Đăng ký

Cảm nhận của em về bài Cảnh khuya của Bác Hồ

1,182 từ Văn mẫu

Đề bài: Cảm nhận của em về bài Cảnh khuya của Bác Hồ

Bài làm

Bác Hồ là nhà thơ lớn của dân tộc. Thời kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Bác sống và hoạt động tại núi rừng chiến khu Việt Bắc. Mùa thu năm 1947, giặc Pháp dùng thủy lục, không quân tấn công lên Việt Bắc. Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947 là một chiến công lớn của quân và dân ta.

Khi chiến dịch Việt Bắc đang diễn ra ác liệt, Bác Hồ đã viết bài thơ “Cảnh khuya” theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Bài thơ ta cảnh khuya ở chiến khu Việt Bắc và thể hiện tâm trạng của Bác. Cảnh khuya Việt Bắc rất đẹp. Có suối và trăng. Có hoa và cổ thụ:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa.

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”.

Thơ của Bác có âm thanh, đường nét, màu sắc. Tiếng suối chảy rì rầm trong rừng khuya rất “trong” được ví với “tiếng hát xa”. Cách so sánh ấy rất hay: lấy thiên nhiên so sánh với tiếng hát của con người đã làm nổi bật ý nghĩa cảnh rừng chiến khu Việt Bắc mang hơi ấm và sức sống của quân dân kháng chiến. Nghệ thuật lấy động để tả tĩnh rất đặc sắc; tiếng Suối trong nghe êm đềm gợi lên sự thanh vắng của rừng khuya.

Câu thơ thứ hai đã nhân hóa cảnh vật. Trăng, hoa, cổ thụ đang chan hòa, đang “lồng” vào nhau. Trên bầu trời cao là vầng trăng thu. Ánh trăng “lồng” vào cổ thụ; bóng cổ thụ “lồng” vào hoa; những bông hoa rừng: “Phê văn hoa núi ghé nghiên soi”. Tạo vật hiện lên từng mảng sáng, mờ, lung linh huyền ảo, nên thơ. Bức tranh thiên nhiên cảnh khuya mang vẻ đẹp màu sắc cổ điển. Nó gợi nhớ trong lòng ta những vần cổ thi về suối, về hoa, về trăng:

Xem thêm Soạn bài Cảnh khuya, Rằm tháng giêng

Bài thơ: Rằm tháng giêng - Nội dung bài thơ, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm

“Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cẩm bên tai”...

(“Côn Sơn ca”)

“Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm,

Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông”...

(“Chinh phụ ngâm”)

Hai câu cuối bài thơ nói lên tâm trạng của Bác.

Cảnh khuya rất đẹp, Bác lặng ngắm rồi khẽ thốt lên: “Cảnh khuya như vẽ”. Ba chữ “người chưa ngủ” thể hiện niềm thao thức, nỗi xúc động của nhà thơ: yêu thiên nhiên, yêu non nước hữu tình. Câu cuối bài thơ, cánh cửa tâm hồn của Bác như được mở rộng. Bác không chỉ thao thức vì xúc động trước vẻ đẹp cảnh khuya của núi rừng chiến khu Việt Bắc mà còn vì một lí do sâu xa hơn nữa:

“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Bác thao thức, lo lắng vì công cuộc kháng chiến của quân và dân ta, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Lúc bấy giờ, cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt khó khăn. Câu cuối bài thơ diễn tả tình yêu nước sâu nặng, thiết tha của Bác. Hai chữ “chưa ngủ” được điệp lại hai lần đã
làm cho thư liền mạch, tô đậm tâm trạng thao thức, “lo nỗi nước nhà" của lãnh tụ kính yêu.

shoppe