Cảm nhận nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều trong Trao duyên- Văn mẫu 10
Cảm nhận nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều trong Trao duyên
Cùng tìm hiểu và cảm nhận về nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều trong Trao duyên qua bài văn mẫu dưới đây được CungHocVui tổng hợp và biên soạn. Chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích và giúp bạn học tập tốt hơn.
Cảm nhận về nhân cách cao đẹp của Kiều trong Trao duyên
Mở bài cảm nhận nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều trong Trao duyên
Trong xã hội phong kiến xưa, người phụ nữ bé nhỏ luôn bị chà đạp bởi những tư tưởng lạc hậu cùng vô vàn hủ tục thối nát. Tuy nhiên, dẫu sóng đời có đánh họ tơi tả đến đâu, thì họ vẫn luôn giữ cho riêng mình một nhân cách cao đẹp. Nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích “Trao duyên” chính là một minh chứng cho điều đó. Khi bị sự mục nát của quyền lực và tiền tài ép đến đường cùng phải bán mình chuộc cha, nàng vẫn luôn sáng mãi một nhân cách cao đẹp, một tấm lòng son sắt nặng nghĩa tình.
Xem thêm:
Thuyết minh Trao duyên truyện Kiều
Dàn ý cảm nhận trao duyên truyện Kiều
Thân bài cảm nhận về nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều trong Trao Duyên
Trong đoạn trích “Trao duyên”, người đọc có thể dễ dàng cảm nhận được sự thông minh, sắc sảo và khôn khéo của Thúy Kiều khi mở lời nhờ em mình. Sự thông minh, sắc sảo ấy trước hết thể hiện ở lời nói, hành động của Kiều:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi đây cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Kiều dùng từ “cậy” chính là đang dành tất cả sự trông chờ, dựa dẫm vào Thúy Vân. Như thế, Vân có thể hiểu được tính chất nghiêm trọng của câu chuyên. Đồng thời, việc dùng từ “lạy” và “thưa” - những từ ngữ được sử dụng để thể hiện thái độ, hành động của người bề dưới đối với người bề trên. Điều này cho thấy Kiều đang nhận mình ở vị thế dưới Thúy Vân.
Thúy Kiều là người có nhân cách cao đẹp
Theo văn hóa người Việt, chị “lạy” và “thưa” với em là một điều hết sức vô lý. Nhưng đặt trong hoàn cảnh của Thúy Kiều, thì nó lại hợp lý vô cùng. Bởi Kiều đang muốn nhờ em nối duyên với Kim Trọng. Đây là một hành động ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của Thúy Vân và Kiều cũng biết mình đang là người mang ơn, vì thế hành động trên sẽ khiến Thúy Vân khó lòng từ chối. Từ đó, người đọc có thể cảm nhận được sự thông minh, tinh tế trong mọi lời nói, hành động của Thúy Kiều.
Những lý lẽ Kiều đưa ra để thuyết phục Thúy Vân cũng thể hiện sự thông minh, sắc sảo của nàng. Thúy Kiều dẫn dắt câu chuyện bằng việc kể về mối tình đẹp như mơ của mình với Kim Trọng. Nhưng mối tình đậm sâu ấy lại “giữa đường đứt gánh tương tư”, giờ chỉ còn là “mối tơ thừa” bởi hoàn cảnh ép buộc. Nàng tiếp tục kể về tình cảnh hiện tại của mình, khi phải đứng trước sự lựa chọn giữa chữ hiếu và chữ tình. Cuối cùng, Kiều dùng tình cảm chị em cùng những dự cảm về tương lai đau thương của mình để thuyết phục Vân đồng ý:
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”
Thúy Vân vẫn còn trẻ, vẫn còn nhiều thời gian và còn cả tương lai rộng lớn phía trước, nên Kiều mong Vân sẽ vì tình cảm chị em mà chấp nhận lời khẩn cầu của nàng, kết duyên cùng với Kim Trọng. Việc nàng nói về cái chết của mình và sự mãn nguyện khi nhìn thấy em sống hạnh phúc cùng Kim Trọng cũng khiến Thúy Vân khó lòng từ chối.
Xem thêm:
Phân tích 14 câu giữa bài Trao duyên của truyện Kiều
Dàn ý phân tích 14 câu giữa bài Trao Duyên
Qua những hành động cùng lời lẽ mà Kiều dùng để thuyết phục Thúy Vân thay mình nối tiếp mối lương duyên tốt đẹp với Kim Trọng, có thể thấy Kiều là một cô gái thông minh, sắc sảo, khôn khéo và vô cùng tinh tế.
