhất mà xóm giềng trong bản làng dành cho con. Nếu như người cha muốn con yêu quê hương, đồng bào mình, thì chính ông phải là người có tình yêu da diết trước.
Bởi thế, nên tác giả đã đã cảm thán rằng “Người đồng mình yêu lắm con ơi”. Ba từ “Người đồng mình” nghe sao mà thân thương quá, gắn bó quá. Y Phương sử dụng từ “Người đồng mình” chính là rút gọn của ý nghĩa những người ở vùng mình, miền mình, những người đang sống chung quê hương với mình hoặc những người đang cùng chảy chung dòng máu Lạc Hồng của dân tộc Việt Nam mến yêu.
Hai từ “yêu lắm” nghe như khắc cốt ghi tâm, có thể thấy tình đồng bào, tình dân tộc, tình làng nghĩa xóm gắn kết của những người dân vùng đất Cao Bằng như đã ăn sâu vào máu, là lẽ sống thiêng liêng của mỗi người. Họ đã biến tình yêu ấy trở thành phong tục tập quán, cần được lưu giữ, kế thừa và phát huy qua mỗi thế hệ.
Thế nên, người cha cũng muốn truyền cho con tình yêu ấy, người cha muốn con yêu nhân dân vùng mình, dân tộc mình, đất nước mình như người cha đã từng yêu.
Cũng vì lẽ đó, mà tác giả đã dùng những câu thơ vui tươi để miêu tả những gì đẹp nhất, gần gũi nhất với con, để con biết yêu từ những điều bé nhỏ nhất, chi tiết nhất như “chiếc lờ, vách nhà, rừng, những con đường”, đến những điều lớn lao như bình yên, niềm vui của đất nước.
Y Phương đã tinh tế dùng những hình ảnh hết sức sinh động và giàu sức gợi hình mạnh mẽ. Đồng thời, ông cũng muốn cho con thấy được rằng, đất nước hòa bình, yên ấm, thì người dân mới có thể yên tâm sống vui vẻ và giữ mãi được khung cảnh lao động hăng say, tươi vui hằng ngày mà con vẫn thấy như “đan lờ”- chính là dụng cụ bắt cá của những người dân miền núi, dưới bàn tay khéo léo chúng đã biến thành “cài nan hoa”.
Người dân không chỉ cùng chung tay tạo dựng nên những tấm vách gỗ để xây nhà, mà nó còn được xen kẽ bởi những “câu hát” rộn ràng, đoàn kết của họ. “Những con đường” không tiếc thân mình bị mài mòn cho người dân đi hái bắp, lao động hằng ngày, giúp cho người dân khắp nơi được gặp nhau, tụ họp lại với nhau, chúng đã góp phần gắn kết thêm “cho những tấm lòng”.
Thêm vào đó, những cánh rừng bạt ngàn ở vùng núi Cao Bằng cũng giúp tô điểm thêm cho vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng nơi đây bằng những bông hoa lung linh, đua nhau khoe sắc trong nắng, trong sương, cho mọi người thêm yêu nét đẹp đặc trưng ở quê hương mình.
Cảm nhận về tình cảm của cha dành cho con trong bài nói với con
Giá trị nhân văn của bài thơ “Nói với con”
Tác giả Y Phương đã sáng tác những lời thơ trong sáng, bình dị và gần gũi nhất để răn dạy con của mình về cách sống, cách làm người tốt. Bên cạnh đó, ông đã khéo léo dùng những từ ngữ miêu tả, ngợi ca vẻ đẹp của quê hương để dạy con biết cách “yêu” gia đình, yêu cha mẹ- những người đã sinh dưỡng và nuôi nấng con trưởng thành.
Đồng thời cũng để lột tả niềm tự hào của tác giả với vẻ đẹp của vùng núi Cao Bằng dưới con mắt của một nhà thơ nói chung, và dưới con mắt của người dân nơi đây nói riêng để dạy con cách yêu quê hương, đất nước- nơi đã cho con sự ấm êm, đã cho con những điều tốt đẹp nhất, giúp con biết kế thừa, và phát huy tình đoàn kết giữa đồng bào, dân tộc, biết trân quý và ra sức giữ gìn sự bình yên của đất nước.
Gía trị nghệ thuật của bài thơ “Nói với con”
Xét về giá trị nghệ thuật của tác phẩm “Nói với con”, ta nhận thấy rằng, tác giả Y Phương không sử dụng những từ ngữ hoa mỹ, ẩn chứa hàm ý sâu xa để người đọc phải suy ngẫm, mà ông đã dùng bút pháp miêu tả đặc trưng với những từ ngữ đơn giản và dễ hiểu nhất, nhưng chúng lại có sức gợi hình gợi cảm đến lạ.
Kết bài
Bài thơ “Nói với con” đến nay vẫn được xem là một trong những tác phẩm gần gũi và hay nhất của nhà thơ Y Phương. Bởi chính những tình cảm chân thật nhất cũng như bút pháp tinh tế, khéo léo mà ông đã sử dụng để truyền tải tâm tư tình cảm của mình vào trong đó. Bài thơ không chỉ giúp người đọc cảm nhận tình yêu trời biển của cha mẹ dành cho con, sự dạy bảo và niềm hy vọng to lớn mà cha muốn “nói” với con, mà còn giúp cho người đọc cảm nhận được nhịp sống rộn ràng, sự cần cù, hăng say trong lao động của người dân nơi vùng núi Cao Bằng xa xôi.
Hy vọng qua bài văn mẫu cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài nói với con, CungHocVui đã giúp bạn đọc có thêm nhiều tư liệu bổ ích và có những giờ phút học tập tốt hơn môn Ngữ Văn 9.