Thúy Kiều không chỉ thông minh, khôn khéo, mà Kiều còn là một người con hiếu thảo với cha mẹ, nặng lòng với người mình yêu. Cơn gia biến đột nhiên ập đến với gia đình Kiều đã khiến nàng phải đứng trong tình thế vô cùng đau thương. Nàng bắt buộc phải lựa chọn giữa chữ hiếu và chữ tình:
“Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”
Phải đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn, dù đau thương nhưng cuối cùng Kiều đã dứt khoát chọn chữ hiếu để làm trọn đạo con, bán mình chuộc cha với mong muốn gia đình được êm ấm, hạnh phúc. Phải là một người con hiếu thảo, yêu thương gia đình bao nhiêu mới đủ dũng khí hi sinh cả hạnh phúc đời con gái, bôn ba nơi đất khách quê người với đầy cạm bẫy để đổi lấy bình yên cho mẹ cha như thế?
Nàng chọn gia đình đồng nghĩa với việc phải dứt bỏ chữ tình. Nhưng nàng vẫn day dứt không thôi trước mối tình đẹp đẽ giữa mình với Kim Trọng. Thúy Kiều lúc nào cũng nhớ đến “quạt ước, chén thề”, nhớ đến những kỉ niệm của cả hai, cả những lời hẹn thề thuở ban sơ. Để rồi giờ đây, gia đình gặp phải tai biến, nàng phải dứt lòng bán mình chuộc cha, nên đành nén đau thương nhờ em thay mình nối duyên với Kim Trọng.
Nàng trao kỉ vật là minh chứng cho tình yêu của cả hai cho em, nhưng vẫn không quên cất lại chút tình duyên cho riêng mình:
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung”
Duyên là một thứ được trời xe, trời định, thế nên những ai gặp được nhau và yêu nhau chính là một loại may mắn trời ban. Nhưng ở “Trao duyên”, Kiều lại tự thay trời trao duyên của chính mình cho em, chỉ trong tình huống trao duyên cũng đủ khiến người đọc phải day dứt mãi thấu tận tâm can.
Kỷ vật của lứa đôi nay đã thành của chung, nhưng “duyên này”, tình cảm đẹp đẽ này, Kiều xin một lần ích kỷ được giữ lại mãi trong trái tim mình. Lời thơ như ẩn chứa nỗi đau đớn khôn cùng của người con gái đáng thương ấy. Cũng chính lời thơ đã khẳng định sự son sắt, thủy chung, nặng tình cảm của Kiều đối với người yêu.
Nhân cách cao đẹp của Kiều còn thể hiện ở chỗ nàng là một người giàu đức hi sinh và vị tha. Nàng sẵn sàng từ bỏ đi hạnh phúc của đời mình, bán mình chuộc cha. Chấp nhận đối diện với tương mai mù mịt, tối tăm, đau đớn trong độ tuổi xuân xanh tươi đẹp của người con gái để đổi lấy bình yên cho gia đình.
Nàng sẵn sàng tự tay trao lại mối nhân duyên đẹp đẽ mà nàng vẫn mơ về ngày được sánh đôi đến cuối đời cho em để bù đắp cho những tổn thương nàng có thể gây ra cho Kim Trọng. Thế nhưng, Kiều vẫn chưa từng oán trách hoàn cảnh, chưa từng oán trách bất kỳ ai. Nàng nhận hết mọi tội lỗi về mình, nàng tự nhận mình là một kẻ phụ bạc đã khiến cho tình duyên giữa nàng với Kim Trọng tan vỡ: "Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây". Cái “gửi lạy tình quân” thể hiện mong muốn được tạ lỗi với Kim Trọng nghe cũng thật xót xa, thật đau đớn.
Kết bài cảm nhận về nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều trong Trao Duyên
Nói tóm lại, đoạn trích “Trao duyên” đã giúp người đọc cảm nhận được nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều. Dẫu bị đặt trong nghịch cảnh tối tăm thì vẻ đẹp nhân cách ấy vẫn sáng mãi trong tâm trí người đọc. Đó cũng chính là thái độ cảm thương và sự trân trọng giá trị cao đẹp của người phụ nữ trong xã hội xưa của tác giả Nguyễn Du khi đặt bút viết lên những dòng thơ mang âm hưởng vang vọng mãi về sau.
Đó là dàn ý chi tiết và bài văn mẫu cảm nhận nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều trong Trao duyên mà bạn có thể tham khảo. Mời bạn đọc thêm các bài viết khác tại đây!